
15:18 - 01/10/2018
Trẻ con và bánh kẹo, đâu chỉ đánh răng là xong?
Đứa bé đòi mẹ cho ăn bánh lúc gần đi ngủ, rồi lý luận: “Con ăn xong sẽ đánh răng bằng kem đánh răng P. hổng có bị sâu răng đâu. Tivi nói đó mẹ!”.

Xúi trẻ yên tâm ăn ngọt vì đã có kem đánh răng chống sâu răng là một kiểu quảng cáo thiếu trách nhiệm.
Coi quảng cáo về một loại kem đánh răng với hình ảnh một bà mẹ tổ chức sinh nhật cho con với bánh kem ngọt và thêm câu nói: đã có kem P. nên con ăn thoải mái, không sợ sâu răng. Tôi băn khoăn, vì lỗ hổng kiến thức hay chỉ quan tâm đến mỗi doanh thu, lợi nhuận mà các nhà sản xuất, cả cơ quan quản lý đã xem nhẹ, lờ đi các khía cạnh khác, nói đúng hơn là tác hại của chất ngọt, chất bột đường đến sức khoẻ của trẻ. Chúng đâu chỉ có tác hại đến chỉ mỗi răng miệng?
Cha mẹ biết rằng, bên cạnh yếu tố di truyền, điều kiện sống, vận động… dinh dưỡng là nguyên nhân quan trọng của cơn đại dịch mới của thế giới – béo phì, trong đó chất bột đường góp phần chủ yếu. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ béo phì trên thế giới tăng mười lần trong 40 năm qua. Ở Việt Nam, theo điều tra dinh dưỡng toàn quốc, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới năm tuổi là 2,7% trong năm 2000, đến 2010 đã tăng gấp hai lần (5,6%). Riêng ở các thành phố lớn, tỷ lệ trẻ dưới năm tuổi thừa cân, béo phì của Bình Dương cao nhất chiếm 13,4%, tiếp theo là Đà Nẵng – 10,8%, TP.HCM – 12,6%… (số liệu năm 2014).
Ngoài ra, 30% trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ dẫn đến các rối loạn bệnh lý khác như đái tháo đường type 2, tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá lipid máu…
Tác hại của việc dùng nhiều chất bột đường dẫn đến thừa cân, béo phì đã rõ. Các phát hiện gần đây càng cho thấy: cần thận trọng với chế độ ăn uống của trẻ. Trước đây, người ta chỉ biết não là cơ quan hấp thu đường nhiều nhất trong toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Tháng 8.2016, các nhà khoa học Đức phát hiện thêm, khi vào cơ thể, đường sẽ được não chủ động hấp thu, thay vì cơ chế thụ động như ở các cơ quan khác. Khi hấp thu đường, não sẽ phóng thích chất dẫn truyền thần kinh gây hưng phấn dopamine. So sánh hơi khập khiễng (vì còn thuộc số lượng, các hoạt chất liên quan…) nhưng đây cũng là chất được phóng thích khi sử dụng các chất ma tuý. Việc gây thèm, không những chỉ làm cơ thể cần nhiều đường hay chất bột đường hơn, mà còn là tác nhân thừa cân, béo phì… của một vòng luẩn quẩn.
Cảnh báo, tác hại ngắn, dài hạn đã có sao vẫn bị lờ đi? Các nhà sản xuất, quảng cáo, truyền thông, quản lý… sao có thể lờ đi chuyện này, để cho trẻ cứ thoả thích kẹo bánh, chỉ cần đánh răng thật sạch là xong? Có xong được không, hỡi các bậc làm cha mẹ?
Hoàng Bảo (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này