10:05 - 25/07/2022
Nhật Bản kiểm soát an toàn thực phẩm như thế nào?
Ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ thường khá hiếm số người bị ngộ độc thực phẩm, bởi chất lượng thực phẩm được kiểm soát rất nghiêm ngặt.
Một số nước châu Á cũng có cơ chế kiểm sát thực phẩm rất gắt gao, trong đó phải kể đến như Nhật Bản và Singapore.
Đặc biệt là ở Nhật Bản – đất nước có truyền thống ăn đồ sống, từ thịt, cá, tôm, hàu đến các loại rau trái, chính phủ Nhật Bản nhận định rằng nếu lơi lỏng về kiểm soát thực phẩm thì tai họa sẽ xảy ra với đất nước hơn 125 triệu dân. Hậu quả có thể nặng nề như hai quả bom nguyên tử giáng xuống năm 1945.
Theo Japan Times, trong giai đoạn 2017 – 2020 cả Nhật Bản chỉ phải đóng cửa 22 tiệm bán đồ ăn gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Những ai đã từng sống ở Nhật Bản mới thấy cách kiểm soát thực phẩm của họ hoàn toàn khác với Việt Nam.
Nhật Bản xây dựng luật về an toàn thực phẩm từ rất sớm, ngay từ năm 1947. Đến nay, xứ sở mặt trời mọc là nơi có các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thuộc loại nghiêm ngặt nhất thế giới, với bảy bộ luật chính liên quan các lĩnh vực khác nhau.
Người Nhật lại tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát đầu ra, tức là thành phẩm cuối cùng mà người dân sử dụng. Điều 16 của “bộ luật an toàn thực phẩm” có ghi rõ nếu người chủ cửa hàng bán thực phẩm làm cho khách hàng bị ngộ độc thì bị phạt hai triệu yen, khoảng 340 triệu đồng theo tỷ giá mới nhất, và chịu án hai năm tù.
Trong trường hợp, người bán hàng biết rõ hệ quả xấu sẽ mang lại cho người tiêu dùng của thứ thực phẩm mà mình đang sở hữu mà vẫn cố tình đưa ra thị trường thì tội danh sẽ không còn giới hạn trong hành vi buôn bán thực phẩm nữa mà sẽ bị truy tố vào tội cố tình giết người hàng loạt, khi đó thời gian phạt tù sẽ rất lâu.
Việc kiểm soát đầu ra khiến cho những người bán thực phẩm, bán hàng ăn từ cửa tiệm nhỏ ở đường phố đến khách sạn 5 sao luôn phải tự ý thức được việc mình mua thực phẩm, phụ gia từ ai, ở đâu. Những khách sạn, nhà hàng lớn phải tự lập ra bộ phận chuyên trách kiểm tra chất lượng đầu vào, còn những cửa hàng nhỏ phải liên kết lại trong các tổ chức hợp tác xã để hỗ trợ nhau thông tin xuất xứ của hàng hoá đầu vào. Ở bất cứ cửa hàng nào bán đồ ăn của Nhật Bản đều thấy một cái bảng nhỏ ghi rõ xuất xứ của thực phẩm ngay bên cạnh , chẳng hạn cá ngừ từ Aomori, cá hồi từ Tottori, hàu từ Miyagi, rau xanh từ Hokkaido, Chiba hay Ibaraki…
Điều đó làm cho thực khách hoàn toàn an tâm. Quả thật, môi trường pháp luật và đạo đức ở Nhật Bản, không có chỗ cho làm ăn gian dối. Chính vì cách làm như thế này mà bộ máy kiểm sát thực phẩm của họ rất gọn nhẹ, trong Bộ Y tế, Lao động và An sinh (MHLW) của Nhật Bản có Cục An toàn Thực phẩm với trách nhiệm nghiên cứu ban hành chính sách, tiêu chuẩn thực phẩm và qui trình đánh giá.
Từ làng quê đến thành phố đều có thanh tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, bộ phận thanh tra này không đi xem xét, soi mói thị trường mà khi nào có xuất hiện các ca ngộ độc thực phẩm hay có dư luận phản ánh thì họ mới hành động.
Trước năm 2020, mỗi năm Việt Nam có tỷ lệ người chết vì ung thư cao nhiều lần người tử vong trong các tai nạn giao thông. Trong khi tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông ngày càng giảm thì số vụ ung thư mới và số người chết vì ung thư lại gia tăng. Nguyên nhân dẫn đến ung thư có thể từ nhiều thứ như thuốc lá, nước uống nhiễm hoá chất, ô nhiễm môi trường. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là những thứ thức ăn hàng ngày.
