08:58 - 01/02/2021
Vũ Kim Hạnh: Sống thế nào, sau cuộc đảo lộn khủng khiếp 2020?
Khi tôi kết luận bài viết này, tôi đã phải bật ngược lên đầu bài để thêm vào những dòng này. Sáng 15/1, đến phiên Bồ Đào Nha phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn đà lây lan nhanh do biến chủng mới. Bản tin này chỉ đến sau tin “phong tỏa toàn dân” nối nhau liên tiếp của Anh, Hà Lan, Pháp, Ý, Brazil…
Cảm thấy quả địa cầu tiếp tục bị nứt vỡ với từng mảnh rời bị bóc nhanh, tôi rùng mình khi đọc tin từ nước Anh: Chính phủ lệnh cho mọi người dân “hãy ở nhà” và “đám cưới không được tụ tập quá 6 người”. Khủng khiếp thật, cuộc sống trên toàn cầu đã có bao giờ đảo lộn quái lạ đến thế? Chỉ một năm, sau thảm nạn từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Trong 26 bức ảnh ấn tượng mà Business Insider chọn cho đại dịch Covid 19, tôi thương nhất là ảnh hai cụ già trong một viện dưỡng lão ở Tây Ban Nha, đều hơn 80 tuổi ôm hôn nhau qua tấm màn phim mỏng trong suốt để tránh lây nhiễm…
Mấy ngày đầu năm 2021 này, tôi cho là cuộc sống hiện nay có hai từ khóa quan trọng nhất: KẾT NỐI (kiểu mới) và (làm ăn) CHUYÊN NGHIỆP.
Vâng, nếu từ khóa của 2020 đã được công bố là “đại dịch” thì năm 2021 này, khi nơi nơi “phong tỏa toàn quốc, toàn dân”, con người càng phải kết nối với nhau (theo kiểu mới) và chuyện làm ăn càng phải thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Cùng với những tin “lockdown” rần rần, tôi cũng đọc thấy một tin mới: hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến “Đối thoại chính sách Mekong” với 17 quốc gia và tổ chức để bàn việc xây dựng dảm bảo một khu vực Mekong phồn thịnh, mở và có an ninh. Trong bản tin này, xuất hiện mấy từ quen thuộc: Trực tuyến và Đối tác.
Chuyện “kết nối kiểu mới”
Các doanh nghiệp bạn bè quanh tôi đều đang phải tính đến sự thay đổi. Tiếp tục kết nối với nhà cung ứng, công nhân, người tiêu dùng theo cách khác. Vì đã bị cấm giao tiếp, tụ tập.Phải làm việc từ xa. Nhu cầu và hành vi người tiêu dùng thay đổi. Từ đó mà dẫn tới thay đổi về quy trình, công cụ và văn hóa doanh nghiệp.Trong bối cảnh tìm đường thay đổi để mà tồn tại, không còn có thể “chậm mà chắc”.
Thay vào đó là “Tốc độ và sáng tạo” để bảo đảm đáp ứng kịp nhu cầu trải nghiệm của khách hàng. Tổ chức nhanh chuỗi cung ứng và vận hành vì Covid đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên qui mô toàn cầu. Và với doanh nghiệp nhỏ thì càng phải chú ý những vấn đề thiết thân: luôn có đủ về tài chính nhất là đủ thanh khoản với một bộ máy thật tinh gọn, hiệu quả.
Trong cuộc trò chuyện với các bạn trẻ khởi nghiệp suốt năm qua, tôi gom dần các kinh nghiệm gợi ý để các bạn làm việc tích cực và hiệu quả hơn trong “bình thường mới”: Hãy cho người quản lý của bạn biết cách bạn sắp xếp công việc và nghe phản hồi của sếp. Hãy chủ động xung phong nhận công việc sau khi nghĩ nhanh giải pháp thực hiện. Hãy sẵn sàng gánh vác công việc như một người tự tin và đáng tin cậy. Cuối cùng là hãy giao tiếp tương tác với nhiều loại đối tác với nhau một cách phù hợp và hiệu quả.
