
10:00 - 08/02/2022
Mồng gà ba bữa Tết
Ba bữa Tết bạn thích chậu mồng gà. Tui cũng vậy, nhưng với tui là hũ mồng gà. Câu chuyện bắt đầu là từ chỗ cù lao Long Hựu…

Một bến ghe lưới “đáy chạy” trên sông Soài Rạp, đoạn xã Tân Lập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ảnh: Tấn Tới.
Anh biết ăn mắm cá mồng gà hôn? Bà già em làm nè! Thơm động trời ông ơi!”, một người bạn bên cù lao Long Hựu, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, gọi điện rủ rê. Hơn 20 năm rồi, tôi mới được ăn lại một bữa mắm sống cá mồng gà cuốn hút đến vậy.
Mắm sống mà tình chín…
Thịt mắm mềm dẻo, đầy đặn khác thường. Đặc biệt hơn, dù cắn mạnh hay nhẹ vào, lưỡi ta không hề bị cộm xương. Mặc dù, trông thấy rõ những cọng xương trắng bạc, nhỏ bằng cọng chỉ đang nhú ra, đều đặn tựa hình răng lược phía dưới bụng cá.
Chợt nghe chua – mặn giao hòa. Lại nổi lên chất ngọt thanh đặc trưng, của đạm cá tươi quyện với chút bùi bùi từ bột thính. Sao mà nghe êm ái lạ, như bất chợt hứng luồng gió mát ập tới giữa buổi trưa hè nóng nực. Cắn nhanh nửa trái ớt hiểm xanh kêu cái bụp, bỗng nghe tròn vị đến lạ lùng!
Bởi không tanh ngầm như mắm cá linh, cá chốt nên chén mắm mặn cá mồng gà có thể mang ra ăn sống ngay. Nhanh gọn là, giã ít tỏi ớt trộn vào; với nêm chanh, đường cho vừa miệng, rồi dùng đũa xóc đều. Cặp thêm mớ rau vườn, rau dại chủ vị: chát – đắng – chua, như: khế chua, chuối chát, rau đắng biển… Khoái khẩu vô cùng.
Dụng công hơn, người ta trộn mắm cá mồng gà (mặn) với mớ đu đủ gần hườm bào sợi, gia vị ít: tỏi ớt giã, đường; tiếp tục ủ chua thêm một – hai hôm nữa. Nhanh tay giở hũ mắm trộn ra. Cha mẹ ơi! Nó chua thơm “ác chiến” đến độ không kiềm được nước bọt!
Ăn kèm với bún tươi, thịt ba rọi heo luộc, độn thêm nhúm xà lách, dấp cá, húng chanh…, chan nước mắm chua ngọt. Buông đũa còn thèm! Và, vừa “xơi” mắm ngon vừa nghe chuyện đời mắm còn thú vị nào bằng.
Mắm chèo, mắm gánh…
Liếc nhìn mấy con mắm ửng hồng, vương đầy bụi thính, chao nghiêng – sấp ngửa trong hũ, ông Sáu Nên, thổ địa ở đây chớp mắt nói nhanh: “Cử này vừa ngon nè! Hàng “ba lài” (1) nhận mắm là nhứt xứ rồi!”. Gần 30 năm trước, “nghèo sặc máu” cũng nhờ con mắm mồng gà gánh gồng chi phí mọi thứ, cho cả nhà ông Sáu bốn miệng ăn. “Hồi đó, khổ lắm! Mỗi tháng vợ chồng tôi bán ra năm, bảy trăm ký là chuyện bình thường.”, ông Sáu chớp chớp mắt kể. Giá sỉ, cỡ 6.500 – 7.000 đồng/kg. Bán lẻ đong bằng chén sành. Ai mua nhiêu bán nhiêu.
Mùa mưa dầm, đường đất ngập sình lầy, trơn như bôi mỡ bò. Dù vậy, vợ chồng ông vẫn phải bạo gan chống – chèo ghe đi bán sỉ mắm cá mồng gà, quanh cù lao Long Hựu, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Và họ còn tranh thủ gánh gồng đi bán lẻ, bên xã giáp ranh Tân Tập, huyện Cần Giuộc, cùng tỉnh. “Mà ngộ lắm! Mưa trút tới tấp – thúi đất thúi cát – tui bán mắm càng “chạy” à nghe! Có lẽ, mùa mưa đụng với mùa rau mà!”, ông Sáu cười buồn kể.
