
09:39 - 20/07/2017
ĐBSCL: Quy hoạch như canh hẹ
Đề án Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần 10 triệu USD; dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL, tổng số vốn gần 385 triệu USD.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân: ĐBSCL sẽ thành trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước, với tổng công suất là 18.270 MW vào năm 2030, liệu chủ trương “Không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế” có được áp dụng cho ĐBSCL?
ĐBSCL: trên 2.500 quy hoạch
Theo ông Vũ Quang Các, vụ trưởng vụ Quản lý quy hoạch, bộ Kế hoạch và đầu tư, trong số đó có mười quy hoạch cấp vùng, 773 bản quy hoạch nông thôn mới và hơn 490 bản quy hoạch ngành, lĩnh vực do các địa phương phê duyệt…
Các yếu kém trong quy hoạch được các chuyên gia chỉ rõ tại hội thảo Phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu – Cơ hội thách thức, do bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức ngày 14/7/2017 tại TP Cần Thơ, là các quy hoạch không gắn kết và thiếu đồng bộ, thậm chí thiếu chính xác; phương pháp và nội dung quy hoạch theo lối cũ, nặng về chỉ tiêu, mục tiêu mà bỏ qua việc tổ chức không gian phát triển, hoặc nặng về không gian phát triển mà không chú ý đến định hướng phát triển. Ngoài ra, hoàn toàn thiếu cơ chế tổ chức thực hiện.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường, cho rằng cần áp dụng công cụ quy hoạch hiện đại, với sự trợ giúp của máy tính về phân tích không gian và bảo đảm mọi loại quy hoạch trên một vùng đất nhất định phải trùng khớp về các phân vùng và phương thức phát triển của từng vùng; và xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu phù hợp để tính toán hiện trạng và tiềm năng không gian dưới tác động của biến đổi khí hậu. Kịch bản biến đổi khí hậu càng sát với thực tế thì kịch bản phát triển càng mang lại hiệu quả cao.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ nhiệm uỷ ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, nêu ra ba vấn đề: ĐBSCL đang đối diện với sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nhiều và nghiêm trọng, có ý kiến phải có quy hoạch tổng thể chỉnh trị bờ biển, dự án chỉnh trị sông ở những đoạn sạt lở… Toàn là những dự án quá tốn kém, cần nghiên cứu thật kỹ; ĐBSCL sẽ thành trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước với tổng công suất là 18.270MW vào năm 2030, liệu chủ trương “Không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế” có được áp dụng cho ĐBSCL? Sau cùng, những nghiên cứu kỹ thuật để sử dụng vốn đầu tư công, hồ sơ trình duyệt, chủ trương đầu tư phải thật nghiêm túc.
“Ở Hà Lan, biến đổi khí hậu được xem là vấn đề cấp bách. Chính sách phải có khả năng triển khai, đầu tư mang tính chuyển đổi”, TS Martijn van de Groep, tư vấn trưởng kế hoạch phát triển vùng ĐBSCL, nói điểm khác biệt tại Hà Lan và nhấn mạnh Việt Nam đang đứng giữa ngã tư đường, cần có định hướng mạnh mẽ khi thay đổi hệ thống nông nghiệp, phải nhìn trên tổng thể: nông nghiệp, năng lượng, an ninh nguồn nước và giáo dục…
Liên quan đến các vấn đề môi trường và các tác động biến đổi khí hậu có thể quản lý, việc theo đuổi một chiến lược hướng tới phát triển ngành nông nghiệp cốt lõi dựa trên trình độ chuyên môn hoá, được xem là cách tốt nhất cho ĐBSCL. Hướng phát triển này phù hợp nhất với cấu trúc nhân khẩu học và kinh tế của vùng đồng bằng, là yếu tố rất khác biệt so với tổng quan và các vùng miền tại Việt Nam và so với các vùng lân cận.
Việc xây dựng quy hoạch phải phù hợp và tận dụng được các đặc điểm tự nhiên của đồng bằng (đất trũng, đường thuỷ và đất đai màu mỡ), TS de Groep nhấn mạnh: ĐBSCL có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, nông sản và khu vực này có tiềm năng tiếp tục phát triển thành trung tâm nông sản – hải sản cho thị trường quốc tế trong khu vực (Thái Lan, Campuchia, Lào).
TS Martijn van de Groep khẳng định: phát triển bền vững ở ĐBSCL phải tính tới việc giúp nông dân gia tăng năng suất, thông qua các mô hình sinh kế bền vững, thân thiện môi trường, đi từ thị trường và liên kết theo chuỗi giá trị, phân theo tiểu vùng và dựa trên lợi thế của từng địa phương. Sự phối kết hợp trong hoạt động đầu tư, bố trí về không gian và chính sách hiệu quả sẽ mở đường cho công nghiệp hoá tiến xa hơn.
Ngọc Bích – Hà My
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này