10:37 - 02/12/2022
Paris, trở lại Monparnasse
“Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông Paris suốt đời làm chia ly”, tôi thấm bài này từ khi còn nhí vì rất thường nghe bố mẹ, cô chú dì ngân nga bên cái radio đặt ở phòng khách hồi những năm 60.
“Paris có gì lạ không em, mai anh về em có còn ngoan” là bài hát tôi nghe từ thập niên ’80. Từ đó, mùa đông 1998 đến nay, cứ có dịp bay xa là tôi ưu tiên chọn Paris.
Đến Paris, hãy chọn Montparnasse
Đã rất nhiều lần, sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Charles de Gaulle, tôi mua vé xe Cars Air France để vào Paris, lấy phòng trọ trong khu Montparnasse. Chọn nơi đây vì nhiều lý do, trong đó có: điểm tập trung các phương tiện vận chuyển, cuộc sống nhộn nhịp, nhiều chọn lựa ăn uống, mua sắm, giải trí với giá vừa túi tiền…
Trạm xe của hãng hàng không Pháp nằm đối diện khách sạn sang Pullman, cùng một bên đường của ga tàu Montparnasse. Từ sáng sớm đến khuya, nhà ga luôn tất bật với vô số các đoàn tàu cao tốc tỏa đi những thành phố ở miền tây và tây-nam của nước Pháp. Và đối diện nhà ga là trạm xe buýt với đủ các tuyến đường đi đến mọi địa chỉ khắp Paris. Gần trạm xe buýt còn là điểm dừng đón khách của những chiếc xe buýt hai tầng, loại “hop-on, hop-off” mà du khách quốc tế sử dụng để lần lượt tham quan những danh thắng.
Từ nhà ga đi thẳng ra chừng 3 phút bạn đã thấy mình đứng ở một trong những “cột mốc” nổi tiếng của Paris, tháp Montparnasse, tòa nhà cao nhất Paris (210m, 59 tầng) từ đầu thập niên 1970 đến nay. Dùng thang máy vọt nhanh chỉ sau 38 giây đã lên đến tầng 56 của Tour Montparnasse để ngắm toàn cảnh Paris tỏa sáng trong màn đêm, thấy tháp Eiffel nhấp nháy liên hồi rồi sau đó vào ăn tối ở một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất Kinh thành Ánh sáng.
Ở chân tòa tháp màu nâu đen khiến cư dân Paris ngày nay cảm thấy ngượng này – họ chê nó xấu xí – là không gian dành cho những du khách thích mua sắm, từ Galeries Lafayette qua CA đến Monoprix và vô số những cửa hàng gắn đủ các bảng hiệu. Ở đó bán từ vang, pho-mát, chocolat đến nước hoa, mỹ phẩm, giày dép, quần áo thời trang, va-li…
Không gian rộng thoáng nằm giữa nhà ga và Tour Montparnasse thường là nơi tổ chức các lễ hội ẩm thực, hội chợ, nơi bạn có thể chọn mua được những áo quần thời trang chất lượng tốt với giá rẻ bất ngờ (vì sớm bị đề-mốt-đê) so với phong cách thời trang đang thịnh hành hoặc mua được những đặc sản của nhiều vùng miền khắp lãnh thổ Pháp.
Lâu nay, nghĩa trang nổi tiếng Père Lachaise nằm trong sách những địa chỉ phải viếng thăm của rất nhiều du khách khi đến Paris, nhưng họ quên rằng nghĩa trang Montparnasse, ở số 3 đại lộ Quinet là nơi có mộ triết gia Jean-Paul Sartre. Khi còn sống, ông là một cư dân của khu Montparnasse, mộ của ông ta sát cạnh mộ của Simone de Beauvoir. Nghĩa trang Montparnasse, nhỏ hơn nghĩa trang Père Lachaise, nhưng còn là nơi chôn cất các nhà văn Guy de Maupassant, Marguerite Duras, các nhà thơ Charles Baudelaire, Robert Desnos, Samuel Beckett, tài tử Philippe Noiret, nhạc sĩ/ca sĩ Serge Gainsbourg, nữ nghệ sĩ thiết kế thời trang Sonia Rykiel.
Xin biết rằng nam danh ca Christophe qua đời hồi tháng 4.2020 cũng từng là cư dân lâu đời của Montparnasse. Vâng Montparnasse chính là cục nam châm thu hút các văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ, triết gia… từ sau Thế chiến I mãi đến ngày nay. Không chỉ những danh nhân Pháp như Proust, Prévert, Sartre… mà còn là tài hoa Mỹ Josephine Baker, Henri Miller, F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway và Tây Ban Nha như Pablo Picasso…
Gần đây, du khách thăm Montparnasse còn có thêm một chọn lựa thú vị nhưng không kém phần kinh hoàng là chui xuống lòng đất lúc hoàng hôn để lọ mọ xem đếm số sáu triệu bộ xương người có xuất xứ từ cuối thế kỷ 18.Điểm khởi đầu khám phá khu hầm mộ catacombes này nằm ở số 1 đại lộ Colonel Henri Rol-Tanguy.
