09:13 - 17/01/2023
Người thích dựng những rào chắn khó của cuộc đời
Học đại học nông nghiệp, ra làm việc ở một nông trường của tỉnh Đồng Nai, anh quan sát thấy rất nhiều người dân địa phương và cả nông trường sản xuất ra rất nhiều mít mà không thể tiêu thụ. Anh kể…
Tôi vốn rất mê trái mít, vì mình thích ăn mít, lúc đó là mít Long Khánh lại rất ngon.
Rồi tôi phụ trách về xuất khẩu các loại cây gỗ của nông trường. Làm nghề xuất khẩu, tôi được đi nhiều nơi: Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan là cơ hội để quen biết nhiều các thương nhân của Hong Kong và Đài Loan và trong số đó tôi gặp khách hàng là một cựu viên chức Bộ Kinh tế của Đài Loan. Anh gợi ý cho tôi nên về nông nghiệp bởi Việt Nam là nước nông nghiệp và nguồn nguyên liệu sẽ không bao giờ cạn.
Lúc đó học về làm nghiên cứu nông nghiệp năm 1984 mới biết có công nghệ chế biến trái cây sấy khô bằng công nghệ chân không thì tôi rất hào hứng. Theo dõi các nước, thấy Malaysia thì nghiên cứu trái khế. Trung Quốc thì nghiên cứu về làm nấm, Đài Loan về trái táo đỏ thế là tôi chọn mít, thứ trái cây có quanh năm, không bị giới hạn về mùa.
Sản xuất được rồi, tôi nghĩ tới thị trường Trung Quốc mà người Việt mình nhiều người mê vì dân họ đông dễ tiêu thụ hàng hơn.
Vụ kiện bị ăn cắp nhãn hiệu
Làm ăn ở Trung Quốc một thời gian cũng êm xuôi, một hôm, tôi bị siêu thị hạ hết hàng khỏi kệ do bị kiện về sở hữu nhãn hiệu. Thật là buồn, chở hàng về Việt Nam chi phí lớn lắm, mất doanh thu và mất luôn hệ thống phân phối. Tôi quyết định kiện lại và mất gần 5 năm mới lấy lại được nhãn hiệu.
May là tôi cẩn thận lưu trữ đủ giấy tờ làm bằng chứng, trình được tất cả quan hệ khách hàng thân thiết của mình. Người chiếm đoạt nhãn hiệu của mình lại chính là anh ruột của một nhà phân phối của tôi lúc đó có hợp đồng hẳn hoi. Việc tranh tụng về pháp lý hết sức phức tạp và kéo dài. Và cũng nhờ nhóm luật sư ở ngay tại Bắc Kinh và Đại sứ quán của Việt Nam tại Bắc Kinh hỗ trợ mới xong.
Nhiều bạn bè ái ngại cho tôi vì khó khăn để đòi lại thương hiệu là lớn quá. Nhưng tính tôi luôn thích cái khó. Ví dụ sau đó tôi quyết đi hẳn theo hướng sản xuất hữu cơ, và nay đã có chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ, EU và cả của Trung Quốc. Điều này tôi thường tâm sự với các bạn trẻ khởi nghiệp. Hãy tập làm những việc khó ngay khi mình còn trẻ. Bởi muốn cạnh tranh, muốn khác biệt thì phải làm cái khó. Cái gì dễ ăn thì người khác đã làm hết rồi.
Không ngại khó, hiểu thị trường và luôn sáng tạo, mấy điều đó rất cần khi khởi nghiệp. Những cái gì gút mắc nhất, khó khăn nhất của xã hội đó chính là vấn đề của mình. Tôi làm nông hữu cơ cũng học từ từ, như đứa trẻ, mới đầu tập bò, tập đi rồi mới tập chạy, nhảy. Căn bản là mình phải có lý tưởng, xác định hướng đi của cuộc đời mình. Chứ cứ ai sao tôi vậy, ai làm gì tôi làm nấy cho dễ thì rất dễ hỏng.