Ngay cả làm nông dân, cũng phải chuyên nghiệp
Đầu cuốn giai phẩm này, tôi có đọc được một bài hay khi chưa in bài của ông Lê Minh Hoan: “Cần một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp”. Vâng, cuộc toàn cầu hóa kiểu mới càng cần những người nông dân hiện đại, nông dân kiểu mới.Cần quá, vì phải làm nông nghiệp hiện đại, cần những con người làm nông hiện đại.
Cuối tuần qua, tôi có chuyến đi nghỉ ở Đà Lạt, chỉ là đi thăm bạn bè. Chỉ 3 ngày, tôi “thăm” được 3 người nông dân, rất tình cờ mà – đúng – là – 3 – mô – thức – con – người – mình – cần – tìm.
Rèn luyện cho mình một khả năng vô cùng cần thiết là: làm mai. Là kết nối con người với con người, với vô cùng nhiều đặc điểm và mục đích, không chỉ nói với nhau những kinh nghiệm nâng giá trị cây trồng mà còn có một nguồn lực mới toanh, bất ngờ. Và ngay trong nông nghiệp, cũng là lúc thật cần kết nối, tăng quy mô. Cần có những vùng nguyên liệu lớn, cánh đồng đủ lớn để có thể dùng drone, xử lý nước, phân, tổ chức bảo quản, chế biến với chi phí phù hợp.Hạn điền không còn phù hợp và cuộc đi vòng quanh để giải quyết, xem chừng chỉ mang lại kết quả rất hạn chế.Cần kết nối các nguồn lực và tích hợp các giá trị.
Chưa bao giờ làm nông mà khó như lúc này.Trao đổi hàng hóa giữa các châu lục hầu như ngưng trệ.Các chợ (hội chợ) quốc tế với lịch sử cả 300 hoạt động liên tục bỗng đều bị ngưng hoạt động, xuất khẩu bị đình trệ. Dịch vụ hàng không với điệp trùng những chuyến bay thương mại biến mất. Tư duy cũ, những công trình thủy lợi giăng mắc khắp ĐBSCL thành vấn đề lớn, không ít công trình biến thành ác mộng vì hành xử theo nhưng quan niệm xưa cũ: Ngăn sông cấm chợ. Be bờ đắp đập. Ngăn sông với biển…
Trong chỉ ba ngày cuối năm 2020, tình cờ tôi đi thăm vài người quen ở Đà Lạt và may mắn chứng kiến ba mô thức của “người nông dân chuyên nghiệp”. Người nông dân đứng tuổi đầu tiên tôi gặp, ông Nghĩa, chủ nhiệm Hợp tác xã trồng cà phê, bơ và hồng, nhìn thoáng qua là thấy đúng nông dân thứ thiệt. Gương mặt đầy nếp nhăn khắc khổ, đen sạm và đôi bàn tay thì chai sần, khô quắt.
Mục đích ban đầu của tôi gặp hai người nông dân sáng hôm đó là nghe và hướng dẫn họ bắt đầu xây dựng tiêu chuẩn Localg.a.p., một thứ tiêu chuẩn bước đệm giữa Vietgap và Globalg.a.p.
