
11:14 - 05/10/2017
Cần thay thước đo sự trong sạch
Lẽ thường, khi nghe người này bị trộm, xóm kia có nhà bị khoắng sạch thì người quen, kẻ sơ trong xóm, trong tỉnh, trong thành luôn tỏ lời nói xót của cho ai lỡ bị trộm khua khoắng.
Câu chuyện vị cục phó bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) bị mất trộm ở Long An, khi đang đi thanh tra ở tỉnh này cũng không ngoại lệ.
Ở câu chuyện mất trộm của vị cục phó nêu trên, dù chưa có kết quả điều tra chính thức nhưng đến thời điểm hiện tại thì có thể thấy vị cục phó vừa mất tiền, còn mất luôn uy tín.
Ở đây, xin không phân tích những tiểu tiết trong vụ mất trộm, chỉ xin nói về nghi ngờ của dư luận xung quanh việc vị cục phó trên sao đi công tác mà có nhiều tiền đến vậy, nguồn gốc số tiền từ đâu ra? Nghi ngờ của dư luận chưa chắc đã là bản chất của vụ việc, nhưng nó lại dấy lên nỗi hoài nghi khác xung quanh câu chuyện tài sản thực của cán bộ với đồng lương công chức không phải là lớn, nếu không muốn nói là phải tiết kiệm và dè sẻn mới đủ điều kiện nuôi con cái ăn học nên người. Thế nhưng, lại có không ít những cán bộ xây biệt phủ, cho con du học nước ngoài này nọ, khi bị truyền thông khui ra mới lòi sai phạm, tham nhũng. Bằng chứng của câu chuyện này là hiện tại hàng loạt những vụ tham nhũng đang bị bóc trần trước dư luận với số tiền sai phạm hàng ngàn tỉ đồng được các cán bộ biến chất “nguỵ trang” vơ vét suốt nhiều năm, mà vẫn vô tư thăng tiến với các bản đánh giá cán bộ là đầy năng lực và thanh cao.
Kiểm tra, giám sát cán bộ đang mất kiểm soát hay cán bộ tham nhũng quá tinh ranh? Câu hỏi này lại tiếp tục được dư luận gửi đến các cơ quan hữu trách. Dư luận đặt câu hỏi này là hoàn toàn chuẩn xác, nếu như những người trong chúng ta đọc báo cáo tổng kết kê khai tài sản cán bộ trên phương tiện truyền thông dưới đây.
Cụ thể, trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng do phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn trình bày trước uỷ ban Tư pháp Quốc hội vào chiều 5/9 mới đây, thể hiện: trong năm 2016 có 1.113.422 người kê khai tài sản, 77 người được xác minh, ba trường hợp thiếu trung thực.
Nhìn qua con số này thì ắt nhiều người sẽ ồ lên là cơ chế kê khai đã hổng rồi. Không cần phải chứng minh đâu xa, chỉ cần nhìn vào số cán bộ bị bắt vì tội tham nhũng trong năm 2016 với tài sản bị “khui” ra là khủng, thì sẽ thấy nhiều cán bộ kê khai tài sản không đúng sự thật. Còn viện dẫn trong thực tế thì ai cũng dễ dàng thấy khi làm việc hay tiếp xúc với các cán bộ từ cấp lãnh đạo huyện trở lên, bởi không khó để nhận ra sự giàu có của những vị cán bộ trên. Lẽ nào những người có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá không biết?
Vậy những con số về kê khai tài sản quá đẹp trên có phải là thước đo sự trong sạch của đội ngũ cán bộ. Nếu coi đó là thước đo, thì rõ ràng đã đến lúc thay thước, bởi có quá nhiều sai phạm vừa bị phát hiện và lột trần!
Quân Minh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này