10:11 - 25/05/2017
Tìm ‘thới lai’ cho Tứ giác Long Xuyên
Không phải lần đầu, các tỉnh trong vùng Tứ giác Long Xuyên và các nhà khoa học cùng bàn thảo về kế sách phát triển cho vùng này. Riêng hai ngày 16 và 17/5 tại TP Long Xuyên, liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) làm đầu mối nối kết nguồn lực hữu hiệu theo hướng liên kết tiểu vùng.
Khác với những cuộc họp hồ hởi nói về vùng đất có sản lượng lúa 600.000 tấn lúa/năm đã “dâng lên” 5 triệu tấn/năm, đóng góp vào sự thay đổi hình ảnh một đất nước từ thiếu ăn lên cường quốc lúa gạo, lần này, nhiều ý kiến nói về thách thức và tầm nhìn tương lai.
Tránh cơn bĩ cực?
GS.TS Võ Tòng Xuân nhìn quê hương mình với những bước thăng trầm và thay vì xây dựng nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt hay dẫn ngọt quá tốn kém, nên nghĩ ra cách khai thác, cải thiện sinh kế bền vững hơn. Theo ông đầu tư lớn nhưng nếu chỉ để có lúa thì người trồng lúa vẫn cứ nghèo vì giá cả bấp bênh. Ngay trên vùng đất phèn, chúng ta vẫn có thể tạo ra thu nhập cho người dân bằng cách khuyến khích họ lên liếp trồng cỏ để bán cho các doanh nghiệp nuôi bò, ông đưa ra ví dụ về cách nhìn theo hướng thuận theo tự nhiên thay vì tuyệt đối hoá những giải pháp công trình nhân tạo chưa biết tới chừng nào mới thoả mãn.
Kiên Giang đã chuyển đổi được một số mô hình trồng lúa chất lượng cao, lúa Nhật được hơn 30.000ha để xuất khẩu, mang lại lợi nhuận đáng kể cho nông dân. Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh không khuyến khích nông dân trồng lúa vụ 3 để giảm áp lực về nguồn nước tưới, cũng như tránh thiệt hại do hạn, mặn gây ra đối với vùng Tứ giác Long Xuyên và cả vùng tây sông Hậu.
Dù đã chuyển đổi, nhưng tỉnh Kiên Giang vẫn cần khoảng 2.300 tỉ đồng để đầu tư hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt. Giải pháp công trình luôn được xem là chọn lựa của các nhà đầu tư công. Nhiều giải pháp cho thấy mức độ hữu hiệu trong giai đoạn trước mắt, trong những điều kiện không có nhiều biến đổi như nêu trên và đào kênh, làm cống – được xem như giải pháp hạ tầng kỹ thuật tối ưu để “dẫn thuỷ nhập điền” phát triển lúa gạo và thuỷ sản. Nhưng hiện tại và tương lai, cả hai ngành hàng chủ lực này đang gặp thách thức khi rơi vào thế “vỡ trận” – cả lúa và cá tra không giữ được thị trường và bắt đầu phụ thuộc vào chợ tiểu ngạch của Trung Quốc.
Phép màu cống đập?
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, giám đốc viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khi nói về dự án sông Cái lớn – Cái Bé, cho rằng Tứ giác Long Xuyên rộng gần 500.000ha, bao gồm An Giang, Kiên Giang, một phần Cần Thơ. Tuy nhiên, đó là “đồng lụt mở”, tác động cả vùng bán đảo Cà Mau và tây nam sông Hậu.
Kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thuỷ sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn – Cái Bé, góp phần phát triển thuỷ sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang là mục tiêu số một của dự án đã được phê duyệt.
“Phải dứt khoát tin tưởng chuyện này”, một vài ý kiến trong giới khoa học chuyên nghiên cứu nông nghiệp cho rằng dự án được duyệt, có kinh phí thì cứ làm, cần gì bàn thảo.
