
09:02 - 15/12/2015
Tham gia TPP , giảm áp lực nhân dân tệ
Với TPP, tác động của nhân dân tệ – CNY đối với kinh tế – tài chính Việt Nam sẽ giảm dần theo thời gian, dù CNY vừa được IMF đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế
Với TPP, tác động của nhân dân tệ – CNY đối với kinh tế – tài chính Việt Nam sẽ giảm dần theo thời gian, dù CNY vừa được IMF đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế. Đó là nhận định của Ts Hoàng Thế Thoả trên cổng thông tin điện tử Chính phủ. Theo Ts. Thoả, có thể thấy rằng, trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhập siêu của Việt Nam tăng dần qua các năm. Năm 2014, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 28,8 tỷ USD, nhưng thanh toán bằng đồng CNY chỉ chiếm khoảng 2-4% tổng giá trị thương mại của Việt Nam, trong khi quy mô thương mại năm 2014 giữa hai nước đạt gần 60 tỷ USD và còn tiếp tục tăng trong những năm tới.
Nhân dân tệ vẫn bất tiện thanh toán
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc muốn Việt Nam sử dụng CNY trong quan hệ thanh toán thương mại và phía Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị cho thanh toán trực tiếp CNY tại Việt Nam. Tuy nhiên, đề xuất của Trung Quốc không được chấp nhận do việc thanh toán CNY tại Việt Nam sẽ trái với quy định của pháp luật Việt Nam là trên đất Việt Nam chỉ sử dụng VND (trừ việc thanh toán biên mậu tại khu vực biên giới giữa hai nước). Ngay cả USD, một đồng tiền mạnh nhất thế giới cũng không được sử dụng trong giao dịch thanh toán tại Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, việc sử dụng đồng tiền nào trong quan hệ thanh toán quốc tế là bài toán đơn thuần là lợi nhuận và tiện ích trong thanh toán. Trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, phần lớn là máy móc, trang thiết bị và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, khoảng 20% là hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hầu như không sử dụng CNY làm đồng tiền thanh toán, mà chủ yếu vẫn sử dụng USD.
Đây là lôgic thông thường, do các doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó lại xuất khẩu hàng hóa thành phẩm sang những thị trường khác. Nếu sử dụng CNY trong thanh toán nhập khẩu từ Trung Quốc, khi bán hàng sang thị trường khác và thu về bằng ngoại tệ khác, rồi lại phải đổi sang CNY để trả nợ thì rất bất tiện và tốn kém. Ngoài ra, giá trị của CNY không ổn định cũng là yếu tố khiến các doanh nghiệp không muốn sử dụng CNY trong quan hệ thanh toán. Tại Việt Nam, vàng, VND, USD là ba loại phương tiện tích trữ tài sản được sử dụng rộng rãi nhất từ nhiều năm qua.
Giảm dần phụ thuộc Trung Quốc
Cũng theo ông Thoả, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm cách tận dụng những ưu đãi của TPP để điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước cân bằng cán cân thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Khi tham gia Hiệp định TPP, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa đầu vào cũng được quy định rất chặt chẽ. Cụ thể là, các doanh nghiệp Việt Nam phải ưu tiên nhập khẩu hàng hóa đầu vào từ những nước thành viên trong nội khối, nêu không sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu vào các thị trường khác trong nội khối.
Hiệp định TPP được công bố cùng với tuyên bố chung về các chính sách kinh tế vĩ mô và vấn đề tỷ giá. Trong đó, Hiệp định TPP cũng cấm các nước thành viên tiến hành các bước can thiệp để thao túng tỷ giá.
Là một nước thành viên tham gia Hiệp định TPP, hệ thống chính sách của Việt Nam cũng phải thay đổi theo hướng tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi doanh nghiệp trong nội khối, sự thay đổi này cũng khuyến khích sản xuất trong nước.
Về tỷ giá, Việt Nam sẽ phải có chính sách tỷ giá linh hoạt, hạn chế dần mức độ can thiệp vào tỷ giá. VND có thể lên xuống thất thường so với những đồng tiền khác trong khu vực, mức độ thăng trầm sẽ giảm dần, nhưng các doanh nghiệp sẽ thích ứng với những thay đổi này, đồng thời tận dụng những ưu đãi của hiệp định để tăng cường năng lực cạnh tranh.
Nếu Việt Nam chủ động và tích cực tham gia hiệp định TPP, sự phụ thuộc của xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc sẽ giảm dần trong tương lai gần, tác động của CNY đối với tình hình kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam cũng giảm dần theo thời gian.
Điều này cũng phù hợp với chủ trương chung của Việt Nam là giảm bớt sự phụ thuộc của xuất khẩu vào một số thị trường nhất định nhằm hạn chế rủi ro trước những biến động của thị trường cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới.
T.T lược thuật
Có thể bạn quan tâm
Bill Gates gợi ý hai cuốn sách về trí tuệ nhân tạo nên đọc
Người Thái đã đầu tư gần 7 tỷ USD vào công nghiệp chế biến VN
Trà thảo mộc Dr Thanh có lợn cợn: khó khiếu nại
Nước dừa Bến Tre bước ra thế giới
Học kỹ năng sống như học ‘giáo dục công dân’
Tags:CNYnhân dân tệTPPUSD
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này