09:55 - 16/01/2023
Bến Tre, Venice Việt
Năm 1974 tôi có dịp thăm thành phố Venice nước Ý, năm 1994 lại có dịp thăm lại thành phố nổi tiếng này. Đâu cũng thấy nước, thấy cầu. Mường tượng Bến Tre ngày nay khác gì Venice. Vậy là mình có Venice Việt.
Venice phương Bắc. Tôi đến Stockholm vào tháng 9 năm 2008. Đâu cũng thấy nước, thấy cầu. Khắp nơi nước mênh mông. Thủ đô của Thụy Điển còn được gọi là Venice phương Bắc.
Venice phương Đông. Antonio Pigafetta trong đoàn thám hiểm của Ferdinand Magellan kể lại ngày 8 tháng 7 năm 1521 đã thăm Brunei. Có 25.000 gia đình, sống trong những ngôi nhà sàn trên sông Brunei. Ông đặt tên là Venice phương Đông, theo tên quê hương mình. Lúc Magellan từ Venice đến thì ngôi làng đã có từ 1.300 năm. Venice phương Đông còn đó trước mắt tôi. Nay Kampong Ayer (ngôi làng trên nước) là một quận của thủ đô Bandar Seri Begawan, cầu nối quá khứ ngàn năm với Brunei khởi sắc hôm nay.
Thành phố Venice Việt
Cầu Rạch Miễu nối hai bờ sông Tiền. Nôn nao theo dõi cầu xây từ năm 2002 thông xe 19/1/2009. Một năm sau tôi có dịp qua cầu. Cầu đẹp. Nắng vàng ánh lên các dây văng cầu Rạch Miễu. Đứng trên cao dựa vào thành cầu, nhìn bốn phía, nhìn gần sát, nhìn xa tít, tôi thấy chơi vơi. Ôm các cù lao, khúc sông Tiền vẫn rộng mênh mông. Cây cầu mở tầm nhìn toàn cảnh sông nước này. Lần đầu tiên từ trên cao tôi được ngắm thành phố Mỹ Tho, nơi tôi trải qua tuổi học trò. Từ xa thấy cù lao Rồng nguyên dáng. Nước sông màu đỏ phù sa cuồn cuộn chảy, các giề lục bình phăng phăng theo sóng. Tôi đã từng qua khúc sông trên đò, trên phà; đã có tới những cù lao này, nhưng trên tầm cao, mắt ôm trọn, lòng say cảnh thì chưa từng có. Các hàng bần rậm, dáng dừa xa xa. Hết phần cầu văng, cầu thấp hơn, trải dài qua một nhánh sông nữa. Cù lao Thới Sơn đây mà, xưa tôi thường đi đò từ Mỹ Tho sang chơi nhà bạn ăn cam cồn. Rồi tới cồn Phụng. Nhớ kỷ niệm đi trên bắc Rạch Miễu thấy cái “lồng chim” của ông đạo Dừa trên cây dừa cao.
Cầu Rạch Miễu nay nối hai bờ sông Tiền, gắn liền Mỹ Tho và Bến Tre hai miền đất đầy kỷ niệm của tuổi thơ tôi. Mấy mươi năm trước nhớ khoảng tuổi học trò đệ thất, đệ lục trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho bọn trẻ chúng tôi đem xe đạp qua bắc Rạch Miễu, rồi đạp một mạch đến Bến Tre.
Cầu Hàm Luông nối kết các cù lao. Năm 2010 lại có cầu Hàm Luông. Vậy là ba cù lao lớn (cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa) đã được gắn với nhau. Từ Mỹ Tho, xe qua cầu Rạch Miễu chạy một hơi chừng mươi cây số, trước khi vào thành phố Bến Tre, xe vòng một bùng binh quẹo trái, chạy một đổi rồi qua cầu Hàm Luông, lại theo quốc lộ 60 lần lượt qua huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và chợ Lách. Đường tốt có mấy cây cầu nhỏ.
Thật thú vị, cùng bạn bè ngồi ghe máy đi trên sông Hàm Luông, bần rậm hai bên bờ, nhìn các giề lục bình trôi ngắm cây cầu vắt ngang. Vui quá nơi bến phà Hàm Luông xưa thấy mọc lên khách sạn Dừa gần vàm sông Bến Tre đổ vào sông cái Hàm Luông.
Chiếc cầu vắt ngang sông Cổ Chiên. Năm 2015, lại có cây cầu nối hai bờ Trà Vinh – Bến Tre. Cầu dài phơi dáng nên thơ trên dòng nước mênh mông. Vậy là Bến Tre xứ dừa hết còn là ốc đảo nữa rồi.