Ông thoăn thoắt dẫn tôi đi qua những vạt vườn mấp mô, cà phê lúc lỉu trái chín chen lẫn những cây hồng lênh khênh rực trái chín giữa những tầng lá rợp. Hái một chùm trái cà phê chín đỏ, ông giải thích: Nếu giữ cho được trái chín vầy trên cây, chín hoàn toàn 100%, thì bóc vỏ thịt, cho lên men rồi tiếp tục quy trình, là sẽ bán được giá nhất. Còn dãy hồng đằng kia, đó là hồng vuông, tôi nuôi để sẽ hái ngày cận tết, bán với giá tốt nhất. Vì sao hết mùa mà chỉ mình tôi còn hồng?Bí quyết là mình phải “dạy” nó chín chậm và phải bảo vệ giàn lá để nó trao đổi chất, chứ cây mà trụi lá thì trái sẽ không ngon. Hồng như cây rừng, ăn theo cà phê nhưng vẫn cần chăm thật kỹ. Tập luyện cho nó mỗi năm kéo dài thời gian chín muộn thêm 15 ngày.Chừng ba, bốn năm thì kéo được thời gian chín lâu như hiện nay.Tết tới đây sẽ là một mình một thị trường.
Ông kể “chỉ học kỹ thuật qua sách vở, tài liệu tự mua, hay đi dự những cuộc tập huấn của các công ty, các địa phương.Học miết, đem thử nghiệm và ứng dụng cũng nhiều. Mình đam mê thì học hoài thấy không đủ, cứ thấy phải cải tiến kỹ thuật hoài”.
“Trong đám bạn bè, tôi “nghèo” nhất vì giữ đất để làm. Bạn bè tôi họ mua qua bán lại, giàu to nhưng làm nông đâu phải vậy”. Nói rồi ông cười, ví von: nông dân phải có đất như người lính phải có súng… Làm ăn thì phải lắng nghe nhu cầu thị trường rồi tính thật chặt chẽ, chi li thì mới kiếm được khá tiền. Nghề gì cũng vậy, làm phải nắm kỹ thuật. Tôi học và làm theo nhiều tiêu chuẩn lắm. Coffee practice, 4C, Rain forest… mỗi công ty dạy làm một tiêu chuẩn khác nhau họ mới mua hàng.Giờ tôi cũng thấy cần học Localgap với Globalg.a.p. Chuẩn nào cũng tốt cho mình vì quy trình sẽ hợp lý hơn, dùng vật tư phù hợp hơn và chất lượng thu hoạch sẽ tốt hơn. Gia đình tôi ba đời làm nông.Sống cả đời với đất, tôi biết, mình có tâm với đất thì nó hiểu mình.Có tâm lo cho từng cái cây nó cũng hiểu và đãi lại mình. Không hiểu đất thì trồng trái gì cũng chua với chát còn trái cây không theo ý mình…
Còn ông Nam chủ nông trại Nam Anh trồng dâu tây là một “kiểu nông dân khác”.Đi Nhật học quản lý công, giờ rảnh ông đi học thêm về trồng trọt. Giờ làm trưởng ban Tuyên giáo TP Đà Lạt, ông chủ vườn dâu đã có miếng vườn thật tươm tất trồng trên giàn, phủ giá thể, mạng lưới tưới nhỏ giọt có chip điều khiển lượng và chất nước tưới hàng ngày. Làm nông mà quần áo phẳng phiu như đang trong hội nghị, anh nói anh gắn với remote, smartphone và màn hình hơn là cái cày cái cuốc. Anh than, chỉ có điều tiếc là thuyết phục bà con chung quanh chưa được, họ ngại rủi ro, họ chỉ muốn “tiền tươi thóc thật” và lại ngại đầu tư mới…
Tới đây, tôi đi vào đoạn cuối câu chuyện ba ngày gặp ba nông dân. Vốn siêng “làm mai”, tôi có “kết nối” để hai ông, ông Nghĩa và ông Nguyễn Lâm Viên, doanh nông sản xuất và xuất khẩu nổi tiếng, với hai kiểu cách làm nông khác nhau mà cùng một cốt cách là yêu đất yêu cây, làm ăn có kỹ thuật và không ngừng chinh phục, khám phá.
