
16:44 - 20/02/2018
Thẩm mỹ ‘chân quê’
Ký ức hình ảnh về đời sống sinh hoạt của người Việt mà nghệ thuật của họ lưu giữ được quá mờ nhạt, ít ỏi và phiến diện.
Sự thiếu vắng hoàn toàn của hội hoạ và đồ hoạ thế tục khiến cho việc ghi lại hình ảnh sự sinh hoạt của người dân An Nam căn bản là những minh hoạ, tranh vẽ và ảnh chụp của các tác giả thực dân mà sinh động, đặc sắc nhất là bộ sách Oger, do ông này thuê các thợ vẽ người Việt làm minh hoạ.
Ta không thể phục dựng hình ảnh đời sống của cha ông chỉ cách nay 200 năm. Có lẽ đó là điều đáng tiếc nhất trong di sản văn hoá nước ta. Muốn thấy sự sinh hoạt của con người thực trong đời thực của tiền nhân, ta chỉ có thể dựa vào những mảnh ghép thị giác rời rạc, nhỏ lẻ trên tượng ở khoảng 100 cái đình làng Bắc bộ, vài trăm bản tranh dân gian (khắc gỗ, tô màu, tranh kính), lác đác vài chục “động Phật” vài trăm bức chân dung ở chùa, đền, lăng mộ.
Nhà hiện thực Tú Xương cám cái cảnh nghèo chỏng chơ: “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Loẹt loè trên vách bức tranh gà”. Người lãng mạn Hoàng Cầm lại thấy: “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
Trong khi nghệ thuật cung đình tỉa tót, phô trương những hoa văn và biểu tượng giáo lý và thang bậc phú quý, nghệ thuật tôn giáo chìm đắm trong các hình tượng và triết lý sâu xa quá mức cảm và nghĩ của chúng sinh, chỉ có mỹ thuật thế tục ngoài vòng thế quyền và thần quyền mới chủ tâm vào người thực, việc thực. Một mặt công năng chúc tụng, lý tưởng hoá đã giới hạn các loại nhân vật, hoạt cảnh, chủ đề, đề tài: lễ hội với các trò chơi; và giải trí: chọi gà, đấu vật, chọi trâu, múa hát, cúng bái; các hoạt cảnh canh tiều ngư mục từ cấy cày, đi săn, đánh cá, chăn trâu thổi sáo, nuôi gà nuôi vịt đến tắm đầm sen, uống rượu đánh cờ… phong cảnh quê hương lãng mạn: xa xa mờ núi biếc, phơn phớt ánh mây hồng với nhà tranh, cầu tre, bóng dừa, mái nhà tranh ấm áp, cái áo thơm ngát hoa sen hoa súng và dòng kênh trong veo tung tăng vịt bơi cá lội… Giá trị tư liệu tả kể hiện thực quả là khá nghèo nàn đúng như Tú Xương cảm nhận.
Mặt khác ngôn ngữ tạo hình bút pháp biểu hiện trong cả sự xúc cảm lẫn tính tượng trưng đã đạt tới các giá trị thẩm mỹ kinh điển. Cái hồn nghệ thuật của loại tranh tượng này chưa được tôn vinh xứng đáng. Tượng đình chùa Việt từ Nam chí Bắc, cũng như tượng gỗ Tây Nguyên có một ngôn ngữ tạo hình “đặc Việt” khác hẳn Hoa hay Ấn. Tính chất lập thể (cubism) của điêu khắc đình làng, tượng nhỏ tô màu, bố cục các động Phật với hàng trăm nhân vật… là nguồn cảm hứng, học hỏi, bắt chước của các danh hoạ như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí… Ngôn ngữ biểu hiện (expressionism) với đường viền to đậm phóng túng và màu đơn sắc đối chọi của các dòng tranh khắc gỗ dân gian, là tấm gương cho nghệ thuật Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái…
Từ 1945 đến những năm 1990, từng có cả một trào lưu mạnh mẽ học hỏi ngôn ngữ “tranh tượng dân gian Việt Nam”, và nhờ vậy mà mỹ thuật ta đã đạt tới những chất lượng thẩm mỹ hiện đại. Một nhà phê bình nghệ thuật Mỹ nhận xét rằng: “Các hoạ sĩ đổi mới (những năm 1990) đã tới hiện đại bằng đường đi qua làng!”. Nguyễn Tư Nghiêm công khai đề cao tượng cổ Việt trên Picasso, và Nguyễn Sáng tuyên bố tranh Đông Hồ với ông đẹp hơn cả tranh Matisse! Tất cả với họ đó không phải là tự hào dân tộc viển vông hay sự lãng mạn hoá quá khứ, mà là thực tế sáng tạo tinh thần. Cũng như ở Nguyễn Du hồn dân tộc là “Lời quê góp nhặt dông dài”, tức sự cổ điển hoá và đương đại hoá tiếng Việt, chứ không phải chi tiết sự kiện đời cô Kiều bên Tàu. Màu quê – nét quê nơi các danh hoạ Việt Nam thế kỷ 20, đã góp phần làm nên hồn dân tộc và tinh thần thời đại của văn hoá nước nhà.
Một gợi ý rằng: ngày xuân này nếu không chơi tranh dân gian bạn vẫn có thể thoả mãn nỗi nhớ nhung, tìm thấy nét quê hồn quê ở tranh tượng của nhiều tác giả đương đại.
Nguyễn Quân
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này