Thậm chí ngay bây giờ cũng vậy, là khi tôi viết trên Facebook tôi đang sản xuất nông nghiệp 100 % hữu cơ là có nhiều bạn vô bình luận đầy hoài nghi. Rằng với đất đai nhiễm độc hóa chất, nước cũng ô nhiễm thì 98% cũng còn chưa chắc làm được trong khi các bạn đâu biết tôi đã bỏ ra bao nhiêu năm để xử lý hết các vấn nạn đó để canh tác trên đất mình.
Chặng đường mới giúp người tiêu dùng bằng “thực phẩm thay đổi sự sống”
Bây giờ xã hội gọi vui là ông hữu cơ, rau củ trái cây của tôi xuất hiện đều khắp các hệ thống siêu thị, các cửa hàng hữu cơ thì tôi đã yên tâm vào một hành trình mới: chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng qua thực phẩm.
Muốn đi con đường nhiều chông gai này, tôi phải tổ chức, đào tạo một đội ngũ trẻ đồng hành. Hơn 30 kỹ sư được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP hay các đại học có chuyên ngành về y sinh, sinh học… và thời gian qua, các bạn được giao trực tiếp quản lý nhiều nông trường của công ty trên cả nước nhưng quan trọng hơn, các bạn phải tiếp tục học.
Dĩ nhiên các bạn phải học sâu về canh tác hữu cơ. Học về sinh học cho cây trồng rất kỹ. Nuôi đất bằng sinh học như thế nào, làm cây giống bằng sinh học như thế nào, trồng bằng phương pháp sinh học như thế nào, quản lý thổ nhưỡng như thế nào, và để xây dựng những nông trường mới ở những vùng đất xa xôi, các bạn được học cả về kiến trúc, về xây dựng, về cơ giới để tự vẽ quy hoạch cái nông trường, vẽ một cái nhà để xây cho chính mình ở, cho các bạn ở đó được. Hay là đôi khi có những cái xe chuyên dùng về cơ giới kỹ sư trẻ của Vinamit đồng lòng biến những cái không thể thành, cuối cùng phải thành. Các bạn cũng đã trải qua những khóa học chính qui làm chuyên gia dinh dưỡng.
Tức là trước đó đã học cao đẳng y tế sau khi có bằng cao đẳng y tế rồi thì các bạn học chuyên ngành dinh dưỡng. Cũng phải học chuyên sâu về chế biến thực phẩm. Việc học thực sự cần thiết vì chăm sóc sức khỏe khách hàng cần các chuyên khoa đó, và nó cũng giúp các bạn tự tin hơn.
Để cùng nhau chúng tôi đi theo hướng: Thực phẩm thay đổi sự sống.
Hiện nay, người ta đặt nhiều câu hỏi, tại sao khoa học y tế ngày càng hiện đại càng phát triển nhưng sức khỏe con người lại có quá nhiều vấn đề, vấn nạn?
Vinamit từ lâu ấp ủ một chiến lược mới, một giải pháp mới, đó là gì? Đó là khoa học lối sống. Với khoa học này, người ta xét lại cách mà từ trước tới giờ chúng ta đang làm và cần xem xét cái nào là đúng, cái nào chưa đúng thì cần điều chỉnh nó và thay đổi. Và trong nhiều năm, tôi áp dụng cái khoa học lối sống đó cho chính mình thì mới phát hiện ra là nó chữa lành được nhiều thứ bệnh do mất cân bằng trong cơ thể.
Trên góc nhìn của một nhà sản xuất và cung ứng thực phẩm cho XH, từ kiến thức y khoa, sinh học, tôi và nhiều chuyên gia xác định một hướng đi là không dùng thuốc, tức hóa chất mà dùng chính thực phẩm để làm thay đổi sự sống.
