15:15 - 12/08/2019
Cấp thiết bảo vệ đê biển Tây
Những ngày qua, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, kết hợp với mưa lớn, biển động làm tuyến biển Tây từ Rạch Chèo (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) đến Mũi Nai (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) bị sạt lở nghiêm trọng. Có nơi sắp vỡ đê như đoạn Kênh Mới – vàm Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời).
Còn tại Kiên Giang, nước biển tràn qua tuyến đê biển, cuốn trôi nhà cửa, tài sản của hơn 100 hộ dân sống ven đê thuộc xã Vân Khánh Tây và Vân Khánh (huyện An Minh).
Cách đây 22 năm, sau cơn bão Linda (năm 1997), Trung ương đã xây dựng tuyến đê phòng hộ ven biển Tây bằng đất đen, nhằm chống xâm thực, bảo vệ sản xuất, nhà cửa của người dân phía bên trong. Thời điểm này, nhiều nơi đai rừng phòng hộ còn dày, vì vậy tuyến đê dù bằng đất đen nhưng được cây rừng che chắn, bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay đai rừng phòng hộ bị mất dần và ngày càng mỏng, có nơi cây rừng bị sóng biển đánh bật gốc, sạt lở sát tận chân đê nên nguy cơ vỡ đê rất cao.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã triển khai một số giải pháp công trình phòng chóng sạt lở đê biển Tây mang lại hiệu quả như: kè chống sạt lở bằng cọc bê tông ly tâm kết hợp đá hộc (thường gọi là kè ngầm tạo bãi), kè cấu kiện bằng bê tông cốt phi kim phá sóng (đang thực hiện có chiều dài 2,1km tại bờ biển Đông và bờ biển Tây). Riêng đê trụ rỗng đã đầu tư xây dựng với chiều dài 680m tại bờ biển Tây từ Sào Lưới đến vàm Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), hiện đang trong quá trình đánh giá tính hiệu quả, sau đó mới có những bước tiếp theo.
Ngoài ra, Tổ chức GIZ (Cơ quan Hợp tác phát triển Đức) cũng triển khai một số giải pháp chống sạt lở như kè “mềm” bằng vật liệu địa phương sau đó trồng rừng, cũng đem lại nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, bờ biển Tây không phải chỗ nào cũng bị sạt lở, nhiều khu vực biển vẫn bồi, vì vậy, các nhà khoa học, các nhà làm chính sách tại địa phương cần sớm đưa ra giải pháp phù hợp.
Các giải pháp “thuận thiên” được nhiều người ủng hộ. Nhưng do đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng nên nhiều khu vực cần phải có giải pháp “cứng” mới bảo vệ được đê. Hiện các địa phương đang nghiên cứu, triển khai loại kè “cứng” theo hướng tạo bãi: khi kè xây dựng một thời gian thì bên trong tạo bãi tiến hành trồng lại rừng. Tuy nhiên, kè theo hình thức này giá thành còn cao, từ 30 – 35 triệu đồng/mét, trong khi nguồn lực còn hạn chế nên giải pháp kè “cứng” chưa thể triển khai rộng rãi.
Giải pháp kè “mềm”, sử dụng vật liệu địa phương như cây tràm, tre…, bên trong thì trồng rừng, tuy có ưu điểm là chi phí thấp, thân thiện với môi trường nhưng chỉ thực hiện tại một số nơi bờ biển có cường độ sóng nhỏ, bãi nông. Muốn đầu tư bảo vệ toàn tuyến đê biển Tây cần hàng ngàn tỷ đồng. Do đó, các địa phương Kiên Giang và Cà Mau hiện chỉ làm kè bảo vệ đê ở những nơi bức xúc nhất, nguy cơ vỡ đê ở mức cao nhất.
Trước thực tế trên, trong các buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội, cơ quan Trung ương…, tỉnh Cà Mau kiến nghị cho thực hiện cơ chế: các doanh nghiệp đầu tư kè chống sạt lở, gây bồi tạo bãi trồng rừng, qua đó chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích được bảo vệ phía bên trong để thực hiện các dự án đầu tư. Ngoài ra, áp dụng cơ chế Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA (không áp dụng cơ chế vay lại vốn ODA) đối với các dự án đầu tư xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo SGGP
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam có được hưởng lợi từ đất hiếm?
Cảnh báo lạm phát quá mơ hồ, coi chừng triệt tiêu động lực tăng trưởng
Bạc Liêu bỏ được điện than, các nơi khác thì sao?
Chính phủ mới mở đầu bước ngoặt cải cách
Năm 2018, lo chi phí tăng
Tags:đê biển tây
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này