Lạnh, dễ khiến không ít người… tương tư mắm. Đã có mắm thì không thể vắng rau, gặp “hội đoàn” rau dại càng trân quý.
Đã thèm “mắm kho – rau dại”
Đương nhiên, khi đó, mỗi tâm hồn dân “đạo mắm” đều dậy lên một món mắm hợp gu, để tha hồ vồn vã, hân hoan. Trong đó, nhắc đến nồi mắm kho bát ngát thơm, luôn có nhiều cái lưỡi hảo mắm miệt sông nước Tây Nam bộ líu lo đồng thuận. Với lại, mùi vị muỗng nước mắm kho từ cốt mắm cá mồng gà pha với nhúm mắm cá vụn nước lợ (cá tốp, cá đù, cá chai…) vẫn giữ thanh sắc riêng. Nước mắm hơi ngả màu trắng đục, chứ không vàng nâu như giọt lẩu mắm nấu từ nhóm mắm cá: linh, chốt, sặt. Hậu vị mắm chua thanh và béo nhẹ. Dường như, nồng nàn hương gió biển hơn! Khác nồi lẩu vùng nước ngọt phù sa miệt Châu Đốc, Cần Thơ…
Đồng thời, ‘đội’ rau ăn kèm cũng linh động hơn, trong mùa mưa. Toàn nhóm rau vườn – đọt dại mọc quanh rào hay ven rẫy gần nhà gia chủ hoặc xóm giềng. Như càng cua, má sẻ, đọt me, đọt ráng… Nhờ chúng mà vị giác người ăn mắm thêm thanh tân, bắt bén.
Đặc biệt, vùng Gò Công Đông, Tiền Giang có hai loại rau rất hạp mắm. Đó là, đọt cây keo thối và khóm cải lủi. Cây keo dạng gỗ tạp, thường mọc dại hoặc trồng ven hàng rào quanh nhà. Tư vị đọt rau màu xanh dương, lá gần giống đọt lim này, vừa hăng dịu vừa bùi bùi, rất hạp với nước mắm kho cá mồng gà.
Còn lá cải lủi hình răng cưa, có vô số lông tơ li ti mọc theo gân và mép lá. Nó ưa quặt quà quặt quại gần sát mặt đất, chứ không chịu đứng thẳng. Phần bẹ lá gần thân cây, nổi rõ những đốm màu đỏ tía. Ăn sống, lá rất giòn và tiết ra nhiều chất nhầy tựa như ở đậu bắp. Ấn tượng nhất là, mùi tinh dầu bạc hà thoang thoảng…
Nay ông Sáu Nên đã chuyển sang nghề làm cá khô một nắng các loại (dứa nuôi, lóc, sặt…). Chỉ còn bà Ba Phi, chị ruột ông, ở gần đó, giữ nghề ủ mắm cá mồng gà. Giá lẻ hiện nay là 60.000 đồng/kg.
Thêm tin buồn về con cá này. Anh Phạm Hoàng Lê, con bà Ba Phi, làm nghề “đóng đáy chạy” (2) trên sông Soài Rạp và Vàm Cỏ Đông cho hay, năm nay thất mùa cá mồng gà. Mỗi ngày anh đánh bắt được 2 – 3 ký cá mồng gà. Nhưng năm rồi lại trúng đậm. Có bữa, anh Lê trúng đến 700 ký cá này. “Năm sau có thể còn thất hơn. Vì tui không thấy đám mồng gà con cỡ đầu đũa, chui ra lưới như mọi năm, từ cuối tháng ba âm lịch”, anh Lê dự đoán. Chính vụ cá mồng gà ở đây, từ đầu tháng năm đến giữa tháng sáu âm lịch.
Tuy vậy, một số đồng nghiệp miền Tây cho biết, họ vẫn còn gặp vài lò ủ mắm cá mồng gà mặn ngon ở Bạc Liêu và Cà Mau. Cụ thể, ở ấp Cái Cùng, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Bạc Liêu và tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.
Mừng húm!
Tấn Tới (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Công chúa ngủ trong rừng
Heo giả chồn và ẩm thực thời thứ gì cũng giả
Những gương mặt Tây Đô
Món ăn Việt vào Top 50 món ăn nhẹ hấp dẫn nhất thế giới
Thuỵ Sĩ hấp dẫn với sô-cô-la, phô-mai và vang
Tags:Mồng gà ba bữa tết
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này