09:03 - 16/04/2017
Vì sao doanh nghiệp ngại… ‘mở miệng’?
Gần đây, tại các diễn đàn, doanh nghiệp đã bắt đầu mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình, không chỉ vì quyền lợi sát sườn. Điều này thật xa lạ so với tình hình cách đây vài năm.
Cũng đơn giản bởi đối với DN, mục đích chính là tạo ra công ăn, việc làm và thu về lợi nhuận chính đáng. Bất kể một động thái nào, một ý kiến nào có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến mục đích chính đáng kể trên, thì DN đều ngại… đụng đến.
Hệ lụy từ… lịch sử
Đây là hệ quả của một thực tế phũ phàng diễn ra nhiều năm qua. Bất kể DN nào khi nêu ý kiến hay “cãi” lại cơ quan công quyền đều có thể nhận được những hậu quả… khôn lường. Một doanh nhân ở Thanh Hóa nêu ý kiến về một vị Giám đốc sở, lập tức DN bị thanh tra. Nhiều DN lôi luật ra để… chất vấn cán bộ, thì lập tức sẽ bị làm khó dễ.
Các báo cáo PCI, PAPI, SIPAS, các khảo sát về cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan đều chỉ ra rằng: những DN, người dân không chịu… bôi trơn đều bị phân biệt đối xử. Nhẹ thì bị cán bộ không lịch thiệp, nặng thì bị đòi hỏi các giấy tờ đôi khi chẳng liên quan đến những gì mình đang thực hiện. Thậm chí, như câu chuyện ở Thanh Hóa đã nêu, đoàn thanh tra sau khi hoàn thành công việc, còn bị cán bộ thanh tra nhắn tin vòi vĩnh.
Đầu năm 2017, tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Khát vọng từ chính phủ kiến tạo” , một tổng giám đốc còn bày tỏ: “Tôi cũng sợ, không dám nói nhiều, vì nói nhiều thì mai mốt không khéo lại bị kiểm tra nhiều hơn”.
Vị tổng giám đốc này tâm sự không hiểu sao một số cán bộ cứ thích nhắm vào “DN có tóc”. Cụ thể: Công ty điện tử của ông hoạt động từ hơn 10 năm nay nhưng mới phát triển, ăn nên làm ra từ vài năm nay. Đáng buồn là ngay từ khi mới “ngóc” lên được một năm thì lập tức hết thuế rồi đến kiểm toán đến kiểm tra, thanh tra…
“Công ty phải huy động người để tiếp đón các đoàn. Khi họ xuống mà công ty không tiếp đón thì họ nói công ty không tôn trọng. Có kiểm toán còn nói thẳng công ty không tôn trọng thì cứ… chờ đó! Đó là cái khó của DN Việt Nam” – vị tổng giám đốc này nhận định.
Những điều này trong nhiều chục năm không phải là chuyện hiếm.
Có thể, đó là hậu quả của một thời những khung khổ pháp luật luôn được thiết kế theo hướng “chọn cho”. DN chỉ quen với “thói quen” chỉ làm những gì pháp luật cho phép, chứ chưa bao giờ được thực hiện quyền hiến định rằng: người dân và DN được làm những gì pháp luật không cấm.
Hệ quả trong nhiều chục năm ấy khiến cho cán bộ, công chức luôn nghĩ mình nắm trong tay quyền sinh, quyền sát đối với người dân và DN. Còn người dân và DN lúc nào cũng nghĩ rằng mình “phận mỏng cánh chuồn”, “cá nằm trên thớt”.
Văn bản chồng chéo, cơ chế lỏng lẻo
Chẳng nói đâu xa, ngay trong hội thảo thúc đẩy môi trường kinh doanh liêm chính mới được tổ chức, có một DN nói rằng với “rừng văn bản quy định phức tạp chồng chéo hiện nay, người thừa hành công vụ vận dụng kiểu nào cũng được nên gây khó cho DN, và ông đã chấp nhận “đưa 500 nghìn cho xong”.
Văn bản chồng chéo, phức tạp, cán bộ công quyền vẫn giữ tâm lý “hành là chính”, DN ngày lo kinh doanh, tối đi quan hệ… thì đương nhiên việc DN ngại mở miệng nói về những bất cập của chính sách, của cán bộ, công chức… cũng là điều dễ hiểu.
Mối quan hệ cộng sinh trong một môi trường kinh doanh chưa minh bạch, bình đẳng giữa DN và hệ thống hành chính quan liêu có thể chưa dễ dàng bị triệt tiêu. Điều trớ trêu là, tình trạng DN càng lớn càng bị thanh tra, kiểm tra nhiều khiến cho tình trạng này càng trở nên bi đát.
Nhưng cuộc kiểm tra, thanh tra, ngoài những lý do khó nói, thì dường như luôn được các cơ quan hành chính sử dụng làm “đòn thù” hoặc một chiêu thức đối phó, dạy dỗ những DN dám nêu ý kiến về những bất cập của hệ thống hành chính.
Mặc dù rất bức xúc, nhưng mới đây, một DN tại TP HCM cũng đề nghị được giấu tên khi nêu thưc trạng: Năm 2015 công ty ông phải tiếp các đơn vị đến thanh tra, kiểm tra 13 lần, trong đó nổi bật có 3 đơn vị trong lĩnh vực môi trường, 4 đơn vị thuộc lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Sang năm 2016 có 13 đoàn đến thanh tra, kiểm tra, trong đó lĩnh vực môi trường giảm xuống còn 2 lần, nhưng lĩnh vực phòng cháy chữa cháy từ công an các cấp tăng đến 8 lần. “Cứ hết đoàn này đến đoàn nọ, làm mất hết cả thời gian, ai mà chịu cho nổi”, DN này ngao ngán.
Những điều đã nói trên đây lộ ra hai vấn đề: DN ngại mở miệng hoặc là nếu mở miệng sẽ bị hành hạ; hoặc là DN không còn thời gian mở miệng vì các cuộc thanh tra, kiểm tra. Như con chim sợ cành cây cong, bất kể một DN nào cũng ngần ngại nêu ra ý kiến của mình bởi họ không lường trước được hậu quả mình sẽ phải gánh chịu là gì.
Để kết thúc bài viết này, thiết nghĩ ý kiến của ông Văn Đức Mười sau khi rời cương vị tại Vissan là điều đáng để suy nghĩ: “Muốn DN còn tinh thần và động lực sản xuất kinh doanh, môi trường pháp lý cần triệt để thay đổi”. Bởi lẽ khi môi trường pháp lý triệt để thay đổi, thì cũng chính là lúc các DN được bảo vệ bằng môi trường ấy bất kể họ có mở miệng hay không.
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này