
20:42 - 14/11/2016
Cà phê đắng hay ly rượu mừng?
Thay vì cổ suý cho một mô hình “phi chính thức”, hãy thực hiện nghiêm túc, đúng chức trách của mình theo quy định của pháp luật. Lúc đó thay nhâm nhi vị đắng của ly cà phê hãy nâng ly rượu mừng doanh nhân thành công.
Bắt đầu từ tháng 11/2016, buổi sáng thứ 7 tuần đầu tiên của tháng, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi và các sở, ban, ngành sẽ gặp gỡ, trao đổi, giải quyết một số kiến nghị của DN ngay tại quán cà phê ở Nhà khách UBND tỉnh.
Đây được cho là mô hình nhằm phát huy tính thân thiện để giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Trước đó, tại Đồng Tháp, quán cà phê doanh nhân – doanh nghiệp, được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương mở ngay tại nơi làm việc để tiếp các doanh nhân, doanh nghiệp vào mỗi buổi sáng, kịp thời lắng nghe những vướng mắc…
Nhưng tỉnh đầu tiên tổ chức mô hình “cà phê doanh nhân” chính là Tuyên Quang.
Cũng cần nói thêm rằng, mô hình cà phê doanh nhân được Tổ chức Tư vấn Giáo dục Việt Nam – EduViet Corporation phối hợp cùng Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức từ năm 2012.
Thông qua chương trình này các doanh nhân trẻ có cơ hội học tập, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nhân thành đạt, các chuyên gia kinh tế và tìm kiếm cơ hội và phát triển mạng lưới kinh doanh.
Sau đó, Hội Doanh nghiệp trẻ đã triển khai mô hình này về một số địa phương và thay đổi fomat với dự tham gia của lãnh đạo chính quyền như Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hà Nam…(nó khác với mô hình mà một số tỉnh đang làm hiện nay, lãnh đạo chính quyền chỉ là khách mời, không phải chủ thể).
Trở lại với câu chuyện cà phê doanh nhân mà Quảng Ngãi hay Đồng Tháp đang áp dụng. Thoạt nghe có vẻ đây là một mô hình hữu ích nhưng nếu nhìn nhận một cách đầy đủ sẽ lợi bất cập hại.
Thứ nhất, về tính pháp lý của các buổi tiếp xúc giữa chính quyền và doanh nghiệp. Những cam kết(nếu có)trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sẽ rất lỏng lẻo bởi đây không phải là hội nghị chính thức.
Thứ hai là đối tượng tham gia. Những doanh nhân nào sẽ được tham gia vào các chương trình cà phê này? Bởi nếu chỉ có một nhóm doanh nghiệp tham gia, không đại diện cho cộng đồng, số đông và bình đẳng cho mọi doanh nghiệp sẽ rất dễ nảy sinh lợi ích nhóm cho một số doanh nghiệp “thân hữu”.
Thứ ba, quan trọng hơn cả là sau khi có Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 thì việc thiết lập một kênh không chính thống để giải quyết các vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp là đi ngược lại với tinh thần của Chính phủ.
Tại sao các kiến nghị của doanh nghiệp không kịp thời xử lý theo đúng quy trình tại các cơ quan có thẩm quyền như bộ phận tiếp dân, khiếu nại mà phải đẩy qua… quán cà phê?
Phải chăng là sự yếu kém, thiếu trách nhiệm của những người trực tiếp phụ trách xử lý?
Cùng với tiến trình đổi mới, có rất nhiều vấn đề xoay quanh mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp đang phát sinh.
Khó khăn vướng mắc là điều có thực nhưng nó phải được giải quyết một cách hệ thống, minh bạch và bình đẳng.
Thay vì cổ suý cho một mô hình “phi chính thức”, hãy thực hiện nghiêm túc, đúng chức trách của mình theo quy định của pháp luật. Lúc đó thay nhâm nhi vị đắng của ly cà phê hãy nâng ly rượu mừng doanh nhân thành công.
Phan Nam
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này