10:48 - 31/07/2018
Rào cản ngáng chân doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Sau hơn 30 năm đổi mới, bức tranh thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn một màu ảm đạm với con số vẻn vẹn hơn 42.000 doanh nghiệp, chỉ chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trong cả nước.
“Vỡ” hợp đồng vì thiếu nguyên liệu
Mặc dù thừa nhận sự tham gia của lực lượng doanh nghiệp tư nhân vào ngành nông nghiệp đã mang lại hiệu quả đầu tư với chất lượng rất rõ và rất nhanh, đơn cử như trong các ngành hàng cà phê, lúa gạo, chăn nuôi, cá tra, tôm… Nói như Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Sự nghiệp phát triển nông nghiệp rất cần huy động hình thức công tư. Phải huy động tất cả các lực lượng tham gia thì mới có đủ tiềm lực đầu tư và không chỉ đầu tư mà quan trọng nhất, đó là quản trị sau đầu tư và quản trị bền vững. Đây là một xu hướng và là giải pháp nội thân để tiếp cận, tạo động lực và quản trị xã hội với nền kinh tế thị trường”.
Tuy nhiên, điều đáng nói sau hơn 30 năm đổi mới, bức tranh thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn một màu ảm đạm với con số vẻn vẹn hơn 42.000 doanh nghiệp, chỉ chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Trong đó, có đến 92% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn chưa tới 6%, vậy vấn đề do đâu?
Điều đầu tiên phải nói đến là câu chuyện tích tụ đất đai, tạo vùng nguyên liệu đảm bảo cho xuất khẩu. Chia sẻ với báo DĐDN, Giám đốc điều hành CTY TNHH La Fresh Đà Lạt Hồ Cao Huy Bảo cho biết, để có được một sản phẩm đạt chuẩn để xuất đi các thị trường Úc, Mỹ, doanh nghiệp đã phải trải qua nhiều lần “vỡ” hợp đồng vì nguyên liệu từ các hộ dân chuyển về không đủ, không đạt chuẩn.
Sau đó, doanh nghiệp này đã phải tiến hành ký kết bao tiêu dài hạn với những yêu cầu cụ thể về hàm lượng chất BVTV trong hoa quả, tuy nhiên, bài toán vùng nguyên liệu vẫn luôn là “nỗi lo” của doanh nghiệp.
Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Gia vị Việt Nam lại tỏ ra băn khoăn về chính sách thuế. Hiện, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng nông sản phải đóng thuế giá trị gia tăng trước. Theo quy định, khoản thuế này sẽ được khấu trừ vào thuế xuất nhập khẩu các kỳ sau đó. Nhưng thuế xuất nhập khẩu nông sản đã về 0% nên khoản tiền thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp đóng trước đó không lấy lại được. Nhiều doanh nghiệp bị giữ số tiền thuế giá trị gia tăng lên tới vài chục tỷ đồng, trong khi không có vốn để xoay vòng.
Do đó, đại diện doanh nghiệp này cho rằng, muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì Nhà nước phải điều chỉnh chính sách thuế cho hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lưu thông nguồn vốn.
Trên thực tế, việc thực hiện chính sách khấu trừ thuế mà không hoàn thuế cho doanh nghiệp như hiện nay vẫn được nhiều doanh nghiệp cho là không có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam ngày càng nhiều và được hưởng thuế suất ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ATIGA thì điều này lại càng bất lợi.
Thiếu hụt hạ tầng gây rủi ro cao
Không dừng lại ở đó, với một ngành chịu rủi ro lớn về thời tiết, biến đổi khí hậu và thị trường như ngành nông nghiệp, những khó khăn trong hạ tầng logistics, hạ tầng công nghệ, công nghiệp cơ khí và bảo hiểm…cũng là “rào cản” khi thu hút đầu tư vào ngành. Nói như ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, hoạt động xuất khẩu nông sản đang gặp rất nhiều khó khăn ở khâu vận chuyển. Một số tuyến đường xung yếu thường xuyên trong tình trạng kẹt xe, cảng biển thì quá tải…
“Trong khi đó, nhiều loại nông sản như rau củ, trái cây rất dễ hư hỏng. Nếu tình trạng vận chuyển liên tục gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng nông sản cũng như chi phí, thời gian của doanh nghiệp”, ông Nam cho biết.
Cùng với đó, ông Đàm Quang Thắng- Giám đốc CTY Agricare Việt Nam cũng cho biết, thiếu hụt hạ tầng logistics khiến giá vận chuyển trái cây Việt sang các thị trường bị giảm sức cạnh tranh giá. Việc không làm chủ được công nghệ cũng khiến doanh nghiệp nhiều phen “trắng tay”.
Do đó, giải quyết bài toán về cơ sở hạ tầng logistics, đảm bảo hàng hóa lưu thông nhanh chóng không chỉ giúp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mà còn thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển.
“Cùng với đó, chính sách ưu tiên cho phát triển công nghệ từ sản xuất tới chế biến, bảo quản trong nông nghiệp cần được xem xét tính đến. Doanh nghiệp nghiên cứu áp dụng công nghệ trong chế biến bảo quản nông sản cần được ưu đãi thuế và đơn giản thủ tục, có vậy mới thu hút được doanh nghiệp”, ông Đàm Quang Thắng cho biết.
“Cửa rộng” nhưng nhiều “ổ khoá”?
Mặc dù Nghị định 57/2018/NĐ-CP (Nghị định 57) về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được Chính phủ ban hành tháng 4/2018, thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP với nhiều ưu đãi về miễn tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đào tạo… Tuy nhiên, việc tiếp cận, thực thi chính sách này tiếp tục là bài toán đặt ra cho ngành.
“Dù có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nông nghiệp, nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức triển khai Nghị định 57. Liệu có tái diễn tình trạng “cửa rộng”, nhưng vẫn quá nhiều “ổ khóa”, còn doanh nghiệp thì không biết đến đâu để tiếp cận với chính sách”, đại diện một doanh nghiệp băn khoăn.
Cùng với đó, vị này kiến nghị, các thủ tục hưởng ưu đãi trong đầu tư nông nghiệp nên đơn giản, sát với thực tế vì chỉ cần thực thi một cách cứng nhắc các thủ tục, giấy tờ sẽ rất khó để doanh nghiệp tiếp cận chính sách. Thực tế cho thấy nhiều chương trình, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp như gói tín dụng công nghệ cao nhiều năm ra đời nhưng số doanh nghiệp được tiếp cận là rất nhỏ.
Bởi vậy, hoàn thiện hệ thống pháp chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết, thì công tác thực thi, để chính sách đi vào đời sống cũng là yêu cầu tất yếu. Để ưu đãi tới được với các doanh nghiệp đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống từ trung ương tới địa phương, vì thực tế không riêng với nông nghiệp, nhiều chính sách Nhà nước ban hành vẫn gặp nghẽn trong công tác triển khai khiến đối tượng được hưởng lợi lại chưa có lợi.
Theo Thy Hằng/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này