
11:16 - 24/11/2016
An toàn không chỉ do ý thức người dân
Những ngày qua, khi toàn thế giới tưởng nhớ những người bị tai nạn giao thông (TNGT), cơ quan chức năng thì bảo do ý thức người dân kém, còn thực tế ghi nhận thì lại thấy quá nhiều bất cập.

An toàn không chỉ do ý thức người dân. Hàng vạn người đi xe máy trên đường Trường Chinh, Cộng Hoà bất chấp tính mạng để vượt qua đoạn đường “khổ ải” này trong mấy ngày gần đây, “điều tra” kỹ thì phát hiện là do ngành giao thông “hô biến” xe tải trên nhiều tuyến đường quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (phía quận Gò Vấp).
Nhìn là khiếp
Hơn mười ngày qua, đường Trường Chinh, Cộng Hoà – thuộc địa bàn quận Tân Phú và Tân Bình – bỗng dưng hỗn loạn. Hai tuyến đường này lúc nào cũng đông cứng bất kể lúc nào, thứ mấy. Cứ nhìn cái cảnh xe máy lạng lách trước đầu xe tải; nhìn cái cảnh xe tải vô tư lấn sang làn xe máy trên đường Cộng Hoà, ai nhìn cũng ngán.
“Hàng loạt vụ va chạm xảy ra, va chạm xe rồi đánh nhau. Mạng người giờ nguy hiểm quá”, anh Trần Thanh, nhà ở trên đường Nguyễn Minh Hoàng (một con đường song song với Cộng Hoà), ngao ngán nói.
Theo anh Thanh, giờ cứ ra tới đường Cộng Hoà là anh sợ với cảnh xe cộ chạy không còn luật lệ nào. Khi con đường đã vỡ trận vì ùn ứ, thì gần như luật lệ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Bởi nếu đi đúng luật thì chỉ có nước muộn giờ làm, giờ học.
“Biết đi sai luật là coi rẻ mạng sống khi ra đường, nhưng bị đuổi việc, bị mất hợp đồng làm ăn vì trễ nải giờ giấc thì cũng nguy cấp không kém nên ai cũng phải liều”, anh Thanh nói.
Cùng quan điểm với anh Thanh, chị Hằng nhà ở đường Hoàng Hoa Thám kể, chiếc xa tải chạy trên đường Cộng Hoà tông thẳng vào đuôi xe máy hai mẹ con.
Đường ken cứng, thấy các loại xe chen lấn để tiến lên, chị cũng cho xe lấn ra làn xe ôtô. Do đi sau cùng, gặp lúc đèn đỏ phải dừng, khi đèn xanh bất ngờ xe tải vào số nhấn ga đè bẹp đuôi xe máy của chị, khiến hai mẹ con văng xuống đường.
“Tài xế xe tải ẩu rõ ràng nhưng xét về luật thì mình sai. Thoát chết là quá mừng”, chị Hằng nói.
Tương tự, đường Phạm Văn Đồng – con đường được mệnh danh là đẹp nhất TPHCM – có đi mới thấy hết những cảnh khiếp vía nơi đây. Xe máy và xe ôtô cứ gọi là rượt đuổi nhau như phim; ở các vòng xoay thì hỡi ơi cứ vào giờ cao điểm là tai nạn, va quệt xảy ra liên tục.
“Ở đây tôi thấy tai nạn riết chẳng còn muốn ăn cơm. Mạng người giờ sao mong manh quá”, bà Thuỷ, một hộ dân sống trên đường Phạm Văn Đồng, thốt lên.
Cảnh xe máy liên tục rơi vào “họng” xe ôtô như hai tuyến đường trên còn phải kể đến quốc lộ 1 (đoạn từ Thủ Đức đi Bình Chánh), quốc lộ 22 đoạn đi qua địa bàn huyện Củ Chi, đường Nguyễn Thị Định, Lương Định Của, Nguyễn Oanh…
Theo đó, hàng triệu mạng người đi đường ở TPHCM hết ngày này qua ngày khác bị đe doạ tính mạng. không chỉ vì họ không có ý thức mà còn vì việc tổ chức lưu thông của các cơ quan chức năng của chính quyền sở tại.