Thay vì ngồi nghe tay đôi, ông Viên tranh thủ “thời cơ” mời ông Nghĩa nói chuyện với 30 kỹ sư trẻ của ông, nhân dịp họ về dự cắm trại. Nghe câu chuyện lại thấy một con người khác nữa của ông Nghĩa: ông thuộc lòng đất địa, thổ nhưỡng và biết rất nhiều các giống cây bản địa lâu đời của Đà Lạt, Trạm Hành, Cầu Đất…
Như “bắt được vàng”, vì từ lâu tôi nghe ông Lâm Viên nói ý định tổ chức nghiên cứu sinh học, hiểu cho sâu vùng đất ông đang lập trang trại ở Đà Lạt để khám phá và phục tráng các giống cây, con bản địa. Những điều ông Nghĩa nói làm sôi động tất cả học trò – các kỹ sư trẻ của Vinamit – và cả ông thầy.Gạo Tùng Nghĩa là giống Thần Nông 20. Mận Đà Lạt, hồng Cầu Đất, khóm Trạm Hành, bông Artichaud… mỗi tiểu sử của từng loại giống cũ xưa như mở ra những trang lung linh về bản sắc của từng địa danh, giá trị, thế mạnh tự thân các giống quý, báu vật truyền đời của vùng đất, để trên cái nền đó mà phát triển, nâng giá trị
Ông Viên xuýt xoa về cả tài sản quá quý mà ông Nghĩa mang tặng chiều hôm đó. Các kỹ sư trẻ càng háo hức đến tận mỗi nơi nghe ông Nghĩa hướng dẫn…
Chuyến đi học của 30 kỹ sư trở nên kỳ thú. Họ đều là sinh viên đại học Nông lâm TP.HCM, học lý thuyết trong trường và giờ bắt đầu được bố trí về các nông trường của công ty, tham gia quản lý, tiếp tục học qua chương trình thực hành và bồi dưỡng hàng tuần tại trụ sở công ty. Từng ngày, họ trở nên chuyên nghiệp hơn. Ngay từ việc nhỏ nhất là ghi chép nhật ký, theo dõi thực tế canh tác, mỗi tối lên mạng, vào nhóm để chia sẻ thông tin. Tra hỏi ngay, trải nghiệm và cùng nhau giải các bài toán từ thực tế.
Đáng quý nhất là hai bạn nữ mới trên 20, khăng khăng xung phong đi quản lý nông trường trên đồi xa Đăk Nông 20 hecta.
Tham dự các buổi trò chuyện giữa 30 kỹ sư với ông thầy Nguyễn Lâm Viên, tôi khám phá thêm cách mà ông biến các buổi họp đó thành ra bổ ích. Ông nói, đó là trao đổi giữa các nhà quản lý trẻ với… chuyên gia, chứ không phải với sếp. Ông kể: “Làm nông nhưng mỗi nơi một chuyên môn khác nhau: nghiên cứu vi sinh, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… Tôi nghe họ kể chuyện thực tế mỗi nông trường họ đang quản lý mà thực tiễn thì luôn luôn mới, luôn đặt ra các vấn đề phải giải quyết. Tôi học và nối dài cánh tay mình qua các thông tin từ cơ sở mà họ cung cấp và thầy trò cùng nhau giải quyết các vấn đề. Các bạn trẻ tập làm quản lý, rèn mẫn cảm nghề nghiệp và tập nêu gương, tạo ảnh hưởng, nâng cao bản lĩnh tương tác.Điều quan trọng là chia sẻ với nhau thực tiễn.Tôi luôn nhấn mạnh, lúc học, tôi không phải sếp mà là chuyên gia”.
Như vậy đó. Đủ định nghĩa người nông dân chuyên nghiệp chưa? Đó là phải hiểu: kỹ thuật; tiêu chuẩn; thị trường. Hiểu cách luôn học từ thực tiễn và từ tương tác.
Cuối cùng tôi có một ghi nhận, năm 2021 này, có lẽ ai cũng phải học một kỹ năng mới: làm mai, kết nối khi mà sự đảo lộn khủng khiếp đang băm nát, cắt lìa mọi mối quan hệ.
Vũ Kim Hạnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này