Việt Nam đang ra sức kiểm soát thực phẩm ở đầu vào. Cử người xuống tận ruộng trồng rau, lội xuống ao nuôi cá, hai giờ sáng lọ mọ đến lò mổ heo, đi đến xưởng chế biến tôm cua, hàng ngày cử người đến các cửa ngõ thành phố chặn bắt các xe chở thực phẩm bẩn xâm nhập vào thành phố.
Một đất nước có đầy đủ các bộ, ngành, cục, vụ được giao nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.Cùng với quyền lực là các loại trang thiết bị hiện đại, mà không hiểu sao người dân bị bao vây tứ phía bởi các loại thực phẩm bẩn.Có loại từ biên giới tràn về, có loại từ ruộng rẫy, có loại từ trong các nhà máy có nhãn mác hẳn hoi.
Đã đến lúc, các cơ quan công quyền của Việt Nam cần xem lại cách kiểm soát thực phẩm như đang làm liệu có ổn không. TP.HCM rộng lớn, lấy đâu ra đủ người chốt chặn 24/24 ở các cửa ngõ thành phố để kiểm soát thịt heo, gà vịt, trứng, hơn nữa mỗi ngày có hàng trăm nghìn chuyến xe tải xuôi ngược Bắc – Nam làm sao mà kiểm sát hết được. Thỉnh thoảng phát hiện được vài ba vụ nội tạng thối, mỡ bẩn chỉ là ngẫu nhiên hay theo tố giác. Một bộ máy cồng kềnh, nhiều ban bệ, tầng nấc, hàng năm tiêu tốn không biết bao nhiêu là ngân sách của nhà nước, tiền thuế của dân nhưng hiệu quả không cao, bức tranh thực phẩm không sáng lên được bao nhiêu. Mặc dù luật pháp Việt Nam cũng có đầy đủ các qui định chế tài, thậm chi mức phạt tù lên tới 20 năm, nhưng chưa có ai sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn nhận mức án này.
Thực thi luật pháp nghiêm minh, kiên quyết xử lý đầu ra là cách mà thiên hạ sử dụng thành công, chúng ta nên học tập.Nếu cứ kéo dài tình trạng người Việt tự hãm hại nhau như thế này thì hậu quả sẽ là những thế hệ ốm yếu, què quặt.
7 bộ luật chính về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Nhật Bản
Luật cơ bản về an toàn thực phẩm: đặt ra các nguyên tắc xây dựng khuôn khổ về an toàn thực phẩm và vai trò của Ủy ban an toàn thực phẩm quốc gia (FSC) – cơ quan đánh giá về các rủi ro liên quan đến thực
Luật vệ sinh thực phẩm: thuộc quyền hạn của Bộ Y tế, Lao động và An sinh (MHLW) – cơ quan quản lý các rủi ro về thực phẩm liên quan vệ sinh và an toàn của thực phẩm, nước giải khát. Cơ quan này định ra các quy chuẩn và quy định đối với thực phẩm, nước giải khát, dụng cụ chế biến và vật dụng đựng thực phẩm hay bao bì đóng gói, chất phụ gia, chất gây ngộ độc và dư lượng hóa chất nông nghiệp và nghiêm cấm việc mua bán, nhập khẩu các loại thực phẩm có chất gây hại.
Luật khuyến khích bảo vệ sức khỏe: cũng thuộc thẩm quyền của MHLW, đưa ra các hướng dẫn và biện pháp thực hiện để nâng cao sức khỏe toàn dân. Một trong các biện pháp là tăng cường việc quản lý dinh dưỡng thực phẩm, với hệ thống đánh giá và dán nhãn hiệu “thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt” cho những nhóm khác nhau như trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ có thai, người đang bệnh…
Luật tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản: thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông lâm ngư nghiệp (MAFF) với hệ thống bảo đảm chất lượng cho các mặt hàng thực phẩm và đồ uống (trừ rượu ra) và sản phẩm lâm nghiệp. Các bộ tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản (JAS) hay thực phẩm hữu cơ Nhật Bản (JAS Organic) do Bộ này xây dựng.
Luật bảo vệ cây trồng và Luật kiểm soát bệnh truyền nhiễm trên động vật trong nước: đều thuộc thẩm quyền của MAFF. Đây là cơ quan bảo vệ và ngăn ngừa bệnh tật ở động thực vật trong nước và nhập khẩu.
Luật nhãn hiệu thực phẩm: Cơ quan các vấn đề người tiêu dùng định ra các tiêu chuẩn về nhãn hiệu như quốc gia xuất xứ, chất gây dị ứng, ngày hết hạn, thực phẩm chức năng. Song Hảo (theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ – USDA)
TS Nguyễn Minh Hòa (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này