
22:36 - 15/06/2018
Những gặp gỡ không thể có
Những gặp gỡ không thể có – tập truyện ngắn vừa xuất bản của tác giả Trần Tiễn Cao Đăng do công ty sách Tao Đàn phát hành tháng 6/2018, mang đến cho người đọc nhiều cảm thức mới về văn chương.
Thứ được nhấn mạnh trong tác phẩm này là nghệ thuật trình diễn và nhiếp ảnh.
Như một gợi ý cho nguyên tắc thẩm mỹ của toàn tập truyện, truyện ngắn đầu tiên Nghệ thuật trình diễn, một sáng mùa hè, Granada mang đậm tính sắp đặt của một buổi trình diễn nghệ thuật. Chàng và nàng đang ngồi trong một quán cà phê ở Granada, chàng đột nhiên nhìn thấy một người-bay, rồi từ đó toàn bộ câu chuyện vận hành xoay quanh những chuyển động hết mực chậm rãi của ba người dưới sự chứng kiến của những người xung quanh. Nhưng không chỉ riêng truyện ngắn đầu tiên, cả ba truyện ngắn còn lại trong tập truyện này đều mang đến cho người đọc cảm giác dự phần vào một buổi trình diễn nghệ thuật.
Hầu như những nhân vật trong Những gặp gỡ không thể có đều có nhịp điệu sinh hoạt rất chậm rãi. Họ sống chậm, yêu chậm. Điều này có lẽ bắt nguồn từ tình yêu dành cho nghệ thuật múa của tác giả – vốn đã được thể hiện rất rõ qua tiểu thuyết đầu tayLife Navigator 25: Người tình của cả thế gian. Sự chi tiết có nhiều cấp độ; và ở lối hành văn của Cao Đăng, sự chi tiết không chỉ nằm trong cách anh miêu tả về tâm lý, hành động của nhân vật, mà còn nằm ở các cấp độ nhỏ hơn dưới đôi mắt quan sát của một người yêu những vũ điệu: một chuyển động trong một hành động, một cử động trong một chuyển động. Dường như, một khoảnh khắc với anh vẫn còn quá lớn, anh muốn nắm trọn cả những tiểu khoảnh khắc trong một khoảnh khắc. Do đó, tác phẩm của anh còn có thêm một phẩm tính nữa: khả năng ngưng đọng vào những khoảnh khắc được lựa chọn của nghệ thuật nhiếp ảnh.
Những gặp gỡ không thể có ban đầu vốn có thêm một tiêu đề phụ là: Chuyện kể lúc cận kề tận thế. Và quả thực, những truyện ngắn trong tập truyện này luôn đem đến cho người đọc dự cảm bất an về một điều gì đó đã băng hoại, thối nát hay sắp sửa mất đi ngay cả khi cái đẹp còn đang hiện diện. Cao Đăng không dùng cái xấu để nói về cái xấu, anh dùng chính cái đẹp để nói về cái xấu.Cái đẹp của anh nằm trong xã hội bị bao phủ bởi cái xấu; vì vậy, cái đẹp hiện ra càng xót xa, cái xấu hiện ra càng tàn nhẫn. Chẳng hạn, một đám đông phấn khích tột độ khi chứng kiến cảnh ngọn lửa thiêu trụi hai con người (Nghệ thuật trình diễn, một sáng mùa hè, Granada), một cô gái muốn bảo vệ chó hoang nhưng cô quá mỏng manh trước bọn người săn chó tàn bạo (Kinh Tình yêu – Dị bản của tôi), một nhóm nhà thơ cướp nhà băng (Tập kích nhà băng: Quan điểm của nhà thơ). Ở một xã hội không trân trọng cái đẹp thì chuyện cận kề tận thế là điều không thể tránh khỏi.Đó có lẽ cũng là một trong những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.
Vậy nên, cũng có thể hiểu Những gặp gỡ không thể có là một nỗ lực sắp đặt của Cao Đăng, để mai mối cho những cái đẹp gặp gỡ nhau trong một xã hội mà những cuộc gặp gỡ như thế ngày càng trở nên hiếm hoi. Yếu tố sắp đặt của nghệ thuật trình diễn luôn nằm đó để nhắc nhở ta rằng những gì đang diễn ra không phải tự nhiên mà có, không còn gì tự nhiên hiện diện sẵn để ta hoang phí nữa, tất cả đều là những nỗ lực (và sự nâng niu) của chúng ta để một điều gì đó còn có mặt ở đây. Có thể là cái đẹp. Có thể là những gặp gỡ không thể có.
Vũ Lập Nhật (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này