10:44 - 04/02/2022
Vòng xoáy đi xuống và những niềm hy vọng mở ra
Tôi đọc tên các cháu, nhiều khi rưng rưng nhận ra ngay khi đặt tên mỗi đứa, cha mẹ các cháu đều có gửi gắm niềm hy vọng của gia đình: Gia Bảo, Gia Huy, Gia Khang, Gia Huân, Gia Phước, Hoàng Nam, Thanh Hiếu…
Những câu chuyện tôi viết đều là chuyện thật nhưng tôi không đề tên cụ thể vì ngại có khi cháu đọc được sẽ buồn thêm. Tôi chỉ muốn nói, chính những cái tên nhắc chúng ta là, niềm hy vọng của cha mẹ các cháu đang tan vỡ. Thương bọn trẻ quá, chúng ta nghĩ là sẽ cố giúp chúng đứng vững, hàn gắn lại những đổ vỡ – nhưng chuyện không nhanh, không dễ và không hề đơn giản.
Tôi nhớ như in, ít nhất ba lần, hầu như mình đã trải qua kịch bản bất thường, như ai đó lặng lẽ xếp đặt, là vừa rời khỏi một cảnh nhà cực nghèo khổ là bước vào một ngôi biệt thự hay căn hộ khá giả hay rất giàu: dịch Covid không chỉ tấn công người nghèo, nhưng nghèo hay giàu thì sau biến cố cũng tang thương, đau thảm tận cùng.
Bước vào phòng trọ của gia đình cháu H.N, phường Thới An, quận 12 (TP.HCM), chúng tôi (có 2 người) cùng với ba cháu nhìn quanh, tìm chỗ ngồi, không gian chỉ chừng 9 mét vuông, rồi tất cả cùng vui vẻ ngồi xuống đất.
Trang trọng nhất là chiếc bàn thờ ở góc phòng. Bàn thờ nhỏ, đơn sơ nhưng lại có nhiều hoa ly tươi, loại lớn nhất đang nở bung, màu lạ. Có hai bình hoa màu huyết dụ và màu hồng ngả tím. Ba của H.N giải thích: “Tôi bán hoa tươi. Những bình hoa trên bàn thờ bà xã là tôi nhuộm theo màu bà ấy thích”. Ông kể, mỗi đêm ông dậy và ra khỏi nhà lúc 1 giờ khuya để vào chợ Đầm Sen lấy hoa. Về, ông cắt tỉa, bó thành từng bó và đạp xe đi bán rong.
Vợ ông mất đã 4 tháng tròn, cũng chừng ấy ngày giãn cách nên ông mới bán lại gần đây. Ông kể, nếu bán hết hoa, tôi lời chừng hai trăm, đủ để hai bố con ăn uống và chi tiêu trong ngày. Tôi thay mẹ cháu nấu cơm, lo mọi việc để cháu tập trung học, năm nay nó lớp 12. Tôi nhìn sàn nhà sạch bóng. Tôi “ám ảnh” bởi những sàn nhà hẹp mà sạch bóng khi không còn bóng người phụ nữ trong gia đình. Tiếp khách, ăn cơm, ngủ qua đêm… đều trên sàn nhà vuông vức rất hẹp đó.
N. kể, tay chỉ chiếc bàn thấp sát góc nhà, con học online ở góc này. Ba con nấu cơm. Người cha bây giờ vừa làm mẹ, vừa làm bạn của đứa con trai đang tuổi lớn. Ông hảnh diện chỉ kệ sách xếp rất tươm tất đối diện, cháu giữ hết bộ sách Conan vì cháu rất thích, cháu học chăm lắm nhưng rất ít nói…
Rời khỏi phòng trọ của H.N, tôi đến khu phố 2, phường An Phú Đông (cùng quận 12). Ủa, mình có đi nhầm nhà không? Ngôi biệt thự màu trắng xám sang trọng. Trước cửa có tấm bảng, phòng cho thuê. Tức là chưa cho thuê cả căn như một số căn nhà tôi đến thăm đã thấy treo bảng.
Tiếp chúng tôi là một người phụ nữ gầy, đôi mắt hơi sưng, sâu thẳm, mệt mỏi. Cái áo ngắn bằng linen nâu sẫm may khéo mặc nhiên giới thiệu rằng người mặc áo là người trung lưu, khá giả. Nhà có phòng thờ sáng đẹp. Bốn bức ảnh thờ, hàng trên là hai ảnh cũ, và hàng dưới, hai ảnh mới tinh của hai cha con. Là chồng và con trai của bà. Hai cháu, G.H và G.K là hai cháu nội, con của người đàn ông trẻ hơn trong ảnh.
Nghe giới thiệu anh con trai làm phòng kinh doanh một công ty lớn có tiếng, tôi hơi giật mình. Đúng là nét mặt hai người trong ảnh đều rất quen.
Hai đứa cháu trai quá đẹp và khỏe mạnh, như hai vận động viên và đặc biệt, hết sức lễ phép. Khi chúng tôi thắp nhang, hai cháu đứng nghiêm chỉnh xá lại khách.
