
15:54 - 29/04/2016
Chủ tịch Mỹ Lan Group mơ ước ‘nông nghiệp thông minh cho quê hương’
Tôi muốn dành những năm tháng cuối đời giúp xây dựng nông nghiệp thông minh và phù hợp hơn cho quê hương, điều đó giúp tôi hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Mỹ Lan Group từng làm việc cho những công ty điện toán và in ấn hàng đầu thế giới như IBM, Sun Chemicals và Kodak Polychome Graphics, sở hữu 73 bằng phát minh, sáng chế, công ty American Dye Source(ADS) do ông sáng lập đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành in, phát quang, điện tử hữu cơ…
Năm 1999 trở về Trà Vinh, ông đã gầy dựng Mỹ Lan Groyp, một “thung lũng quang điện tử” công nghệ cao bậc nhất trên thế giới tại tỉnh nghèo nhất Việt Nam.
10 năm trở lại đây, ông lại khởi nghiệp lần thứ ba với Rynan, đưa những công nghệ cao nhất vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ…cho nông nghiệp, nhằm thay đổi tận gốc chuỗi giá trị gia tăng với ước mơ giúp nông dân thoát nghèo
– Mỹ Lan hiện tăng trưởng ở mức ba con số, được các chuyên gia trên thế giới đánh giá cao và sử dụng rộng rãi, vì sao đang làm công nghệ thành công ông lại khởi nghiệp lần thứ ba với Rynan?
– Mỗi ngày, điều tôi không thể chịu được là dù sống trên vựa đồ ăn, tôm cá đầy sông, lúa gạo đầy ắp, nhưng nông dân vẫn nghèo, mình vẫn ăn đồ ăn bẩn.
Hình như đất nước mình vẫn thiếu một đường link nào đó để giúp cho người nông dân giàu, để xuất khẩu, hội nhập.
Nơi tôi ở cù lao Long Trì bên dòng sông Cổ Chiên ba tháng nay không có nước tưới cây. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp, đến môi trường.
Chỉ còn một cách duy nhất là phải ứng dụng công nghệ hiện đại để giúp nông dân khá giả hơn, giữ được an ninh, an toàn cho thực phẩm.
Đây chính là cơ hội cho những doanh nghiệp công nghệ như tôi để dùng công nghệ nhằm gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp vào tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ…
– Vì sao ông bắt đầu bằng phân bón thông minh?
– Làm sao tạo ra những hạt giống chịu hạn, chịu mặn? Làm sao tạo ra phân bón giảm ô nhiễm, hiệu quả, tiện lợi hơn? Làm sao dùng công nghệ điện toán đám mây để đo độ đạm, độ cali của đất để bón phân cho hiệu quả?
Làm sao áp dụng hệ thống tưới tự động như Israel đã làm? Làm sao truy xuất nguồn gốc? Làm sao áp dụng công nghệ điện toán đám mây vào phân phối, tiêu thụ, quảng cáo…?
Tất cả đều là cơ hội để mình tiếp cận.
Là người đứng ra thành lập chuyên ngành nước của đại học Trà Vinh, khi triển khai cho sinh viên đi lấy nước về phân tích, tôi phát hiện ra hầu hết ô nhiễm đều do phân bón.
Phân bón thường thảy xuống ruộng là tan liền. Phân đạm khi tan ra bị vi khuẩn biến thành muối amonium, nếu đất bị kiềm chút xíu thành khí amoniac bay đi, một số chuyển hóa thành khí nhà kính bốc hơi…
Hơn 60% đạm mất đi do bốc hơi, bị trôi rửa, lúa chỉ hấp thu 40%. Phân lân, phân cali cũng vậy, mưa là trôi xuống sông. Muốn giảm lượng khí nhà kính do nông nghiệp phải có phân bón thông minh hơn.
Ba năm qua nghiên cứu, tìm hiểu Israel, Mỹ về cách làm phân bón tan chậm có kiểm soát, đội ngũ nghiên cứu của Rynan đã tạo ra loại phân bón thông minh, lượng sử dụng bằng một nửa phân bón bình thường, chỉ cần bón phân một lần cùng với lúc xạ lúa thay vì bốn lần như trước đây, tiết kiệm đáng kể nguồn nhân lực, thu hoạch tăng ít nhất 20%.
Tôi đã đầu tư 5 triệu USD để xây dựng nhà máy và dây chuyền sản xuất hiện đại cho phân bón thông minh với nguyên liệu, sản xuất thân thiện với môi trường hơn.
Khó nhất chính là nghiên cứu ra chất bao ngoài bằng ba lớp chất dẻobọc phân, khi bón xuống ruộng có thể kiểm soát được thời gian tan trong đất.