Tôi bồi hồi nhớ lại dịp chót đi phà Cổ Chiên thấy cầu sắp hợp long. Cầu cũng dài, cũng rộng như cầu Hàm Luông, dòng sông cũng rộng, cũng nước đỏ phù sa chảy xiết. Qua cầu, tới đất Trà Vinh lòng thấy mừng vui.
Từ Sài Gòn xe chạy đến Mỹ Tho qua cầu Rạch Miễu đến Bến Tre qua cầu Hàm Luông miết theo quốc lộ 60 qua cầu Cổ Chiên tới Trà Vinh. Có dịp đi nhiều lần đến nhiều chặng. Nhớ lại tôi đã đi được gần trọn dòng sông.
Sông Tiền rẽ vào sông Cổ Chiên gần chợ Vĩnh Long, vàm sông mênh mông. Nhớ có lúc băng ngang sông trên phà Đình Khao qua Bến Tre, lại có dịp qua phà Nhuận Phú Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) lên cồn Dài giữa sông thăm vườn cây trồng đủ thứ sầu riêng, măng cụt, chôm chôm … Có lần được đi ghe đến tận cửa sông ra biển.
Theo các dòng sông ra biển. Xong buổi giảng cập nhật y học cho các bác sĩ trẻ bệnh viện huyện Bình Đại, đoàn chúng tôi lên chiếc ghe chài ra cửa Đại. Có một bãi đất rộng trên biển nghe gọi là cồn Nghêu thấy hằng hà sa số nghêu trên bãi cát. Nhìn vào đất liền thấy rõ cửa Đại, cửa Tiểu cặp kè. Ôi! Xưa kia Nguyễn Huệ dẫn chiến thuyền từ Bình Định theo cửa Tiểu vào Gò Công tới Mỹ Tho đánh tan quân Xiêm.
Làm việc ở bệnh viện huyện Thạnh Phú cũng được dịp thăm cửa Cổ Chiên. Nhìn thấy rõ cửa sông đổ ra biển nhờ hai bên bờ rậm đước. Mênh mông sóng nước.
Thương nhớ Bến Tre
Hơn mươi năm gắn bó với Bến Tre. Hàng năm được cùng các bạn trẻ góp sức lo sức khỏe cho bà con. Vui làm sao! gần như năm nào tôi cũng xuống vùng sông rạch nước đỏ phù sa lục bình bềnh bồng bần rậm ven bờ. Dịp này dịp khác thăm nơi này nơi nọ: Thành phố Bến Tre, các huyện Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Bình Đại… May được theo các dòng sông ra biển.
Dòng sông Bến Tre. Chợ thành phố có nhà lồng xinh xắn. Cây cầu khang trang vắt ngang dòng sông Bến Tre hiền lành. Sinh hoạt rộn ràng đò ghe lớn nhỏ, sà lan chở khẳm. Đường Hùng Vương cặp kè theo sông. Hai bên bờ bần rậm quến đầy lục bình. Còn gặp hai cây cầu nữa rồi mới đến vàm sông đổ vào sông cái Hàm Luông. Dòng chảy mạnh hơn, sông nhỏ như vui nhập vào sông lớn mênh mông.
Xứ Dừa. Dừa khoe dáng khắp nơi, dừa dọc bờ sông, dừa rợp bóng trong các khu vườn. Những quày dừa đủ loại khắp ven đường, dừa ta thật to nhiều nước, dừa xiêm trái nhỏ nước ngọt, dừa dâu hồng hồng… vỏ dừa chất đống thân quen.
Bến Tre có lễ hội Dừa. Hay quá! ngộ quá! Có bao nhiêu là sản phẩm dừa đủ loại: Kẹo dừa đủ thứ, xà bông dừa, dầu gội dừa…
Khách sạn Dừa – Coconut hotel mọc trên địa phận bến phá Hàm Luông xưa, sông nước mênh mông. Ra cầu dài thấy được bóng dáng cầu Hàm Luông mờ ảo.
Mật ong rừng, đờn ca tài tử. Sau buổi làm việc tại huyện Châu Thành chúng tôi được đãi một chuyến thăm cù lao Thới Sơn. Đò nhỏ đưa khách ra giữa dòng. Đò cặp sát bờ cồn Rồng, khách vẫn ở dưới ghe. Nhà yêu nước Thủ Khoa Huân bị giặc chém tại đây. Đi lòng vòng rồi ghé cồn Phụng còn in dấu ông đạo Dừa. Đò chạy dọc quanh Thới Sơn. Luồn lách theo con rạch nhỏ, chen giữa dừa nước và các gốc bần. Khách được đưa bằng xuồng ba lá vào các con rạch nhỏ để thử mật ong rừng, ăn trái cây và thưởng thức đờn ca tài tử.
