
17:09 - 19/05/2016
Venezuela: Khi nền kinh tế tự do bị ‘bóp nghẹt’
Với sự sụp đổ của nền kinh tế Venezuela, cùng với tình hình chính trị – xã hội bất ổn, các báo về tài chính cũng ồ ạt đưa tin về thực trạng kinh tế thảm hại tại Venezuela.

Trang mạng Reason cho rằng nguồn gốc khủng hoảng Venezuela là do nền kinh tế tự do bị “gông cùm”. Ảnh: Getty
Nhiều báo tài chính cho rằng lý do chính của sự sụp đổ nền kinh tế Venezuela là do giá dầu thô giảm.
Tuy nhiên, trang mạng Reason.com chỉ ra sụt giảm giá dầu chỉ là một trong những nguyên nhân, không phải nguyên nhân duy nhất và mang tính quyết định.
Giá dầu đúng là đã giảm trong thời gian qua (hiện đang hồi phục nhiều).
Tuy nhiên, nhiều nước sản xuất dầu mỏ khác, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng, tuy đều ít nhiều gặp phải một số rắc rối nhưng những rắc rối này không quá lớn đến mức độ như Venezuela.
Trạng mạng Reason cho rằng các phương tiện truyền thông đã bỏ qua một vấn đề rất quan trọng: đó là sự suy giảm nghiêm trọng về tự do kinh tế tại Venezuela.
Trong thực tế, từ những năm 1970, tự do kinh tế tại nước này liên tục bị phá hoại. Quy định pháp luật được cho là tạo ra sự phá hoại này, chẳng hạn như tịch thu tài sản cá nhân tùy tiện, vật giá do chính phủ quy định.
Trang mạng Reason cho rằng ngay cả khi không có sự sụt giảm của giá dầu, nền kinh tế Venezuela sớm hay muộn sẽ gặp rắc rối lớn vì chính phủ “mù kinh tế” đã phá hủy những khu vực ngoài dầu mỏ của hệ thống kinh tế.
Các nhà kinh tế ước tính năm 1998, dầu thô chiếm 77% tổng kim ngạch xuất khẩu của Venezuela.
Đến năm 2013, với sự suy giảm của các lĩnh vực khác, dầu thô chiếm đến 96% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, tại quốc gia Nam Mỹ khác là Chile, với sự tự do kinh tế gia tăng, sự phụ thuộc vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên của nước này đã giảm xuống.
Từ nông nghiệp đến dịch vụ, các lĩnh vực khác của nền kinh tế Chile đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Vào tháng 1/2016, Venezuela phải ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kinh tế trong bối cảnh giá dầu lao dốc, lạm phát gia tăng và thiếu hụt hàng hoá nghiêm trọng đẩy Venezuela đến tình trạng hỗn loạn cả về kinh tế, chính trị và xã hội.
Ngày 16/5, chính phủ Venezuela quyết định gia hạn sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kinh tế, trong đó bổ sung thêm một số quyền hạn mới nhằm đối phó với âm mưu của các lực lượng trong và ngoài nước muốn lật đổ chính phủ.
Các quyền hạn mới cho phép quân đội, cảnh sát và các ủy ban địa phương cung ứng và sản xuất hỗ trợ hoạt động phân phối hàng hóa, thuốc men, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết khác.
Ngày 17/5, Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát bác bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kinh tế do Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ban bố, làm trầm trọng thêm tình hình Venezuela – đang đứng trước nguy cơ sụp đổ toàn diện.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi bỏ phiếu tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Henry Ramos cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Maduro phá vỡ trật tự hiến pháp.
Ông Ramos nói: “Tình hình hiện nay tại Venezuela có thể được giải quyết thông qua các biện pháp thông thường, các nhà điều hành có thể xử lý theo hiến pháp. Tuy nhiên, chính phủ đã ban hành tình trạng khấp cấp kinh tế. Sau nhiều tháng thực thi, họ vẫn chưa công bố kết quả của việc thực hiện các biện pháp”.
Trong khi đó, Tổng thống Maduro cho rằng quyết định của các nghị sĩ làm trì hoãn giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ông Maduro nói: “Các nghị sĩ đã đánh mất chức năng của họ, xa rời lợi ích quốc gia khi phủ quyết tình trạng kinh tế khẩn cấp của đất nước”.
Tình hình Venezuela đang rất phức tạp.
Ngày 18/5, cảnh sát chống bạo động Venezuela đã đụng độ với hàng ngàn người biểu tình tìm cách đến trụ sở của Cơ quan bầu cử Venezuela tại thủ đô Caracas, yêu cầu mở một cuộc trưng cầu dân ý chống lại Tổng thống Maduro.
Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ lần thứ 3 trong tuần qua.
Ngoài ra, nhiều cuộc biểu tình quy mô nhỏ đã xảy ra tại Venezuela những ngày gần đây để chống lại việc cắt điện và nước trên diện rộng.
Trước đó vào ngày 17/5, thủ lĩnh đối lập Henrique Capriles tuyên bố quân đội Venezuela phải lựa chọn giữa việc ủng hộ hiến pháp hay Tổng thống Maduro.
Những bất ổn tại Venezuela khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Maduro sụt giảm nghiêm trọng. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy có đến 70% người dân Venezuela muốn ông Maduro từ chức trong năm nay.
Nhiều nhà phân tích nhận định tình hình tại Venezuela sẽ có nhiều diễn biến khó lường khi phe đối lập đang nỗ lực xúc tiến việc bãi nhiệm ông Maduro.
Hiện, phe đối lập chỉ còn thiếu 200.000 chữ ký theo quy định để có thể bãi nhiệm Tổng thống Maduro.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này