Khó thứ hai là phải kết hợp được “bốn nhà” trong quá trình thử nghiệm và triển khai đại trà. Về phía Nhà nước, rất may tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan, về phía nhà khoa học, TS Sánh và cán bộ trung tâm phát triển đồng bằng sông Cửu Long đại học Cần Thơ luôn kề vai sát cánh để quy trình nghiên cứu được triển khai bài bản.
Về phía nhà nông, 5 gia đình đầu tiên của Đồng Tháp đã quen với việc sử dụng sản phẩm mới, họ đón nhận rất nhanh phân bón thông minh. Sự kết hợp này rất quan trọng để nhân rộng mô hình thành công.
– Vậy các đại gia đầu tư vào nông nghiệp đã tìm đến phân bón thông minh của ông chưa?
– Tôi rất mừng khi thấy bầu Đức đầu tư đàn bò cả trăm ngàn con, Phạm Nhật Vượng đi trồng rau sạch, các đại gia đã bắt đầu quan tâm đến việc tạo ra những sản phẩm sạch cho nông nghiệp.
Tôi khác họ, đầu tư công nghệ hiện đại hơn, phù hợp hơn, để giúp cho nông dân phát triển nông nghiệp.
Hiện chưa có doanh nghiệp trong nước nào tìm đến tôi, vì tư duy còn ngắn hạn, lạc hậu quá, chủ yếu chỉ là các công ty nước ngoài như CB của Thái Lan.
Về phân bón, hiện nguồn cung chủ yếu do Nhà nước, chiếm 80% nhu cầu, nhưng chưa sản xuất được phân bón thông minh để giúp cho nông nghiệp xanh hơn
– Phải chăng sự độc quyền này khiến cho phân bón độc hại vẫn bán tràn lan trên thị trường?
– Nhà nước chủ trương phát triển nông nghiệp thông minh, xanh sạch từ định hướng đối phó với biến đổi khí hậu của Thủ tướng 2011, nhưng vấn đề ở đây mình không có kỷ luật, trung thực trong kiểm soát chính sách quốc gia.
Người ta có thể đi tắt, bị mua chuộc, thêm nữa là lợi ích nhóm. Tôi hy vọng chính phủ sẽ có những chính sách hiệu quả hơn
– Câu chuyện về nước ở đồng bằng sông Cửu Long đã thôi thúc ông sáng chế ra chiếc đồng hồ nước thông minh?
– Những tỉnh có biển năm nay như Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ bị nhiễm mặn kinh hoàng nhất. Trước đây sông Cổ Chiên độ nhiễm mặn là 5/1000, giờ là 12/1000, trong khi lúa độ mặn 1/1000 đã bị lép rồi. Trên trái đất, nước chiếm 1 tỷ rưỡi km khối, trong đó chỉ có 3% nước ngọt sử dụng được.
Trong 3% đó thì 10% cho sinh hoạt, 20% công nghiệp, 70% cho nông nghiệp. Năm 2014 mình đã thiếu khoảng 5 triệu km khối nước. Tính tới 2030 thiếu 40% lượng nước cần thiết, 3 tỷ người sẽ sống trong vùng tuyệt đố khô hạn, 2/3 dân số sẽ sống trong vùng căng thẳng về nước.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia ảnh hưởng nặng nhất bởi biến đổi khí hậu, nhất là đồng bằng sông Cửu Long.
Làm thế nào để giải quyết trong điều kiện có thể?
Thất thoát nước mỗi năm ở TPHCM và Hà Nội là từ 30-40%, nếu chống được chuyện rỏ rỉ, thất thoát bằng những chiếc đồng hồ nước thông minh thì có thể quản lý phân phối nước hiệu quả hơn.
Hiện thế giới có 1250 nhà máy biến nước mặn thành nước ngọt, đó là cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam, để có thể làm ra những màng lọc, biến nước mặn thành nước ngọt.
Nhưng rất tiếc họ không làm! Họ làm cái gì không à
Tháng 6 này tôi sẽ tung ra thị trường đồng hồ nước thông minh, kết nối với điện toán đám mây, kết nối với điện thoại di động, được sản xuất từ mảnh đất Trà Vinh, ngay tầng hầm nhà tôi. Công nghệ cao có thể tạo ra ở bất cứ đâu nếu có quyết tâm, có trí tuệ.
– Dường như trong ông, xúc cảm lớn đã tạo nên nhân cách lớn?
