11:21 - 22/05/2016
Ngành bán lẻ Việt Nam đã thua 0 – 2, giờ phải làm gì?
Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã thua với tỷ số 0-2 ngay trên sân nhà khi thương vụ Big C và Metro lọt vào tay người Thái.
Trước sức ép cạnh tranh gay gắt về mở cửa thị trường khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, đặc biệt là gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Trên thực tế, trước khi AEC có hiệu lực, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã có nhiều hoạt động bước chân vào thị trường Việt Nam – một trong 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất châu Á.
Mới nhất các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã thua với tỷ số 0-2 ngay trên sân nhà khi thương vụ Big C và Metro lọt vào tay người Thái, trước sự bất lực của một số doanh nghiệp trong nước.
Bản thân doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ trong nước cũng đã nhận biết được sự cạnh tranh khốc liệt với các nhà bán lẻ nước ngoài khi các hàng rào ngày càng được tháo bỏ và có sự tác động lớn của công nghệ thông tin đến cách thức bán lẻ.
Doanh nghiệp vẫn ý thức được việc cần tự thân vận động, đáp ứng những đòi hỏi mới trong mở rộng hệ thống phân phối như: quảng bá và làm thương hiệu, đa dạng hóa hình thức bán lẻ, thay đổi phương thức sản xuất…
Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp làm được những điều này. Bởi hầu hết đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu sự chuẩn bị từ trước, ít được hỗ trợ bài bản để sản phẩm có thể cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.
Ngoài ra, không chỉ doanh nghiệp phân phối, các nhà sản xuất trong nước cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong cuộc cạnh tranh với hàng ngoại, ngay trong sân nhà.
Trên cơ sở đó, tôi xin đề xuất tới Chính phủ một số giải pháp giúp ngành “bán lẻ” nước nhà tồn tại và phát triển, hội nhập thành công được ngay tại thị trường trong nước.
Điều quan trọng nhất bây giờ là chính phủ xây dựng một chương trình chiến lược phát triển dài hạn cho ngành bán lẻ.
Trước mắt là 5 năm hội nhập đầu và các năm sau. Trong đó nhấn mạnh việc tập chung liên kết giữa các nhà sản xuất, phân phối bán lẻ nội địa với nhau, và chính giữa các doanh nghiệp bán lẻ với nhau nhằm tạo thành sức mạnh “bó đũa”.
Thứ hai, chính phủ cần có một đội ngũ chuyên gia trong ngành, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong học tập kinh nghiệm từ các nước về quản lý thị trường, xây dựng hệ thống hạ tầng bán lẻ hiện đại…
Đặc biệt là giúp các doanh nghiệp bán lẻ đi đúng hướng. Tránh tình trạng, đối thủ chưa tới mà anh em một nhà đã hạ nhau.
Ngoài ra cũng cần kiên quyết xử phạt thật mạnh những Doanh nghiệp trong ngành làm ăn chộp giật để tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng tới những doanh nghiệp bán lẻ nội địa khác.
Thứ ba, chính phủ cần xây dựng những chính sách ưu tiên, hỗ trợ tài chính và đất đai … cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Các doanh nghiệp nước ngoài nhờ kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh có được từ tập đoàn mẹ nên họ có khả năng chịu lỗ tới vài năm để tiếp tục đầu tư lập cơ sở bán lẻ mới, để mở rộng mạng lưới kinh doanh với tốc độ nhanh hơn doanh nghiệp trong nước. Nhưng điều này dường như là “bất khả thi” đối với doanh nghiệp trong nước.
Lâu nay, Chính phủ và các địa phương đã có một số chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường bán lẻ trong nước, nhưng chưa thấm vào đâu.
Thứ tư, việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ồ ạt nhảy vào Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường, thực tế đã quá rõ. Chính vì vậy, nhà nước cần có tác động để họ hỗ trợ bán hàng Việt.
Doanh nghiệp FDI cần đóng góp vật chất vào các hoạt động hỗ trợ các nhà cung ứng, dịch vụ và các đối tác nhỏ và yếu của Việt Nam.
Thứ năm, các Bộ, ngành cần tập trung cải cách hành chính, xây dựng một đội ngũ cán bộ có trình độ hội nhập, am hiểu doanh nghiệp và có phẩm chất tốt.
Thứ sáu, thực tế cho thấy, bên cạnh việc nhiều thương hiệu bị mua lại thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp trong nước đứng vững tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối và khẳng định thương hiệu đối với người tiêu dùng Việt Nam nhờ có một chiến lược kinh doanh tốt, kiên trì theo đuổi hướng đi riêng.
Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng nên sẵn sàng chấp nhận sự liên doanh, mua bán sát nhập. Đối với các môi hình liên doanh, cần ưu tiên các phương án liên doanh, liên kết trong đó phía Việt Nam chiếm đa số.
Cuối cùng, bên cạnh việc phát triển hệ thống phân phối bán lẻ thì Việt Nam cần phải tạo ra những sản phẩm “made in Việt Nam” có chất lượng cực tốt. Có thể cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí là hơn các nước. Điều này sẽ thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa và xuất khẩu.
Trần Xuân Thắng
Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị điện máy DigiCity
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này