Vì đâu nên nỗi
Tình trạng xe máy chạy vào làn đường ôtô gây cảnh khiếp vía với ai chứng kiến trên đường Phạm Văn Đồng, bắt nguồn từ giải pháp chống kẹt xe cho tuyến đường này.
Hiện sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM điều chỉnh linh hoạt cho xe máy chạy vào một làn đường ôtô trong giờ cao điểm nhằm giảm ùn ứ. Tuy nhiên, theo lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) nhiều trường hợp vẫn bất chấp chạy qua các làn đường khác, gây mất trật tự an toàn giao thông, dù lực lượng CSGT luôn đứng chốt ở các ngã tư để phân làn, phân luồng.
Lỗi là ở ý thức của người chạy xe. Ngoài ra, một lãnh đạo đội CSGT tuần tra – dẫn đoàn, nói trên báo chí: việc tổ chức giao thông được sở GTVT quy định cho xe máy chạy “trộn dòng” trên đường rất khó xử lý, nhiều trường hợp vi phạm cự cãi và yêu cầu CSGT phải chứng minh các lỗi bằng hình ảnh nên rất khó thực hiện.
Trả lời trên phương tiện truyền thông, đại tá Trần Đức Tài, phó giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng 70% số vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, xem thường tính mạng, 10% do người đi bộ không đi đúng làn đường… Phải xử lý căn cơ đối với xe hai bánh đi không đúng làn đường quy định nhằm kéo giảm TNGT.
Rõ là TNGT xảy ra chắc chắn có phần lỗi của những người điều khiển, thế nhưng không thể không nói đến trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ điều tiết, phân làn và hạn chế phương tiện.
Trái ngược với việc CSGT khẳng định trên truyền thông là thường đứng chốt để phân làn, phân luồng, chiều 20/11, chạy dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng từ Thủ Đức cho tới Gò Vấp, chúng tôi ghi nhận vắng bóng lực lượng CSGT trên tuyến đường này.
“Cho xe máy “trộn dòng” ôtô mà không chốt chặn, kiểm soát thì nói thật là rất nguy hiểm. Lỗi ở người chạy xe máy, ôtô ẩu thì đã đành, nhưng lỗi này cũng do các cơ quan chức năng mà ra nữa”, ông Nguyễn Văn Hải, chạy xe ôm ở đường Phạm Văn Đồng, nói.
Hàng vạn người đi xe máy trên đường Trường Chinh, Cộng Hoà bất chấp tính mạng để vượt qua đoạn đường “khổ ải” này trong mấy ngày gần đây, “điều tra” kỹ thì phát hiện là do ngành giao thông “hô biến” xe tải trên nhiều tuyến đường quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (phía quận Gò Vấp).
Giải pháp này được không ít các phương tiện truyền thông khen ngợi là hay. Thế nhưng, xe tải không mất đi. Không cho chạy hướng này thì phải tính chạy qua hướng khác. Vì thế áp lực lại đè lên các tuyến đường xung quanh, trong đó có Trường Chinh, Cộng Hoà.
TPHCM phải thực hiện nghiêm việc điều tiết giao thông; phân luồng, phân làn hợp lý, khoa học; phải kiên quyết thực hiện đúng quy hoạch xây dựng – hạn chế xây cao ốc ở khu trung tâm, các trục đường chính, bởi với số người và xe ra vào ở các cao ốc này dễ gây xung đột giao thông trên tuyến đường mà nó ngự trị, chưa kể tăng số lượng xe trên đường; kiên quyết di dời các khu, cụm công nghiệp ra ngoại thành…
Như vậy
mới mong, người dân không còn bán mạng mỗi khi ra đường; mới mong giảm được những nỗi đau đến xót lòng mà hậu TNGT gây ra.
Giang Thanh – Đằng Giang
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này