– Mỗi ngày thức dậy, thấy người nông dân vất vả quá mà vẫn tiếp tục nghèo. Con người mình sinh ra từ ruộng đồng, lớn lên thành người làm khoa học, về Trà Vinh lại làm nông dân một lần nữa dưới con mắt khoa học.
Những trải nghiệm từ người bán cà rem trở thành Tổng giám đốc đã cho tôi rất nhiều cảm xúc, kinh nghiệm, để giúp cho người khác thoát nghèo. Đó là may mắn trong cuộc đời.
Có lẽ bắt nguồn từ cái tâm và tấm lòng với cộng đồng, đất nước,với trái đất, nếu chỉ biết tham lam một mình chắc không làm được đâu.
Tôi muốn dành những năm tháng cuối đời giúp xây dựng nông nghiệp thông minh và phù hợp hơn cho quê hương, điều đó giúp tôi hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
– Làm thế nào để ông có thể truyền ngọn lửa ấy cho tất cả đội ngũ của mình, cho những người thân yêu nhất?
– Bà xã nhiều khi thấy tôi cực quá cũng xót, đôi khi không muốn tôi làm thêm điều gì nữa. Tôi nói với cô ấy mình còn tiền, còn sức khỏe, nên làm việc tốt hay không làm việc tốt?
Bà xã cũng hiểu ra và hỗ trợ.Tôi sợ nhất là mặc cảm mình là người vô dụng. Chính bà xã là người hỗ trợ tôi làm chuyện tốt trong mấy chục năm qua. Mấy cháu nhân viên thấy học hành của mình có chỗ ứng dụng lợi ích nên sung sức lắm.
Tôi thường giải thích rất rõ cho mấy cháu mình làm gì, tại sao làm vậy. Công ty này sẽ ra thị trường chứng khoán, mấy cháu sẽ có cổ phần trong đó, có cháu được là cổ đông sáng lập
– Nỗi buồn lớn nhất của ông?
Sự thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm, hay nói đúng hơn là sự lạc hậu của cơ quan ban ngành địa phương. “Trên rải thảm dưới rải đinh”, hàng ngày buồn nhất là dẫm phải đinh hoài. Tầm nhìn họ ngắn hạn quá, trách nhiệm đố với doanh nghiệp không có, cứ hành mình miết à.
Ở Trà Vinh tôi là một trong những người đóng thuế nhiều nhất, nhưng cứ bị hành suốt. Công ty tôi đầu tư hơn 30 tỷ đồng xử lý nước thải sau sản xuất, đầu ra là nước tái sử dụng.
Nhưng Nhà nước lại bắt buộc mình phải đấu nối với họ để có doanh thu. Tôi không chịu vì nước của tôi tốt hơn nhiều. Tôi nói không có nhu cầu, họ bắt đầu rình rập, vu cho tôi cố tình xả lén nước thải, đủ các công văn gửi lên tỉnh khiến tôi rất bực mình.
Mình trở về với tấm lòng như vậy mà họ làm quá, cứ 5 năm thay đổi nhiệm kỳ lại có vấn đề, nhiều khi muốn dời quách đi nơi khác để khỏi mất công chiến đấu với họ.
Ít ai được như ông Lê Minh Hoan, một người hơi ngoại lệ, nhạy bén về công nghệ, kinh doanh, thấy cơ hội là nắm bắt liền. Có lẽ nhờ người đứng đầu thông thoáng, xông xáo, mà bộ phận phía dưới cũng năng động theo.
Rất tiếc trong những cuộc gặp gỡ với doanh nhân, chẳng thấy ông bí thư tỉnh nào ngoài bí thư Đồng Tháp! Thực sự doanh nhân nào cũng muốn giúp đất nước bằng cả tấm lòng, người làm chính quyền phải nhìn thấy tấm lòng của họ, để giúp họ phát triển.
Muốndoanh nhân dẹp bỏ mặc cảm với chính quyền để cùng nhau bắt tay, người làm chính quyền phải giảm bớt thể hiện quyền hạn của họ đi. Bởi vì quyền tối cao thuộc về nhân dân.
Kim Yến thực hiện Hoàng Tường họa chân dung
Thế Giới Tiếp Thị
Có thể bạn quan tâm
Tài nguyên con người – nền tảng của khởi nghiệp địa phương
Đáp ứng nhu cầu tiền mặt dịp Tết Bính Thân 2016
Chuyên gia kệ thép Huy Hoàng 288
Ăn gì cho sạch?
Công ty CPTM Duy Mai – an toàn, trung thực
Tags:cdnongsansachMỹ Lan Groupnông nghiệp thông minhphân bón thông minhthung lũng silicontrà vinhTS Nguyễn Thanh Mỹ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này