11:39 - 31/01/2024
Đi qua những ngôi làng cổ
Ngược với Paris tráng lệ, phù hoa và náo nhiệt, những ngôi làng nhỏ im ắng, cũ xưa lẫn khuất đâu đó ở khắp nước Pháp luôn có sức thu hút đặc biệt.
Mỗi người cảm nhận vẻ đẹp của làng khác nhau, nhưng điểm chung có lẽ là kiến trúc cổ kính, dấu vết lịch sử, nếp sống yên bình và thân thiện.
Tình cờ Barbizon
Làng cách xa quốc lộ, dẫn tới bằng một con đường nhỏ, khi xuyên rừng lúc băng đồng. Thật khó định nghĩa đơn vị hành chính làng khi đã thăm thú nhiều nơi. Có làng nhỏ xíu với duy nhất một con đường xuyên qua vài chục nóc nhà, cũng có làng dân số vài ngàn, đường ngang lối tắt như bàn cờ, tiện ích hiện đại không thua thành phố.
Mê những ngôi làng cổ, tới lui hoài mới ngộ ra mấy chi tiết, hễ thấy là đã tới làng.
Thứ nhứt là château d’eau – tháp nước. Thứ hai là nghĩa trang với tường rào xây dựng khá giống nhau. Thứ ba là toà thị chính dễ nhận ra vì có treo cờ. Và thứ tư là nhà thờ, không bao giờ giống nhau, với tháp chuông vươn cao, cũng là trung tâm làng với một khoảng sân rộng. Thêm một chi tiết hấp dẫn nữa là làng nào cũng phải có ít nhất một quán café, quán rượu và lò bánh mì, thường kề bên nhau.
Thấy tấm áp phích ngay cửa ngõ làng Barbizon, chúng tôi mới biết đang là ngày cuối của hai ngày Journées du Patrimoine, Ngày di sản. Người qua lại đông vui, mang đủ dáng vẻ của khách du lịch. Barbizon thu hút khách vì cái tên “làng hoạ sĩ”, nơi tập trung nhiều xưởng vẽ của các bậc thầy hội hoạ từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.
Anh bạn đi chung cho rằng Barbizon tuy là ngôi làng nhỏ chuyên nghề xẻ gỗ bên rìa rừng, nhưng mà là rừng Fontainebleau nổi tiếng của nước Pháp. Fontainebleau có lâu đài, dinh thự hoàng gia của nhiều triều đại, từ François đệ nhứt cho tới Napoleon đệ tam. Thói thường, hễ có ông hoàng bà chúa là phải có múa hát nhạc kịch, có tranh có tượng, có văn nghệ sĩ… để làm thành nếp vương giả.
Nhiều hoạ sĩ đã đến lập xưởng vẽ ở Barbizon, trong đó có Jean-François Millet, hoạ sĩ tiên phong của trường phái Barbizon thế kỷ XIX.
Tình cờ mà chúng tôi làm khách của một trong những ngôi làng đẹp nhất nước Pháp, trong ngày tôn vinh di sản văn hoá của châu Âu. Ngày Di Sản – Patrimoine, được tổ chức thường niên vào hai ngày cuối tuần thứ ba của tháng 9 trên khắp nước Pháp. Nhà nước đứng ra tổ chức ở các cung điện lớn, còn tại những ngôi làng nhỏ người dân cũng mở hội hè, và dĩ nhiên đông vui như… hội.
Không gian xưa cũ của Barbizon được phục dựng với nhiều chiếc xe hơi cổ trưng bày suốt một đoạn đường dài. Có vài hoạ sĩ dựng giá vẽ làm việc bình thản giữa dòng người qua lại. Quán café khách ngồi kín vỉa hè. Một cổ xe ngựa chở mấy đứa trẻ lóc cóc dạo chơi trên các con đường đầy ắp tiếng cười. Các xưởng vẽ, bảo tàng tư nhân, gallery mở cửa bày bán từ tranh tượng, đồ thủ công cho tới các loại kỷ vật gắn liền với đời sống của làng.
Ở khoảng sân rộng trước nhà thờ, những người chăn nuôi gia súc quây các bó rơm thành rào, thả dê, cừu, ngựa. Họ giải thích cho khách nghe về sinh hoạt nhà nông một cách hào hứng và thân thiện. Tôi thích cái xe ép nước táo (pomme) của mấy ông nông dân tướng tá bặm trợn mà hiền khô, ai ngang qua cũng mời. Mấy ổng nói đang cuối mùa pomme, mượn được cái máy ép, ép nước pomme mời khách thăm làng.
Mọi hoạt động vui chơi thưởng ngoạn bày ra hết sức tự nhiên trên các ngã đường lát đá mòn nhẵn. Nhịp sinh hoạt, không gian kiến trúc, cùng với sự hưởng ứng của du khách đã làm nên “hồn cốt” di sản của ngày hội, tại ngôi làng tuổi đời nhiều thế kỷ.