Đất lành phù sa. Lễ hội Chợ Lách Cây lành Trái ngọt phong phú vô cùng đủ thứ bông đủ thứ cây giống. Dịp gần Tết xe chạy dọc quốc lộ 60, tưởng chừng lạc vào cảnh non Bồng nước Nhược, các cánh đồng tràn ngập đủ các loại bông vạn thọ, bông huệ, bông cúc, …
Ra tay một trận. Sông mênh mông, chắc rộng cả cây số. Hai bờ xanh rì cây bần và dừa nước. Các khóm lục bình lớn nhỏ bồng bềnh trên dòng nước đỏ phù sa. Ôi! Nơi đây xưa là chiến trường. Quân Xiêm khí thế hừng hực, từ thượng dòng đổ xuống lọt vào ổ phục kích của quân ta giữa hai bờ sông Tiền cồn Thới Sơn bên này, rạch Gầm – Xoài Mút bên kia. Toàn bộ quân Xiêm bị tiêu diệt trong một ngày. “Bần gie đóm đậu sáng ngời. Ra tay một trận muôn đời uy danh”. Quá hay! Tài phục binh của danh tướng Nguyễn Huệ.
“Ông già Ba Tri có thật” chỉ những ông già cứng cỏi, quyết bảo vệ chuyện phải. Trước chợ Ba Tri có đường Thái Hữu Kiểm mang tên thật của ông. Mừng quá tôi vào nhà con cháu ông xin vái bàn thờ. Chuyện kể ông cùng mấy ông già khác, từ huyện Ba Tri đi bộ tới Huế chầu vua Minh Mạng nộp đơn kiện cường hào địa phương xin xét trả lại đất đai và được kiện. Còn đó mảnh đất và cây cầu nhỏ.
Dời mộ thầy về Ba Tri không để giặc Pháp làm ô uế. Từ chợ Ba Tri đi khoảng 15 cây số mới tới đền thờ Võ Trường Toản, xử sĩ đất Đồng Nai – Gia Định. Đền cùng mộ phần thật bình dị. Có bức tượng ông đồ gương mặt nghiêm trang. Không ham danh lợi, không thiên Tây Sơn, không thờ chúa Nguyễn, làm thầy gieo hạt tốt cho đời. Các học trò thành danh. Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Nguyễn Thông… Chính Phan Thanh Giản di dời mộ thầy về Ba Tri không để giặc Pháp làm ô uế. Về sau trong Văn Thánh miếu Vĩnh Long có Tụy Văn Lâu thờ xử sĩ Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản, danh sĩ tròn tiết tháo. Thật ấm lòng thấy mộ Phan Thanh Giản gần bên mộ thầy.
Đồ Chiểu. Đền thờ danh sĩ Nguyễn Đình Chiểu uy nghi ở Ba Tri. Tượng thờ ông mù mắt mà lòng ông sáng vô cùng. “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” đạo lý tỏa rạng xóm làng, rồi rộng khắp. Mấy năm trước tôi may mắn được thăm chùa Tôn Thạnh, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc xem di tích nơi cụ viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Dương Từ Hà Mậu và một phần thơ Lục Vân Tiên.
Trương Vĩnh Ký. Tôi háo hức được thăm Chợ Lách để thưởng thức trái cây nổi tiếng chôm chôm, măng cụt,… đặc biệt sầu riêng hột lép Cái Mơn. Tôi thật nức lòng được thăm nơi chôn nhau cắt rún của danh nhân Trương Vĩnh Ký, người hết lòng chăm lo cho tiếng Việt. Di tích ghi rõ nơi sinh và ngày sinh (6/12/1837). Jean Bouchot gọi Trương Vĩnh Ký là “một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương…”. Năm 1875 hơn nửa thế kỷ sau khi Nguyễn Du mất, Trương Vĩnh Ký xuất bản truyện Kiều “quốc ngữ” đầu tiên chuyển từ chữ Nôm. Năm 1889 truyện thơ nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được ông xuất bản lần đầu.
Đã mấy năm rồi chưa về xứ dừa. Nhớ quá! Năm nay quyết về thăm Bến Tre gần tết để kịp thưởng thức ngàn bông hoa chào Xuân.
Theo lệ năm nào sát tết tôi cũng ra chợ hoa nhỏ Phú Mỹ Hưng ngắm mai vàng, vạn thọ, bông giấy từ Bến Tre.
Bài và ảnh Nguyễn Chấn Hùng – Trần Kim Liên (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này