Bà nội hai cháu tên Hương kể giọng xúc động: “Tôi chỉ có hai con trai. Thằng lớn bị tâm thần hiện ở trên lầu. Thằng nhỏ, là người nuôi cả nhà, và ông nhà tôi, cả hai vừa mất vì Covid. Lúc đó, nhà có 7 người mà đều dương tính hết. Hoảng loạn, sốc nặng, hoang mang. Cả nhà được đưa đi cách ly nhiều chỗ. Đứa bịnh nhẹ nhất, khỏe nhất là ba của G.H và G.K, đi điều trị sau cùng. Khi thấy mình khó tiếp tục tự điều trị, ba của hai cháu soạn tất cả giấy tờ, gom cả 20 triệu tiền mặt và vài bộ quần áo, khóa cửa ngoài đi, định vài hôm là về.
Tới giờ chắc nó cũng chưa tin là nó đi luôn. Nhà khóa cửa bỏ không.
Người quay về đầu tiên sau khi trị lành là cháu G.K, nhỏ nhất nhà. Nó vô nhà, một mình. Rồi anh nó, rồi tôi về. Tôi rũ người vì buồn khi biết ông nhà và thằng con trai nhỏ rủ nhau ra đi vĩnh viễn. Thực là quá sức chịu đựng, tôi sốc đến gần như không nhớ chuyện gì hết. Mấy ngày tôi dậy không nổi, nằm liệt, chợt nhớ ra hai thằng cháu nội nó ăn uống ra sao, đi kiếm thì thấy hai anh em nó đói meo hai ngày, nằm ôm nhau ngủ.
Một đêm, tôi giật mình thức dậy, la hoảng vì thằng cháu nhỏ biến mất. Hô hoán cả nhà đi kiếm, sợ nó buồn làm gì bậy, thì thấy nó trốn xuống phòng thờ, nằm dưới chân bàn thờ, gần bên ảnh ba nó. Tình cảnh nhà thay đổi kỳ lạ lắm. Nhà này, khi chưa có hai cái tang tôi vẫn thường đi cho đồ từ thiện bà con trong xóm. Nên khi nhà gặp nạn rồi, nhà không còn hột gạo, cọng rau mà thấy xe rau lối xóm đẩy đi cứu trợ người nghèo trong xóm, thực tình muốn kêu lại xin một bó rau mà ngại quá, không dám. Ai ngờ chỉ có mấy ngày mà đất trời đảo lộn hết cả.
Không phải hết tiền, nhưng tiền trong tài khoản thằng con trai giờ không rút được. Tôi bị khó khăn do các loại giấy tờ mà thằng con đem theo đi trị bệnh hôm cuối đã bị mất hết, giờ ngay giấy thừa kế hay bảo hộ để thay mặt nó rút tiền, tôi chạy khắp nơi tới nay chưa làm được…”.
Khi tôi hỏi đứa cháu lớn, con tính học xong lớp 12 thì có học đại học không? G.H nói dõng dạc, dạ, kỹ sư không lưu. Con với ba có bàn tính vậy. G.H ngưng một chút rồi hạ giọng, nhưng bây giờ thì chắc không được nữa rồi!
Suốt nhiều ngày đi thăm các cháu mồ côi, thú thật đây là lần dầu tiên tôi nghe một câu trả lời tự tin, dõng dạc như thế và câu hạ giọng cũng nhanh và thấp đến tận đáy như vậy.
Những vấn đề rất lớn dần lộ diện: các vấn nạn về pháp lý gây khó khăn lớn cho các cháu và người ở lại. Và cũng nặng nề không kém là nhu cầu được an ủi, chia sẻ gánh nặng tâm lý.
Những gia đình không có cách gì kiếm tiền tiếp tục mưu sinh, tôi tin rồi cuộc sống cũng sẽ chỉ ra cách mới, khó nhọc hơn, lao đao cũng có – nhưng rồi cũng sẽ dần ổn. Chính tình thương, mỗi người trong gia đình vì thương nhau mà sống mà chở che nhau nương tựa nhau.
Chính sách nhà nước là căn cơ, rất cần. Nhưng còn nhiều nhu cầu quan trọng không kém, cần lắm những tấm lòng sẻ chia bền bỉ, thiết thực, không chỉ bằng tiền. Có khi có tiền không giải quyết được, những nhu cầu về tinh thần, tâm lý, pháp lý…
Cái chết vì Covid thường đến quá bất ngờ, quá nhanh đến bàng hoàng. Mà để xoa dịu nỗi đau, hàn gắn những tan vỡ thì cần sự trợ giúp đồng hành rất dài, rất lâu, rất kiên trì với sự thấu cảm thật tỉ mỉ, tinh tế. Chúng ta còn phải học cách chữa trị nỗi đau của thảm họa này rất lâu.
Điều đau nhất cho chúng ta, nghĩ cho cùng, nạn nhân nặng nề nhất của thảm họa đại dịch này lại là những đứa trẻ vô tội bị bỏ lại trên đời…
Trích “Nhật ký Vòng Tay Việt”
Tâm Hải (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này