12:32 - 03/02/2022
Con đường 30 năm phía trước của nông nghiệp vì sự sống
Ông Nguyễn Lâm viên nói rằng chiến lược phát triển cho 30 năm tới của Vinamit sẽ hướng đến hai ngành công nghệ thực phẩm quan trọng: công nghệ sấy và lên men vi sinh. Hai ngành then chốt này không chỉ hỗ trợ cho công nghệ chế biến thực phẩm mà cả nền nông nghiệp.
Bán giá cao cái người ta cần
Thanh long và nông sản tắc ở cửa khẩu. Gần 5.000 xe tải kẹt dài từ cuối năm ngoái, không thể thông quan sang Trung Quốc. Bán rẻ như cho. Đầu tiên là thương lái thiệt, nhưng rồi thua lỗ và thiệt thòi cũng kéo đến trước nhà nông dân đồng bằng. “Tình trạng này bao năm rồi. Năm nay, chính sách càng siết chặt thì tình hình càng tệ hơn. Lần này nông dân thiệt một thì thương lái thiệt hơn hai ba lần. Buồn nhưng rồi tôi lại thấy mừng bởi mình có dịp nhận ra và thay đổi”, ông Viên nói.
Giá xuống rồi cũng sẽ lên lại theo quy luật cung cầu, ông giải thích. Giá mít vài tuần trước xuống còn 1.000 đồng mỗi ký, nhưng hai tuần nay đã lên lại 8.000 đồng. Qua Tết thì giá sẽ cao hơn. Nhưng cái chính là nông dân mình có đủ sức chịu nạn một thời gian hay không. Giá thấp thì không bán nữa, đợi giá lên. Lúc này, bảo quản và chế biến đóng vai trò quan trọng.
“Chúng ta không thể bỏ được thị trường khổng lồ này bởi nó nằm sát cạnh, thuận lợi. Nhưng phải xem đây là cơ hội thách thức để đánh giá lại đất đai, công nghệ và năng lực của nông nghiệp trong nước. Phải xem đây là điều may mắn, cho chúng ta cơ hội để tập dượt, chuẩn bị cho thị trường khó tính hơn và ở xa hơn nữa như Mỹ và châu Âu. Chính vì thế phải nâng cao năng lực bảo quản và chế biến”, CEO Vinamit nhận xét.
Không thể xem Trung Quốc là thị trường dễ tính, dễ chịu nữa bởi họ càng đòi đồ tốt, giá trị hơn. Gạo Việt Nam bán được vài trăm đô la một tấn, nhưng Đài Loan xuất sang đại lục loại có giá đến 3.000 đô la/tấn. Cà phê thì người tiêu dùng Trung Quốc cũng săn lùng khắp các hội chợ, cuộc thi cà phê quốc tế trên thế giới để mua loại thượng hảo hạng…
“Bán được các loại nông sản giá cao vậy thì nông dân đỡ cực. Cái chính là bây giờ chúng ta hoàn thiện quy trình khép kín từ canh tác, chế biến và rồi cả farm tour – chương trình tham quan nông trại. Một ngày thăm trang trại sẽ giúp khách hiểu hơn về nông nghiệp bền vững, gắn bó với thiên nhiên. Đó là cách tăng giá trị cho nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững”. Ông cũng kể thêm rằng Vinamit đang thực hiện thử nghiệm các farm tour, hiện chỉ hạn chế với một vài nhóm khách.
Thuận tự nhiên, vì sự sống
Các trang trại của Vinamit ở Củ Chi, Bình Dương, Đắk Nông, Đắk Lắk, Đà Lạt hay Kiên Giang luôn duy trì được hệ động thực vật phong phú. Kiến vàng làm tổ ở những vườn cây trái. Chim sáo, chim cu, cò từ các nơi tìm về làm tổ, kiếm ăn. Trang trại ở Đà Lạt còn có cả thỏ hoang và heo rừng về làm khách.