Ngược lại, những nhà khoa học đã từng nghiên cứu “phép màu cống đập” ở Ba Lai, Ô Môn – Xà No, cống Trần Đề (Tranh Đề) lại lo ngại khi sông Cái Lớn – Cái Bé làm thay đổi dòng chảy tự nhiên theo thuỷ triều và môi trường, sẽ thay đổi phức tạp hơn sự tưởng tượng trong phòng nghiên cứu.
Tiếng nói của các nhà khoa học thực tiễn quan tâm đa dạng sinh học như TS Dương Văn Ni, chuyên gia độc lập về sinh thái Mekong; ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu; PGS.TS Lê Anh Tuấn, viện phó viện Nghiên cứu và biến đổi khí hậu – ĐH Cần Thơ, cũng khó thuyết phục vì dự án sông Cái Lớn – Cái Bé đã được chuẩn bị từ lâu (từ trước và công khai dự kiến thi công trong năm 2012 – 2013) do liên doanh giữa viện Khoa học thuỷ lợi, viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam và viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, thuộc bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
“Đừng vội cho rằng ĐBSCL hết lũ để rồi vội vàng xây đập ngăn mặn, trữ ngọt mà làm mất đi dòng chảy tự nhiên với bên ngoài. Khi Kiên Giang đắp đập ngăn mặn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm cho nhiều loại thuỷ sản bên trong chết hàng loạt. Vấn đề ở đây là chúng ta tìm cách ứng phó theo kiểu “sống chung với hạn, mặn” để biến mặn thành lợi thế riêng của vùng, chứ không phải đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho các công trình ngăn mặn”, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Mekong, vẫn kiên trì kêu gọi: cần nhìn nhận đúng để tránh những quan niệm sai lầm khi đưa ra các biện pháp ứng phó không phù hợp, không hiệu quả và không kịp hối tiếc khi mất đi hệ sinh thái tự nhiên vốn có.
Ông Thiện lưu ý: quan niệm thuỷ điện chắn dòng, từ nay ĐBSCL không còn lũ nên phải đắp cửa sông, trữ ngọt, ngăn mặn; quan niệm thứ hai là cuối thế kỷ này, 39% diện tích đồng bằng sẽ bị mất đất, nước biển nhấn chìm, cả hai quan niệm này sẽ gây hại. Theo ông mối tương quan với môi trường đòi hỏi giải quyết nhiều mối quan hệ phức tạp và hoà hợp hơn, chứ không chỉ có công trình.
PGS.TS Lê Anh Tuấn khẳng định: ĐBSCL đang đối mặt với sáu thách thức lớn:1/ Thay đổi sử dụng đất; 2/ Phát triển chuỗi đập thuỷ điện và chuyển nước ở thượng nguồn; 3/ Biến đổi khí hậu và nước biển dâng; 4/ Gia tăng dân số và di dân; 5/ Khai thác tài nguyên quá mức; và 6/ Suy giảm chất lượng môi trường đất – nước. Sau lũ năm 2000 có dự án thoát lũ ở miền Tây, các nhà đầu tư xem lũ là thiên tai và bằng mọi bằng cách đẩy lũ càng xa càng tốt, nhưng họ đâu có biết cách làm cho nước biển nhạt dẫn đến chết vùng rừng ngập mặn, cá tôm ít hơn, rừng phòng hộ biến mất, sóng biển đánh thẳng vào đất liền.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, cách đây khoảng một tháng đã viết “tâm thư” gửi Thủ tướng trình bày nội dung sau khi 19/23 thành viên của hội đồng thẩm định cho rằng cần phải chỉnh sửa bổ sung dự án: nghiên cứu đánh giá tác động của dự án, trong đó có đánh giá làm rõ mức độ ảnh hưởng, tác động đến môi trường nước, đất trong khu vực dự án.
Hoàng Lan – Nam Việt
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này