
06:22 - 10/12/2015
Ơ kìa, thua Campuchia, thường thôi!
Hồi cuối tuần, người hâm mộ được một phen bàn luận tưng bừng khi chứng kiến, đội bóng vừa vô địch giải V-League, giải đấu chuyên nghiệp dành cho các đội bóng mạnh nhất Việt Nam đã thua một câu lạc bộ đến từ Campuchia. Thua đau ngay trên sân nhà.
Đây đương nhiên là giải đấu giao hữu nhưng cũng khá có uy tín bởi nhà tài trợ là một hãng xe hơi lớn, đang tài trợ chính cho ít nhất là hai giải đấu đỉnh cao trong khu vực là Thái Lan và Việt Nam. Và đương nhiên, vì là giải đấu quảng bá hình ảnh nên nhà tài trợ được quyền quyết định đâu sẽ là sân thi đấu. Bất chấp Bình Dương có sân nhà là Gò Đậu, có khán giả nhà ở đất Thủ. Để thoả mong ước của nhà tài trợ, đội Bình Dương đã chọn sân nhà là Hàng Đẫy, tận Hà Nội trong cái tiết trời rét căm căm khác hẳn đất phương Nam.
Một đội bóng thi đấu mà bỏ mặc khán giả nhà, bỏ luôn lợi thế sân nhà thì cũng khó nói họ có thi đấu nhiệt tình thật hay không. Vậy nên, trên sân Hàng Đẫy, người ta chứng kiến sự “bất ngờ” khi mà Bình Dương đã “thua đẹp” câu lạc bộ Boeung Ket Angkor 2 – 3, sau khi dẫn trước 1 – 0.
Lý giải cho việc thua kỳ quặc, với những tình huống mà hàng hậu vệ thi đấu theo kiểu “mời anh xơi”, trước đối thủ bị đánh giá là yếu hơn đến từ Campuchia, huấn luyện viên Nguyễn Thanh Sơn chỉ còn cách nói rằng: “Các chân sút của chúng tôi bỏ lỡ quá nhiều cơ hội ghi bàn. Thường trong bóng đá, tấn công nhiều những không ghi được bàn thắng rất dễ bị nhận đòn “hồi mã thương” của đối thủ và thực tế trận đấu đã chứng minh điều ấy”.
Tất nhiên, như bao lần, chuyện huấn luyện viên, cầu thủ cho rằng mình “thua do đen chứ đỏ thì chấp tất” không còn lạ với người hâm mộ. Và cũng đương nhiên, như bao lần, họ tự tìm cho mình một cách lý giải khác. Trên khắp các diễn đàn, nhiều người cho rằng, đội Bình Dương đang đi làm kinh tế do đó chuyện thắng thua chắc cũng chẳng quan trọng. Làm “kinh tế” có thể hiểu theo nghĩa, đi du đấu ở một giải vô thưởng vô phạt do một nhãn hàng tài trợ, nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa “hoan hô đội bóng tỉnh ta, đi làm kinh tế ở xa mới về” như khán giả Sông Lam Nghệ An đã từng ghẹo đội bóng của mình.
Và, cũng chẳng ít người cho rằng, bóng đá là một phần chẳng thể tách biệt được khỏi sự phát triển của xã hội. Thế nên, thay vì buồn, họ lấy làm mừng bởi suy cho cùng, bóng đá giờ mới chịu thua Campuchia đã là may. Họ bảo theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo của họ về con số vẫn thua Việt Nam nhưng tăng trưởng lên 53% so với năm trước, còn chúng ta lại giảm mạnh. Họ lại bảo, theo World Bank đánh giá, Việt Nam là nước có chi phí thời gian chờ và nộp thuế cao nhất trong khu vực, gấp 2,5 lần so với Lào và năm lần so với Campuchia. Chưa hết, nhiều người lại dẫn chứng, WEF đánh giá chỉ tiêu chuyển giao công nghệ với FDI trong khối ASEAN của Việt Nam chỉ đứng trên Myanmar, lại một lần nữa được xếp thấp hơn Lào, Campuchia.
Vậy thì, ở một trận bóng đá mà Việt Nam được coi hoặc tự coi mình là cửa trên, là mạnh hơn như mọi khi và thua thì cũng thường thôi.
Ngẫm cũng đúng. Thua nhiều, tất thành quen thôi, chỉ còn đó điều tự hào, ta đã từng hơn là vui rồi.
Nhỉ!
Tất Đạt
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này