
11:51 - 31/03/2018
Những chuyện lắt léo về các thứ omega
Omega-3 TPCN không phải thuốc, do đó không có gì bảo đảm về an toàn, độ tinh khiết, hiệu quả trị bệnh, và không bị kiểm soát nghiêm ngặt như thuốc tây.
Omega-3 là chất béo thường có trong hải sản, nhất là cá biển. Thị trường mới đây lại nổi lên trứng gà omega-3. Ông nghĩ thế nào về sản phẩm omega-3 “trên cạn” này?
Vũ Thế Thành: Gà mái ăn thức ăn có omega-3 thì đẻ ra trứng có omega-3. Thức ăn giàu omega-3 cho gà mái chủ yếu là hạt đầu lanh (flaxseed). Đôi khi người ta còn cho gà ăn thêm rong biển, mỡ cá… nhưng với tỷ lệ bao nhiêu so với hạt lanh thì tôi không rõ, vì liên quan tới giá thành.
Tôi muốn nhấn mạnh, omega-3 không phải là một chất, mà là nhóm acid béo không bão hoà gồm cả hơn mười chất, nhưng chỉ có ba loại acid: ALA (alpha-linolenic), EPA (eicosapentaenoic acid) và DHA (docosahexaenoic) là ảnh hưởng đáng kể về mặt sinh lý ở người. Công dụng của những chất này cũng khác nhau. Do đó, nói tới omega-3 là omega-3 loại gì mới được.
ALA có nhiều trong dầu lanh (flax), óc chó (walnut). Dầu cải (canola) và dầu đậu nành cũng có ALA, nhưng ít hơn. Còn EPA và DHA có nhiều trong hải sản nói chung như cá biển, rong biển…
Gà mái chuyển một phần ALA trong dầu lanh thành DHA khi tiêu hoá. Cả hai loại omega-3 này đều “cư trú” trong lòng đỏ trứng.
Lượng omega-3 trong trứng gà thế nào, có bổ béo như trong cá biển không?
EPA và DHA được cho là góp phần làm giảm rủi ro cơn đau tim (heart attack), nhịp tim bất thường, hạ huyết áp, giảm mỡ máu (triglyceride), giảm viêm, giảm suy thoái điểm vàng ở mắt… Đặc tính riêng lẻ, thì EPA được cho là làm giảm trầm cảm, nhưng nổi bật nhất là DHA, giúp phát triển và duy trì hoạt động của não. Bà bầu, thai nhi và trẻ, đặc biệt cần DHA. Bởi thế mà mọi quảng cáo về omega-3 đều tập trung vào DHA.
Omega-3 trong trứng gà đa số là loại ALA, một số ít là loại DHA, khoảng 50mg/trứng. Quá ít so với cá biển. Mức dinh dưỡng của trứng gà rất tốt, nhưng trứng không phải là loại thực phẩm nên ăn nhiều, mỗi ngày vài ba quả chẳng hạn, do lòng đỏ có nhiều cholesterol. Hải sản, chứ không phải trứng gà, mới chính là nguồn cung cấp DHA. Sữa mẹ cũng là nguồn cung cấp DHA “trên cạn” cho em bé.
Gà mái chuyển ALA trong dầu ăn thành DHA. Người có thể chuyển được như thế không?
Người cũng chuyển được, nhưng rất ít, chỉ khoảng 5%, tuỳ thể trạng mỗi người, nữ chuyển nhiều hơn nam, còn những người bị tiểu đường chuyển ít hơn. Mới đầu chuyển ALA thành EPA, rồi thành DHA.
Thế công dụng của omega-3 loại ALA là gì?
Vài nghiên cứu cho rằng ALA cũng giúp ích cho tim mạch, làm ổn định nhịp tim, nhưng kết quả chưa rõ ràng lắm.
Omega-3 tự nhiên trong cá và omega-3 trong những viên dầu cá thực phẩm chức năng (TPCN) có khác gì nhau không?
Khác nhau chút đỉnh. Các acid béo ít khi ở dạng tự do, mà hầu hết ở dạng ester. Bạn thử hình dung, ester giống cái “móc áo ba móc” có ba acid béo gắn vào. Bất cứ acid béo loại nào, omega-3 hay không phải omega-3, cũng đều có thể móc vào được. Để lấy được omega-3 từ dầu cá, người ta phải gỡ tất cả acid béo ra khỏi “móc áo ba móc”, đem móc vào cái “móc áo một móc”. Rồi đem chưng cất để lấy ra EPA và DHA.
“Móc áo ba móc” là rượu glycerol, còn “móc áo một móc” là rượu ethanol. Omega-3 tự nhiên khác omega-3 thực phẩm chức năng (TPCN) ở chỗ acid omega-3 móc vào loại rượu nào. Omega-3 TPCN hấp thu chậm hơn, nhưng rồi cũng đi vào máu cả. Những nghiên cứu về lợi ích của omega-3 đối với sức khoẻ con người thường dùng omega-3 TPCN để làm thí nghiệm.
Omega-3 TPCN cũng có loại cho acid béo gắn vào “móc áo ba móc” cho có vẻ… tự nhiên, nhưng giá thành đắt, và cũng rất ít nơi bán.
Mỗi ngày tiêu thụ bao nhiêu omega-3 là vừa? Tôi muốn nói đến loại EPA và DHA.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi ngày tiêu thụ khoảng 300 – 500mg EPA + DHA, và ALA khoảng 800 – 1.100mg. Với mức khuyến cáo này, chỉ cần mỗi tuần ăn cá biển hai lần, dùng thêm dầu đậu nành là quá đủ.
Không ăn được cá biển thì uống omega-3 TPCN được không?
Uống omega-3 TPCN hay không là chọn lựa của bạn, nhưng không ăn được cá biển, thì tôm cua mực bạch tuộc sò ốc, rong biển… cũng có omega-3. Tiêu thụ omega-3 từ nguồn thực phẩm có lợi hơn nhiều so với omega-3 TPCN.
Omega-3 TPCN ít gây phản ứng phụ, quá liều tới 2 – 3 lần khuyến cáo của WHO cũng chẳng sao, có điều hơi thở tanh mùi cá. Nhưng uống trên 1.000mg mỗi ngày, nên báo cho bác sĩ biết, vì omega-3 làm giảm đông máu. Cũng có nghiên cứu cho thấy, nồng độ DHA cao trong máu có ảnh hưởng đến nhóm người có rủi ro cao ung thư tuyến tiền liệt (1).
Mua omega-3 TPCN nên lưu ý về tổng số EPA + DHA ghi trên nhãn. Thí dụ, một viên omega-3 dầu cá 1.000mg, nhưng đọc kỹ thì tổng EPA + DHA chỉ có 300mg omega-3.
Omega-3 TPCN không phải thuốc, do đó không có gì bảo đảm về an toàn, độ tinh khiết, hiệu quả trị bệnh, và không bị kiểm soát nghiêm ngặt như thuốc tây. Cũng chẳng có gì bảo đảm hàm lượng omega-3 trong viên thuốc là đúng như ghi trên nhãn.
Công Khanh thực hiện (theo TGTT)
———————
(1) Journal of the National Cancer Institute Plasma Phospholipid Fatty Acids and Prostate Cancer Risk in the SELECT Trial – https://academic.oup.com/jnci/article/105/15/1132/926341/Plasma-Phospholipid-Fatty-Acids-and-Prostate
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này