Khi màn đêm buông xuống, Montparnasse bừng tỉnh mãnh liệt. Thực khách ngồi trong, ngoài (dành cho những ai hút thuốc) ở đủ loại nhà hàng, kể cả nhà hàng thức ăn Hoa, thức ăn Việt, thức ăn Ấn, Thái, Nhật, Hàn, Lebanon… Bạn có nhiều chọn lựa giải trí về đêm, xem phim ở một trong số 4, 5 cụm rạp – trong đó có Bretagne là một trong những cụm rạp chiếu phim lớn nhất Paris – hoặc xem kịch hoặc vào casino.
Nếu như số 91 là ngôi thánh đường Notre-Dame-des-Champs thì số 99 là nhà hàng bia rượu Le Select đã mở cửa từ năm 1923; số 102 cũng là một địa điểm ăn uống cực kỳ nổi tiếng. Đó là La Coupole, đón khách từ năm 1927 nhưng toàn là khách nổi danh toàn thế giới, gồm Louis Aragon, Picasso, Foujita, Radiguet. Kế đó là La Rotonde, số 105, mở cửa từ năm 1911, nơi mà Jean Cocteau đã kết thân với Picasso; số 108 là Le Dôme, khai trương từ năm 1897 và là điểm giải khát hàng ngày của những nhân vật lịch sử như Lénine, Trotzky, Hemingway, Man Ray, Henry Miller, André Breton, Samuel Beckett… Rồi số 171 là La Closerie des Lilas, rót vang và bia cho khách từ năm 1903, trong đó có cả Hemingway, Fitzgerald, James Joyce, Dos Passos.
Có lẽ vì đã là nơi hội tụ nhiều nhà văn, nhà thơ nên ngày nay cũng trên đại lộ Montparnasse này, bạn nhận thấy có cửa hàng sách gắn bảng hiệu “Mona Lisait” (Nàng Mona đọc sách, thay vì Mona Lisa như trang của Leonardo De Vinci.
Khách sạn ngàn sao ở Montparnasse
6 giờ sáng một ngày đầu hè 2019, tôi có mặt trong phòng chờ của Gare Montparnasse, trung tâm của khu phố cùng tên luôn đông người qua lại, điểm đến đi, trung chuyển của hàng triệu khách lữ hành khi đặt chân đến Paris, từ thời xa xưa đến hôm nay. Trước mắt tôi là một hành khách nam khoảng 75 tuổi gục người nghiêng ngả trên ghế, quá mệt mỏi sau một đêm không ngủ, lang thang loanh quanh nhà ga! Vì máy bay đến quá trễ khiến ông lỡ chuyến TGV cuối cùng. Ông đành một lần qua đêm dưới khách sạn ngàn sao, lúc trên băng ghế trạm xe buýt, lúc co ro dưới mái hiên hẹp của toà nhà chung cư, không một khách sạn nào còn phòng trống dù giá 250, 350 euro/đêm!
Nhà ga cũng không còn thói quen mở cửa phòng chờ cho khách nhỡ đường, tốp nhân viên an ninh với súng ngắn bên hông, tiểu liên lủng lẳng trước ngực cùng hai con chó cảnh sát đã đuổi mọi người ra khỏi ga lúc kim đồng hồ chỉ 12g đêm. Thông cảm nhe, thời IS khủng bố và Áo vàng làm loạn mà.
Tôi biết rõ như thế vì cùng hoàn cảnh như vị lữ khách lớn tuổi ấy. Lần đầu tiên sau 24 lần ghé thăm Kinh thành Ánh sáng tôi thực sự biết được thế nào là Paris sáng mắt thâu đêm! Nhưng may quá không sao cả, không bị móc túi cũng chẳng bị trấn lột, chỉ là một cục đá cản lối trên bước đường du hành. Ngay buổi chiều, cũng trong khu Montparnasse ấy, tôi đã lại lâng lâng bên ly champagne và tin rằng ông già lữ hành ngủ gục trên ghế buổi bình minh cũng đã về với gia đình bình an, đang uống ly vin rouge (vang đỏ)!
Ly champagne rót gần tràn là hành động hào phóng tỏ vẻ ân cần của anh phục vụ đã quen nhẵn mặt ông khách Việt đến từ “SAY-GONG” không bao giờ quên gửi anh ta ít tiền “boa”. Ly bia cũng được ưu ái rót “à ras bord” (tới miệng ly) . Cái khoanh sườn heo rôti to bà cố và tô khoai tây “sốt tê bơ” thơm phức kèm thêm bánh mì không bao giờ vắng mặt trên bàn ăn Pháp. Gọi là no ứ hự!
Đó kỷ niệm về Paris gần đây nhất. Hôm sau lên máy bay Air France bay vèo về Saigon và bị neo chân đến nay do Covid. Hai năm qua tôi chưa trở lại Paris nên cũng muốn hát “Paris có gì lạ không em?”.
Bài và ảnh P. Nguyễn Dũng (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Nữ đầu bếp đặt mục tiêu đưa ẩm thực Việt đến khắp UAE
Bữa sáng Sài Gòn xưa ở Hao Coffee
18 cây cầu hiểm trở
Du xuân theo đất trời và hội hè
Lên ải bắc, tịnh lòng ở chùa, động khẩu ở chợ
Tags:monparnasseparis
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này