Lắng nghe nhịp sống của thiên nhiên là triết lý sự sống của ông Viên. Tất cả các trang trại của Vinamit tuân thủ chặt chẽ triết lý này. Nông nghiệp vì sự sống không phải là tiêu diệt mà là cộng sinh, các loài sẽ tự khắc chế lẫn nhau để đi đến cân bằng. Loài sâu bệnh này bùng lên thì sẽ có loài côn trùng thiên địch xuất hiện để khắc chế, loài vật này sẽ là thức ăn cho loài vật khác. Vì vậy, Vinamit không dùng hóa chất để can thiệp, diệt trừ sâu bệnh mà sẽ chọn cách thay đổi giống cây trồng, dẫn dụ thiên địch… nhằm khắc chế loài gây hại trên cánh đồng.
“Trong canh tác, nếu trồng rau lang mà bị côn trùng, sâu bệnh phá nhiều quá thì đổi sang trồng rau muống, sâu bệnh đang ăn rau lang mất nguồn thực phẩm sẽ không có cơ hội sinh sôi. Trong chế biến, tuyệt đối không sử dụng phụ gia, không tiệt trùng, không chiếu xạ…” – ông Viên dẫn chứng.
Con đường đeo đuổi nông nghiệp sạch hay hữu cơ của ông Viên là những trải nghiệm của chính bản thân ông. Nhiều năm trước, đi đâu ông Viên cũng kè kè bịch thuốc đủ thứ bệnh như huyết áp, dạ dày… May mắn, ông gặp được một bác sĩ người Đức chữa trị bằng y sinh và ngộ ra nhiều điều. Những cái bác sĩ áp dụng trị bệnh con người thì các trang trại của Vinamit đã làm nhiều năm trên cây trồng và vật nuôi.
Ông đào sâu nghiên cứu, tự trải nghiệm để tìm ra giải pháp riêng. Đó là những thực phẩm chứa hệ vi sinh vật có ích, nói cách khác có chứa hàm lượng sinh học. Ông kết hợp việc ăn các loại hạt, rau quả có bổ sung men vi sinh và tập thể dục thường xuyên. Các chuyển biến sức khỏe dần tích cực: bỏ thuốc đau dạ dày, rồi bỏ luôn thuốc huyết áp, kiểm soát được đường huyết, tiểu đường… Năm năm qua, ông không còn phải đụng đến loại thuốc nào mà ban đầu cứ tưởng phải sử dụng suốt đời.
“Tương lai của nền nông nghiệp vì sự sống lý tưởng có thể là nền y tế dự phòng. Bởi ngoài yếu tố duy trì sự sống, ăn uống khoa học và dinh dưỡng còn có thể khắc chế bệnh tật”, ông Viên rút ra kết luận.
Ông cho biết là kỹ sư ở các trang trại đều tốt nghiệp ngành lâm nghiệp hay sinh học và được yêu cầu học thêm văn bằng 2 của một trường cao đẳng y tế. “Họ làm nông công nghệ cao, nhưng cũng là những chuyên gia dinh dưỡng”.
Thuận tự nhiên, hữu cơ và hướng tới phát triển bền vững trong nông nghiệp là mục tiêu của Vinamit, xong mới nói đến nông nghiệp không có đầu vào. Nói một cách dễ hiểu là nông nghiệp tuần hoàn theo vòng tròn khép kín, đầu vào của sản phẩm này là đầu ra của sản phẩm khác và ngược lại. Vinamit hướng đến nông nghiệp không có đầu vào nhưng phải mất 3 – 5 năm nữa mới có thể vận hành được.
Chẳng hạn, phụ phẩm của cây chuối sau thu hoạch lá chuối, vỏ trái chuối và thân chuối. Lá có thể sử dụng làm vật liệu bao bì tự nhiên, vỏ trái chuối và thân chuối lên men làm thức ăn gia súc hay phân bón. Các loại vỏ trái cây, bã mía hay vỏ mít cũng tương tự như vậy… Các vật nuôi heo bò gà hay cá sẽ ăn thực vật tự nhiên và thức ăn gia súc chế biến như vậy. Chất thải của vật nuôi lại trở thành phân bón cho cây trồng.
Một thời gian nữa, các trang trại của Vinamit mới vận hành trơn tru theo vòng tròn khép kín.