Những ngày Di sản châu Âu là sáng kiến từ năm 1984 của nước Pháp. Năm 1991, chính thức ra đời, gợi cảm hứng tổ chức “Ngày Di sản quốc gia” cho khoảng 50 nước trên thế giới. Với chủ đề “Patrimoine durable’’ (Di sản bền vững), chương trình Ngày Di sản châu Âu diễn ra trong hai ngày 17 và 18 tháng 9 năm 2022 đã quy tụ hơn 16.000 công trình kiến trúc nổi tiếng, cũng như các di tích lịch sử đủ loại nằm trên khắp lãnh thổ nước Pháp- theo anh google : “Nước Pháp hiện có hơn 45.000 di tích lịch sử được bảo vệ, trong đó khoảng 13.500 di tích đã được công nhận cấp quốc gia. Khoảng 44% trong số này thuộc sở hữu tư nhân, 41% thuộc về các tỉnh, thành phố và chỉ 4% thuộc về Nhà nước.”
Nhà lồng chợ, café không croissant và món salad vịt
Có những thứ giống nhau mà thành gần gũi, rồi ưa thích. Nhưng có khi khác biệt mà không xa lạ lại gây hứng thú. Với ý định tìm quán café, kiểu quán làng, từ một nhánh rẽ tình cờ trên quốc lộ chúng tôi lọt thỏm vô làng Monpazier, phía Tây Nam nước Pháp.
Monpazier được xây dựng từ thế kỷ 13, bởi vua Anh, Edward I. Từng thuộc Anh, tranh chấp dai dẳng cả trăm năm trước khi vĩnh viễn thuộc Pháp. Monpazier có kiến trúc bằng đá, phong cách bastide điển hình của một thị trấn kiên cố thời Trung cổ ở vùng Tây Nam nước Pháp. Giống như Barbizon, Monpazier là thành viên Les Plus Beaux Villages de France, Những ngôi làng đẹp nhất nước Pháp. Khu trung tâm Monpazier có một quảng trường nhỏ, nơi họp chợ phiên vào thứ năm hằng tuần suốt nhiều thế kỷ. Những ngôi nhà bằng đá hợp thành bốn dãy phố hai tầng ở bốn cạnh vuông vức, có một góc là con đường rộng dẫn vào nhà thờ.
Ở một cạnh của quảng trường là nhà lồng chợ, trống rỗng, chỉ còn mái ngói, những hàng cột gỗ đậm dấu thời gian, và ba thùng sắt tròn kiểu thùng phuy, đặt trên bệ đá lớn. Thấy có bảng ghi chú, và phải tra cứu mới biết, là dụng cụ để đong đếm khối lượng hàng bán tại chợ cho nhiều mục đích khác nhau, như thống kê, kiểm định hoặc thu thuế gì đó.
Quán café vắng, không gian tối lạnh bên trong, có mái hiên vòm đá bên ngoài, và khoảng sân đầy nắng kế nhà lồng chợ kê bàn ghế gỗ, cũ và đẹp.
Café, sân chợ và nhà lồng chạm liền vào góc ký ức chưa xa, thời Cần Thơ còn nhiều nhà lồng chợ huyện, như nhà lồng chợ Cái Răng, chợ Cờ Đỏ, Ô Môn…Có chút bùi ngùi bởi tại các địa điểm đó, giờ tuyệt nhiên không còn dấu vết của nhà lồng. Chuyện phế – hưng có thể hiểu được, nhưng ngay tại không gian này, vào buổi sáng đầu thu có nắng trải dài lên các phiến đá, dấu vết bể dâu chừng như rất mơ hồ, chỉ bạc chút màu thời gian trên mắt đá rêu phong.
Suốt bốn tháng trời, lần đầu tiên bước vô một quán café của Pháp không có croissant truyền thống, lại thấy banana pancakes và bánh mì omelette kiểu Anh. Thử ngó quanh quán kế bên, thấy cũng vậy. Cái sự giống nhau và khác nhau diễn ra hết sức thuận hoà, tự nhiên, phát hiện ra mới thấy thú vị.
Trên những con đường lát đá dẫn vào và vây quanh quảng trường là các cửa tiệm. Vài tiệm bán đồ ăn kiểu Pháp, đặc biệt có vịt đúc lò và nhiều món chế biến từ gan vịt, bởi miền Nam nước Pháp nuôi nhiều vịt.
Người Pháp mê ăn uống tới độ sành sỏi nên đi tới đâu hãy yên tâm thưởng thức hương vị món ăn chỗ đó, anh bạn đi chung là người sành ăn nói vậy nên bữa trưa hôm đó tại thị trấn Sarlat cách Monpazier không xa, chúng tôi ăn món salade vịt.
Ở thung lũng sông Loire hay vùng Alsace, từ các thành phố lớn cho tới các ngôi làng nhỏ, trong thực đơn các quán ăn chưa bao giờ thấy món vịt. Còn ở làng Monpazier, rồi Sarlat phía Nam, tôi đọc các menu trước cửa rất nhiều quán ăn, thấy vịt đủ món. Món salade vịt gồm rau củ, nấm, ức vịt xông khói, thịt vịt nấu mềm, điểm thêm miếng pate gan vịt xếp trịnh trọng trên thanh bánh mì, phủ lóng lánh một lớp hoa muối (Fleur de sel), cũng là đặc sản phương Nam
Với giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hoá nghệ thuật, nước Pháp giữ gìn di sản ẩm thực đồ sộ, in đậm dấu ấn ở những ngôi làng cổ đang khai thác du lịch.
Đỗ Tiến Nhựt (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này