
09:47 - 12/04/2018
Quản cao tốc mà cứ như đường… làng!
Trước thông tin vụ ôtô tông liên hoàn trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vì bị khói “uy hiếp”, lập tức các bên liên quan thi nhau đổ lỗi cho người dân đốt đồng.

Đơn vị quản lý cao tốc có trách nhiệm gì trong vụ va chạm liên hoàn trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây?
Từ đây, không ít cơ quan truyền thông đã mặc sức “chửi”, rồi đua nhau đòi phải có quy định để xử nghiêm những người đốt đồng gần cao tốc…
Thực hư câu chuyện khói trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có thật hay không hiện đang rộ lên, bởi dư luận lại đang xôn xao khói ở cao tốc hôm xảy ra tai nạn là do người của đơn vị quản lý cao tốc đốt cỏ bên hành lang an toàn của cao tốc. Về nghi vấn này, người viết xin không bàn đến, vì phải đợi các cơ quan chức năng làm rõ.
Ở đây chỉ xin nói rằng, giả sử sự thật là do người dân đốt đồng là nguyên nhân gây ra tai nạn, phải chăng đơn vị quản lý, khai thác cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ vô can? Chắc chắn là không thể vô can, bởi ai cũng có thể nói ngay rằng trách nhiệm rất lớn thuộc về đơn vị quản lý, khai thác cao tốc, xe chạy qua đây đã mất phí, phải có một lộ trình an toàn.
Trước vụ tai nạn trên không lâu, dư luận cũng chấn động bởi vụ tai nạn trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ khi xe khách đang chạy tốc độ cao tông vào xe cứu hoả chạy ngược chiều. Không may mắn như vụ tai nạn trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, vụ xe khách tông xe chữa cháy khiến một cảnh sát PCCC tử vong và nhiều người khác bị thương.
Ở vụ việc này, có những ý kiến cho rằng việc một phương tiện khác đột ngột chạy ngược chiều vào cao tốc là rất nguy hiểm. Tất nhiên, xe chữa cháy có quyền lưu thông trên mọi tuyến đường, nhưng việc đột ngột chạy ngược chiều vào đường cao tốc luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Ai đúng sai chưa biết, nhưng rõ ràng vụ này cũng có trách nhiệm của đơn vị quản lý, khai thác cao tốc này.
Cùng với ý thức và nhận thức của người trực tiếp điều khiển phương tiện trên cao tốc, nguyên tắc và quy trình vận hành loại hình giao thông đường bộ này cũng rất quan trọng đối với việc bảo đảm an toàn giao thông. Nói vậy để thấy, nếu đơn vị quản lý, khai thác hai cao tốc trên có quy trình chuẩn để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, những vụ tai nạn đáng tiếc đã không xảy ra. Ở vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam, đơn vị quản lý và vận hành nói rằng họ đã cảnh báo tài xế ngay khi xảy ra sự cố. Vậy vì sao tai nạn liên hoàn vẫn xảy ra? Do tài xế phớt lờ cảnh báo hay sự cảnh báo chưa đủ mức để cảnh tỉnh tài xế? Rõ ràng, từ vụ tai nạn liên hoàn này phải xem lại cách thức và hiệu quả cảnh báo khi có sự cố xảy ra trên cao tốc.
Với vụ tai nạn giữa xe khách và xe chữa cháy cũng cần đặt ra vấn đề, là khi một phương tiện có quyền ưu tiên chạy ngược chiều trên cao tốc, cần có thông báo gì tới đơn vị vận hành, và đơn vị này có cách thức gì để cảnh báo người điều khiển phương tiện đang chạy với tốc độ cao; đặc biệt có cần quy định gì khác với việc lưu thông trên các tuyến đường bình thường.
Từ khi mới bắt đầu làm cao tốc, ai trong mỗi chúng ta đều được biết thông tin đường cao tốc là một loại hình giao thông đường bộ hiện đại, ấy vậy mà với cách quản lý như “đường làng” hiện tại, khó mà tránh khỏi những vụ tai nạn giao thông thảm khốc (nói thảm khốc là vì lên cao tốc ai cũng chạy tốc độ nhanh nên khi tai nạn xảy đến, thảm khốc là điều khó tránh khỏi). Đã đến lúc các đơn vị quản lý, khai thác cao tốc phải xây dựng những “kịch bản” ứng phó hiện đại tương ứng với chuẩn đường của mình, trong đó, bao gồm cả việc kiến nghị quy định cặn kẽ cách thức xe ưu tiên vào cao tốc sao cho phù hợp.
Nguyễn Anh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này