Đóng chốt với công nghệ“nước mía nguyên bản”
Tháng 6/2021, người dân trong các khu cách ly và lực lượng y tế tuyến đầu tại TP.HCM và vùng lân cận nhận được những hủ mật dừa nước đông khô tiện lợi. Đường mịn, có thể ngậm vào miệng hay hòa nước để bổ sung nước, khoáng chất và vi lượng. Món quà quý của Vinamit được sản xuất từ công nghệ sấy thăng hoa theo bằng sáng chế độc quyền của Mỹ cấp cho ông Viên năm 2019. Công nghệ sấy thì Việt Nam khá thông thạo. Nhưng sấy sao để có thể giữ được “sự sống”, giữ nguyên các dược tính và tất cả những vitamin, vi lượng trong sản phẩm, giúp cho nông sản sau chế biến vẫn “như mới hái từ trên cây về” thì đó mới là điều cốt yếu.
Muốn sấy đông khô một sản phẩm như nước trái cây thì cũng giống như phải sấy một viên nước đá, làm sao để sấy xong mà nước rút hết nhưng viên đá vẫn còn hình. “Chuyên gia công nghệ sấy nào mà nghe tôi mô tả vậy thì trả lời bó tay rồi”, ông Viên kể. Lý do là bởi khi sấy một vật thể rắn như miếng xoài hay miếng mít, muốn khô thì người làm chỉ cần tăng nhiệt độ lên, nhưng với một vật thể lỏng như nước đá, gia nhiệt thêm chỉ một chút khoảng 5 – 100C thôi là nước đã chảy mất rồi.
Ông Viên đã không một chút băn khoăn hay do dự khi chi hơn 100 tỷ đồng để nghiên cứu công nghệ sấy đông khô. Ông hiểu rằng “đây là sản phẩm của tương lai và nếu không có công nghệ này thì sẽ không bao giờ có thể đạt được”.
Với phương pháp mới này, các loại cây trái như mía, thơm, cóc… hữu cơ sau khi thu hoạch sẽ được ép thành nước và đưa thẳng vào máy sấy đông khô rồi chuyển thành dạng bột, không chỉ dễ dàng pha uống và xuất khẩu đi nửa vòng trái đất, mà còn giữ nguyên được tất cả những vi khuẩn sống và các chất vi lượng có lợi ở trong đó, bảo toàn hương vị và chất lượng đến 96 – 98% so với sản phẩm tươi mới.
Nhưng ý tưởng chế thức uống đông khô xuất phát từ tin nhắn của cô con gái định cư ở Mỹ. Sophie nói với ông Viên, đồng nghiệp ở bệnh viện cô làm khoe vừa đi chợ Việt Nam, được uống nước mía thỏa thích. Tin nhắn của con gái khiến ông mất ngủ nhiều đêm, luôn nghĩ cách làm thế nào có thể gửi cho con những ly nước mía tươi ngon, nguyên chất.
Mấy tháng tiếp theo, Sophie liên tục gửi ông các tài liệu về xu hướng thức uống mới ở Mỹ – loại nước trái cây tươi, trọn vẹn dưỡng chất, prebiotic, các khoáng chất, vitamin, lợi khuẩn và giữ nguyên màu, mùi, vị. “Sophie nhấn mạnh loại nước ấy không phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, tạo màu, tạo mùi, tương tự ly nước mía con bé nói ‘thèm muốn khóc’”, chủ tịch Vinamit chia sẻ.
Thế là, ông Viên bắt đầu chặng đường khá gian nan, giải nhiều bài toán để tạo ra “nước mía nguyên bản cho con gái”.
Hiện ông Viên đã có 5 bằng sáng chế công nghệ do phía Mỹ cấp bản quyền, trong đó có sấy đông khô hay sấy thăng hoa. “Công nghệ sấy đông khô giống như cái chốt chặn của công nghệ lên men vi sinh. Quá trình lên men tạo ra vi sinh tốt cho cơ thể được chốt chặn bằng công nghệ sấy đông khô. Đây chính là hai xu hướng mới của công nghệ chế biến thực phẩm và nông nghiệp thế giới”.
“Vinamit đã đi chặng đường dài hơn 30 năm từ khi thành lập. Chặng đường 30 năm kế tiếp của chúng tôi sẽ dựa trên hai công nghệ này”, ông Viên kết luận trước khi lên đường đi thăm trang trại ở Đà Lạt.
Ricky Hồ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này