Khi bạn đang có vấn đề rối loạn về tiêu hóa và tiêu hóa, hay bị viêm mãn tính, sẽ có những thực phẩm chữa lành. Ví dụ như nước dừa pha từ bột dừa nước sấy đông khô, nó có một tính độc đáo, bản thân nó là một chất điện giải, có thể cho các cháu bé bị tiêu chảy uống thay cho nước biển khô (ô rơ zôn). Bởi vì trong nội môi của con người mình, nó rất cần sự cân bằng giữa kali và natri và các vitamin và tất cả đều có trong ly nước dừa pha từ bột dừa nước này. Hay những củ gừng đen này, chúng tôi “sáng tác” ngay trong mùa Covid thì khi bạn đang bị cảm, không cái gì tốt hơn nó để kích hoạt lại các tế bào, tiết lại các hormone và chất nhầy trong mũi và làm ấm lại cơ thể. Nó cũng khá độc đáo như nước mía lên men thôi. Là con người, cơ thể ai cũng cần xây dựng được cái hệ lợi khuẩn (Probiotics)…
Hệ vi sinh vật đường ruột là nơi mà nó tạo ra 80 % hệ miễn dịch cho cơ thể của mình. Tôi nhớ hôm trước, BSA có đưa ra báo cáo về 10 xu hướng mà Innova Market Insights, một công ty nghiên cứu thị trường Hội chợ thực phẩm và đồ uống châu Á Thaifex, hôm tháng 5.2022, có một điều là thế giới đã nhận ra: vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột, trong cái hệ tiêu hóa cũng như là cái hệ miễn dịch. Chắc chúng ta cũng từng nghe chuyện của doanh nhân Phạm Đình Nguyên hay anh Lâm Minh Chánh cũng tự chữa trị bằng thực phẩm mà thay đổi sự sống.
Tôi cũng vừa khai trương nhà hàng Plant-based, chuyên bán thịt thực vật, đạm thực vật. Thế giới bây giờ gọi chung hệ thực phẩm dựa trên thực vật, thịt thực vật bằng tên plant-based thay vì vegan (ăn chay).
Bây giờ nhiều người nói muốn ăn đúng, làm đúng, ăn sao là đúng, uống đúng và tốt cho sức khỏe là như thế nào. Nhưng đi vào con đường đó thì không phải là dễ, nên phải đi từng bước, và điều dễ làm là áp dụng một “liệu pháp” đang là xu hướng mạnh trên thế giới hiện nay là… plant-based, ăn uống dựa trên thực vật. Cũng có thể gọi nôm na là ăn thô, có nghĩa là ăn cái gì đó từ rau củ, quả và nhiều phần là tươi sống.
Tôi cũng tự hiểu là nếu chúng ta không đưa khoa học lối sống đó, phương thức ẩm thực để thay đổi sự sống đó mà chứng minh thì các bạn trẻ sẽ không bao giờ chấp nhận. Ơ kìa, tại sao tôi đang ăn thịt, đang nhậu nhẹt ngon quá trời mà phải suy nghĩ lại? Cần thay đổi từ từ, dần dần rồi bạn sẽ nhận ra cái ích lợi của những thực phẩm thay đổi được sự sống.
Thực phẩm như thế nào thì mang lại khỏe mạnh, tươi trẻ một cách tự nhiên được?
Đó là cái giá trị mà hiện nay mọi người đang đi tìm. Đỉnh cao của sức khỏe là gì? Tôi đã cùng các bác sĩ, chuyên gia thử tổ chức một lớp học để hiểu về cơ thể, dạy kiến thức y khoa cho người chưa bao giờ học chuyên khoa y hết để họ hiểu về 11 hệ cơ quan trong vòng ba tháng. Bảy mươi (70) bạn đang học vẫn rất là sôi nổi và hàng tháng có những workshop bàn về vấn để ăn uống như thế nào để chúng ta khỏi bệnh, trong đó có những bạn bị những bệnh mãn tính mà Tây y không trị dứt được thì chương trình đã giúp họ vượt qua được như bệnh trào ngược dạ dày hay bệnh mất ngủ. Chương trình vốn không chỉ nhằm mục đích kinh doanh mà nó còn là đem lại cuộc sống yên vui cho cộng đồng và tôi nghĩ, đó chính là xu hướng kinh doanh của ngày mai.
Với nhà hàng plant-based, thực ra là một trung tâm nghiên cứu thực nghiệm thì đúng hơn, tôi mở rộng hoạt động và mong các bạn cùng chia sẻ.
Kim Hạnh ghi (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này