12:20 - 24/08/2023
Sách giáo khoa – bao giờ mới hết lùm xùm?
Trong cơ chế thị trường xét giáo dục là ngành thương mại vẫn cần có cơ chế quản lý đặc biệt từ nhà nước.
Một ngành mà người bán (thầy, cô) chỉ mong muốn, tìm mọi cách để bán cho người mua (học sinh) càng nhiều sản phẩm càng tốt, càng thành công bấy nhiêu.
Hàng năm, giáo viên tổ chức hội thảo, tập huấn, rèn luyện… đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu sáng kiến kinh nghiệm để bán sao cho chạy hàng, lấy việc truyền đạt cho đi làm lợi nhuận. Mặt hàng các thầy cô bán là những thứ cực tốt, có giá trị không gì so sánh được, đó là nhân cách, đạo đức cách sống làm người, là tri thức, kiến thức, kĩ năng quý giá được loài người đúc kết lại trong bao nhiêu thời gian.
Để phù hợp thực tiễn thì cần phải thay đổi phương pháp dạy và học, có điều việc thay đổi sách giáo khoa lại gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là các bậc phụ huynh đang có con cắp sách đến trường. Việc in ấn nhiều bộ sách, giá sách cao, chiết khấu bán sách với tỉ lệ % cao, đè nặng thêm khó khăn lên vai các bậc cha mẹ, đặc biệt với các gia đình kinh tế khó khăn, sinh sống ở các vùng sâu xa, kém phát triển.
Việc ngừng sử dụng bộ sách giáo khoa cũ, sử dụng bộ sách giáo khoa mới là chủ trương đúng đắn để theo kịp các phương thức giảng dạy tiên tiến, hiện đại, lấy học sinh là chủ thể, trọng tâm, phát huy khả năng của học sinh, thầy cô chỉ là người gợi mở, định hướng. Để đạt được mục đích này, thay đổi sách giáo khoa là điều cần thiết, bỏ cách đào tạo theo kiểu thầy đọc, trò chép, ít tranh luận, không phản biện, kiến thức đến từ một chiều, đơn điệu nhàm chán.
Nhưng công tác xây dựng nền tảng cho sự đổi mới này còn thiếu và yếu, sách giáo khoa thay đổi chắc chắn giáo trình, giáo án, đề thi, ba rem chấm điểm cũng sẽ thay đổi, nhưng giáo viên thì chưa được đào tạo cập nhật kịp. Lớp giáo viên già có kinh nghiệm, nhưng tiếp thu sẽ chậm, lớp giáo viên trẻ có sự năng động thì lại thiếu kinh nghiệm, liệu có đồng loạt theo kịp bộ “Cánh diều” của công ty Cổ phần đầu tư Xuất bản và Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) để bay tới “Chân trời sáng tạo”, toàn bay trên không như thế thì sẽ “Kết nối tri thức và cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục bằng cách nào?
Điều này lẽ ra là tốt nếu như có nhiều đơn vị phát hành sách giáo khoa sẽ chống được độc quyền, giá sẽ cạnh tranh hơn, chất lượng cả nội dung và hình thức sẽ tốt hơn, học sinh sẽ được hưởng lợi. Vậy mà giá sách lại tăng hơn so với sách cũ đến cả mấy lần, thì thử hỏi làm sao không nảy sinh các suy nghĩ có sự bắt tay đi đêm, nâng cao giá sách, biến nhà xuất bản thành “con gà đẻ trứng vàng” cho ngành Giáo dục.
Xã hội hoá kiểu gì mà kết quả lại đi ngược với mong đợi. Cùng là sách Tiếng Việt lớp 4 tập I sách trong bộ Cánh Diều giá 26.000 đồng, ở bộ Kết nối tri thức và cuộc sống là 21.000, Bộ Chân trời sáng tạo là 22.000 đồng, con số chênh lệch nhân lên với số lượng học sinh cả nước sẽ là con số không hề nhỏ.
Với thời đại công nghệ và thông tin như hiện nay, người dân bình thường có thể dùng các công cụ tìm kiếm trợ giúp trên Internet để ước tính ra giá thành cho một bộ sách. Khi biết rõ giá giấy, giá mực in, cũng như các chi phí phát hành để có thể nhận xét về giá của một bộ sách cho con em đi học.
Điểm bất cập của sách mới là cùng một nội dung lại có nhiều đầu sách, cách biên soạn cố tình cài cắm để học sinh phải ghi thẳng vào trong sách, tất nhiên có sự tiện lợi nhưng sẽ không thể tái sử dụng được. Phụ huynh muốn mua đăng ký theo nhà trường thì phải mua trọn bộ kể cả sách học thêm, tham khảo…, còn nếu tự tìm mua thì đi lại vất vả, kèm thêm nỗi lo, sợ mua thiếu sách, sợ không biết mua đúng hay chưa?
Giáo viên thì lo năm nay dạy sách này liệu sang năm có đổi sang bộ khác. Trường sẽ lúng túng không biết nên chọn bộ nào cho phù hợp với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của trường mình. Còn nỗi lo bỏ ngỏ về đề thi, đáp án chấm điểm khi các bộ sách khác nhau không thể giống nhau hoàn toàn về mặt nội dung.
Tất cả mọi người đều hiểu những câu nói đùa như “càng học càng thấy dốt”. Đúng vậy, kiến thức là vô bờ, càng học và tìm hiểu thì thấy hiểu biết của mình càng hạn hẹp, càng thấy mình dốt. Có cả câu “càng học càng quên”, vì thực tế sau khi ra trường, nếu không làm việc ở các lĩnh vực có sử dụng kiến thức đã học thì mấy ai còn nhớ cách tính quỹ tích, hay đơn giản như cách tính đạo hàm.
Vậy thì hãy để bộ sách giáo khoa giữ đúng giá trị là kiến thức cơ bản, nền tảng làm vốn cho sự hiểu biết của học sinh. Hoàn toàn có thể cả nước dùng chung một bộ được các chuyên gia giáo dục biên soạn, còn tuỳ địa phương và điều kiện tương ứng tiến hành đào tạo thêm phần tham khảo, bổ sung cho phù hợp, giảm tải việc học cho học sinh, giảm gánh nặng chi phí sách giáo khoa trên lưng các bậc cha mẹ.
Cần triệt để ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy, chỉ cần một cuốn sách giáo khoa điện tử như chiếc Ipad sẽ hoàn toàn giải quyết được mọi vấn đề khi việc viết tay cũng có thể thực hiện bằng bút điện tử, thay bằng việc tìm lý do bao biện hãy tìm cách phù hợp có như vậy vụ sách giáo khoa mới bớt lùm xùm.
Theo An Nhiên/DĐDN
Có thể bạn quan tâm
Yêu thương thành phố
Ba tháng hai lần giải cứu nông sản
Để đất mãi là ‘mái ấm’!
Đừng bán tương lai với giá rẻ mạt
Sài Gòn còn nóng bức đến cuối tháng 5
Tags:sách giáo khoa
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này