11:16 - 17/04/2016
Trần Tiến Dũng: ‘Hái lượm’ quanh các đống rác
Những người làm nghề đổ rác thuê và lượm ve chai ở Sài Gòn hôm nay chỉ biết nương tựa vào sức khoẻ của họ, sức khoẻ chính là thứ có giá trị duy nhất giúp họ hàng ngày bươi – móc các đống rác để có cái ăn mà tồn tại qua ngày.
Thời Tây, dân mua bán ve chai mua luôn đồng nát, đồ cũ. Họ đều là người Hoa, bởi bí quyết tái sinh, tái chế đồ ve chai vốn là thứ gia truyền của mấy ông “các chú”.
Sang thời quân đội đồng minh Mỹ có mặt ở Sài Gòn, nghề ve chai được bổ sung thêm một số món rác Mỹ “béo bổ” như đồ hộp, đồ tiêu dùng cao cấp, sắt thép… nói chung là các vật dụng thải ra từ sản phẩm phục vụ chiến tranh của các anh lính Mỹ nhà giàu.
Nhưng ngày nay rác Sài Gòn có gì? Và đội quân người Việt đang “thừa kế” nghề đổ rác thuê và lượm ve chai sẽ được gì từ cái đống rác đó?
Ánh mắt trắng trong bóng tối đô thị
Khoảng 8 giờ tối, chúng tôi bắt gặp hai ánh mắt sáng trắng trong bóng tối góc đường Trương Định – Nguyễn Thị Diệu. Ánh mắt của một người đàn ông tuổi khoảng ngoài 30.
Anh ta đang kéo lê trên vỉa hè cái bao nilông loại lớn. Ánh mắt anh ta không ngừng sáng lên và liên tục đảo qua đảo lại.
Đúng lúc chúng tôi gặp anh, ánh mắt anh sáng lên vui mừng khi phát hiện một đống rác có những hũ sữa chua bằng nhựa vứt bừa bãi trên đường.
Khi anh cúi xuống lượm, cử chỉ lính quýnh vội vàng như sợ có ai đó nhào đến giành giật với anh những cái muỗng nhựa nhỏ xíu đang vung vẩy bên đường.
Ở Sài Gòn không thiếu những người giả đò tàn tật lê lết ăn xin, những người giả đò con đau, vợ bệnh sắp chết chìa ra giấy tờ “chứng nhận” đói khổ, luôn sẵn sàng khóc kể với bạn vô số hoàn cảnh thương tâm; duy chỉ những người lượm ve chai là luôn cúi mặt xuống và cái họ cần “chia sẻ” với bạn là rác.
Chung cư 162 Nguyễn Thị Nhỏ có hơn 75 hộ dân và hai cái bô rác. Nhà thầu đổ rác của chung cư này thu mỗi hộ một tháng 20.000 đồng.
Hai vợ chồng anh T, hốt thuê rác cho nhà thầu chung cư này và khoảng 100 hộ dân khác, mỗi tháng nhà thầu trả cho vợ chồng anh khoảng 800.000 đồng.
Để nuôi hai đứa con tuổi học cấp 1, ngoài tiền lương, thu nhập chính của gia đình anh dựa vào số ve chai bới – lượm.
Nhưng không phải chỉ có gia đình anh T. là được hưởng trọn vẹn đồ ve chai của số rác trên, bởi từ sáng sớm, lúc người ta chưa thức dậy, cái số lượng rác mà vợ chồng anh “phụ trách”, từ đợt này đến đợt khác sẽ được đám trẻ bụi đời móc bọc và những người lượm rác bằng xe đạp thay nhau bới móc; đến lượt vợ chồng anh hốt rác thì số ve chai trong rác còn lại không đáng bao nhiêu. Anh T. cười cười nói:
– Ai cũng chỉ kiếm được chút đỉnh thôi mà. Giành với tụi đó cũng đâu kiếm hơn được bao nhiêu.
Anh T nói thêm:
– Thường vào dịp tết hay có người dọn hoặc xây nhà, họ có kêu tui cho một số đồ cũ, có người rộng rãi còn cho cả giường, tủ, máy giặt, quạt máy cũ… coi giống như đi làm công nhân vệ sinh có thưởng vậy đó.
Hiện nay khắp Sài Gòn có hàng ngàn người sống bằng nghề đổ rác và lượm ve chai. Trước đây họ sống quanh các khu vực như xóm Sở Thùng ở Bình Thạnh, Cầu Kho quận 1, Chợ Quán… số phận thăng hay trầm của họ và gia đình họ từ xưa đến nay vốn được định đoạt tuỳ theo sức xả rác của cư dân đô thị quanh khu vực họ sống hành nghề.
Số phận những bàn tay cáu bẩn
Anh Ba M, giúp nhận ra anh là dân sở rác, chính là từ cái mùi rác đeo bám dai dẳng trên da trên tóc của anh.
Chúng tôi ngồi nhậu với anh ở một cái quán nhậu gần khu Cầu Hang. Lúc gặm một miếng cánh gà chiên nước mắm anh nói:
– ĐM, hồi thiên hạ sợ dịch cúm gia cầm tới đái trong quần, nhà tao vẫn cứ ăn thịt gà. Ăn riết quen, chết đách gì mà kiêng cữ.
Chúng tôi biết anh nói thật. Anh vốn là dân sở rác lượm ve chai cha truyền con nối. Thời bao cấp, chúng tôi cùng một đơn vị thanh niên xung phong, mỗi lần về phép ghé nhà anh chơi, có khi ăn cơm ở nhà anh, lúc nào chúng tôi cũng thấy có món thịt gà.
Sau này chúng tôi mới biết đó là gà bệnh, gà chết do nhà anh lượm ở bô rác lúc làm nghề. Bây giờ nhìn mái đầu anh đã sớm bạc trắng nhưng bàn tay của anh dù có chịu rửa mấy đi nữa vẫn cứ cáu bẩn.
Chúng tôi nghĩ tới chuyện ba má anh đã mất vì bệnh lao; dù ngày nay bệnh lao không còn là một chứng nan y đối với phần lớn cư dân đô thị; nhưng căn bệnh đó vẫn cứ giết người đối với những ai chấp nhận chọn nghề đổ rác và lượm ve chai như anh.
Đội quân làm nghề đổ rác và lượm ve chai hiện nay như một thứ nhà máy chế biến rác di động, không chỉ của Sài Gòn mà còn của cả nước.
Ở một góc nhìn rộng hơn, người ta có quyền đặt ra cho nhà cầm quyền, một chính quyền luôn hô hào “do dân và vì dân”, một vấn đề đơn giản là: Hơn bốn thập kỷ qua, họ đã làm được gì cho hàng ngàn số phận, trải nhiều thế hệ đang ở tận đáy kim tự tháp.
Những người làm nghề đổ rác thuê và lượm ve chai ở Sài Gòn hôm nay chỉ biết nương tựa vào sức khoẻ của họ, sức khoẻ chính là thứ có giá trị duy nhất giúp họ hàng ngày bươi – móc các đống rác để có cái ăn mà tồn tại qua ngày.
Trần Tiến Dũng
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này