15:11 - 14/09/2016
Đầu tuần tới sẽ có thông tin đầy đủ về ‘mùi hôi thối ở Nam Sài Gòn’
Sáng 14/9, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, dự kiến đầu tuần sau UBND TP sẽ có báo cáo gởi Thủ tướng, sau đó sẽ thông tin đến báo chí tất cả nội dung về ô nhiễm mùi hôi gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khu Nam Sài Gòn.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, TPHCM có khoảng 830 nguồn thải khí thải công nghiệp, trong đó số có hệ thống xử lý khí thải khoảng 70% và còn lại 30% chưa có hệ thống xử lý khí thải.
Về ô nhiễm do chất thải rắn, hiện thành phố đang phát sinh khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, công nghệ xử lý chủ yếu hiện nay là chôn lấp chiếm 76%, làm phân compost chiếm 14,7% và đốt chiếm 9,3%.
Trong đó, Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước xử lý 5.000 tấn/ngày, Khu Vietstar xử lý 1.200 tấn/ngày và Tâm Sinh Nghĩa xử lý 1.000 tấn/ngày và một số tại bãi chôn lấp số 3 tại Củ Chi.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, hiện nay vẫn còn nhiều phản ánh của người dân về vấn đề ô nhiễm mùi hôi, tiếng ồn từ các trạm trung chuyển, các bãi chôn lấp chất thải.
Tùy theo mùa và điều kiện thời tiết, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước bị phản ánh mùi hôi nhiều từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm.
Một trong những giải pháp được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố nêu lên trong cuộc họp sáng nay về việc khống chế mùi hôi là đối với các bãi chôn lấp chất thải, thành phố sẽ triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước rỉ rác sau xử lý và chất lượng không khí xung quanh.
“Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các đơn vị xử lý chất thải tăng cường phun xịt chế phẩm khử mùi, tăng cường xử lý nước rỉ rác, che phủ bạt các hồ chứa nước rỉ rác khi mưa nhằm tách nước mưa, đảm bảo thu gom toàn bộ nước mưa, nước rỉ rác, rửa xe vận chuyển khi ra khỏi công trường”, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường nêu.
Phát biểu tại buổi họp sáng nay, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố, cho rằng môi trường đang được rất nhiều người dân quan tâm. “Bản thân tôi cũng nhận nhiều tin nhắn của người dân phản ánh các vấn đề môi trường”, ông Phong nói.
Ông Phong lưu ý tại các khu xử lý rác cần chú ý đến công tác trồng cây xanh cách ly, các chủ đầu tư cũng cần tính toán đến thời điểm tiếp nhận rác theo mùa, nắng mưa để có các giải pháp hạn chế mùi hôi phát sinh.
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm chính là việc người dân ở nhiều khu vực Nam Sài Gòn như quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh bị mùi hôi gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày trong những tháng gần đây, đặc biệt vào ban đêm.
Trước phản ánh của người dân, mới đây trong 4 ngày từ 7-9 đến 10-9 các cơ quan chức năng quản lý về môi trường của TPHCM đã có đợt ra quân truy tìm nguồn gốc phát sinh mùi hôi ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Phạm vi khảo sát nguồn gốc mùi hôi nằm chủ yếu ở các phường Phú Mỹ, Phú Thuận, Tân Phong, Tân Phú (quận 7), các xã Phong Phú, Hưng Long, Qui Đức, Đa Phước, Bình Hưng (Bình Chánh), và các xã Nhơn Đức, Phước Kiển, Phước Lộc (Nhà Bè).
Các nhân viên giám sát mùi hôi (ước khoảng 30 người) khảo sát toàn bộ các nguồn gồm sông – rạch, cơ sở sản xuất, trạm trung chuyển chất thải, trạm xử lý nước thải tập trung, hồ chứa nước thải tập trung, khu xử lý chất thải tập trung…
Đặc biệt, lực lượng giám sát môi trường sẽ tập trung vào các khu dân cư bị ảnh hưởng mùi hôi gần đây như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, chung cư Belleza, chung cư Đức Khải, chung cư Phú Mỹ, tòa nhà Lacasa,… trên cơ sở biện pháp cảm quan (sử dụng mũi để ngửi) song song với xác định hướng gió để lần tìm và khoanh vùng nguồn phát sinh mùi hôi, thiết lập những vùng “tam giác ô nhiễm”…
Hiện chính quyền thành phố đang xây dựng kế hoạch tổng thể xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu áp dụng công nghệ tái chế, làm phân compost và đốt 40%, chôn lấp hợp vệ sinh 60% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay thì tỷ lệ chôn lấp đã lấn át các công nghệ khác với lượng rác chôn lấp lên đến 75%.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước được xây dựng và hoạt động từ năm 2007 tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh trên diện tích 128 héc ta, quy mô 24 triệu m3 chất thải, thời gian hoạt động 24 năm, công suất tiếp nhận rác trung bình 3.000 tấn/ngày.
Khu này bao gồm các hạng mục: nhà máy phân loại rác, nhà máy sản xuất phân compost, hệ thống thu gom xử lý khí, hệ thống thu gọm xử lý nước rỉ rác, khu chôn lấp rác, hệ thống giao thông nội bộ, trạm cân, trạm rửa xe, trạm điện…
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này