16:33 - 08/07/2018
Vịt xiêm đút lò ăn với xôi gấc
Hôm họp mặt CLB Bếp ngon Phương Nam kỳ đầu tháng 6, trong hệ sinh thái ẩm thực, món vịt xiêm đút lò, món ruột của quán Nhi ở Ô Môn “se duyên” ăn với món xôi gấc hạt chia của quán Ven Sông gần bệnh viện Phụ sản, Cần Thơ. Đúng là song tuyệt!
Vịt xiêm và trái gấc là hai thứ có lý lịch tốt. Cực tốt là khác.
Tưởng cũng nên nói sơ về lý lịch con vịt xiêm sẽ lợi trí cho dân thành phố khi ăn thịt chúng, tuy rằng dân quê phần nhiều đã biết tỏng. Vịt xiêm có đặc tính là không béo phì như dân Mỹ mà ông tổng thống đang lo sợ người dân nhập cư ốm pha trộn làm mất đi bản sắc thù lù của họ. Thịt dai, không mỡ màng.
Vịt xiêm nhà hiện nay có thuỷ tổ là vịt xiêm hoang dã sống ở bên xứ ôn đới Mexico, Trung và Nam Mỹ. Được thuần hoá thời tiền Kha Luân Bố, vịt xiêm hoang dã con đực nặng đến 7 – 8kg, bay được những quãng ngắn. Vịt ở xứ Việt con cồ nuôi thả vườn chỉ nặng chừng 4 – 5kg khi đúng độ mần thịt. Con mái khổ một nỗi là thuộc típ “gái” mà ông Trần Tiến cho là lý tưởng – “nhỏ xíu”, chỉ nặng bằng xấp xỉ
một nửa con cồ.
Vịt xiêm dân Tây Ban Nha còn gọi là vịt câm (pato mudo) vì tiếng của chúng, con cồ chỉ kêu giọng mũi khàn, con mái tiếng gù nhỏ. Nên công thức “một con vịt và hai người đàn bà sẽ thành cái chợ” không còn đúng nếu trong trường hợp con vịt ấy là vịt xiêm, hoặc cùng lắm chỉ là chợ xổm.
Khác với cá leo, thường thích leo lên ruộng ân ái khi nước tràn đồng cũng giống như loài người leo lên cầu cởi áo cho nhau, vịt xiêm làm tình cả trên bờ hoặc dưới nước. Phải nói chuyện này chúng còn cừ hơn cả thuỷ quân lục chiến, vì thuỷ bộ gì cũng đánh ráo.Làm tình dưới nước, con mái sẽ bị nhấn chìm dưới nước chỉ còn nổi bên trên con cồ. Sách vở bảo “thằng nhỏ” của con cồ dài đến 20cm, thường “ngủ đông” ở dạng xoắn ốc nên ta khó thấy. Có sách còn bảo của quý ấy tiếp tục tăng trưởng sau khi con vật đã trưởng thành. Kiểu này sư phụ dê phải lấy nón.
Bà chủ quán Nhi từng bảo vịt xiêm đút lò là món không thể thiếu trong các đám giỗ bực trung ở miền Tây. Đương nhiên đây là loại vịt xiêm thả vườn, không cho ăn thức ăn công nghiệp, tự kiếm ăn, nên phẩm thịt đã vào hạng hữu cơ rồi. Và trong món này, con cồ thường có cơ hội lên mâm nhờ chúng nhiều thịt. Bà Nhi đi ăn đám giỗ, thấy dọn món đó, bèn học lóm và chôm về thực đơn của nhà hàng. Để thực hiện món đút lò này, bà từng bê nguyên cái lò có con vịt ra demo thị phạm cho chúng tôi. Người dân miền Tây dùng một cái nồi gang lớn – chắc chỉ thường dùng vào đám giỗ chạp – để làm chín con vịt sau khi đã tẩm ướp theo một công thức “gia truyền”. Nhiệt được tạo ra từ cả phía dưới trong lò và than hồng bỏ phía trên nắp nồi. Con vịt chín kiểu này giữ lại nhiều nước và hương vị. Kỹ hơn, người nấu còn chịu khó canh thời gian để trở con vịt. Nước từ con vịt tươm ra trong nồi được dùng làm luôn món xốt – lấy nước nó chấm nó. Thịt vịt xiêm so với thịt vịt cỏ – chớ siêu thịt coi như hỏng bét – như người đời quen nói phượng so với gà. Chớ còn từ nhỏ cho đến tuổi bất hoặc đã lâu, tôi chưa được ăn miếng phượng nào. Thịt vịt xiêm ngon, nhưng nếu bạn là người ái danh, thí dụ thích người con gái tên Phượng, thì bạn có thể bỏ qua những khuyết điểm ít nhiều của cơ thể, mặt mũi của nàng mà yêu Phượng. Nhưng trường hợp ái danh này sẽ làm cho bạn thấy kém ngon đối với thịt… ngan bướu mũi, tức là con vịt xiêm. Còn nếu nghĩ rằng Tây kêu vịt xiêm là vịt Mạc Tư Khoa (Muscovy duck) – một nơi chốn đáng yêu, thời sẽ thấy ngon hơn.
Còn trái gấc, mấy thời gian gần đây, có lẽ nó đang rơi dần vào dã tâm của những kẻ kinh doanh lòng tin của những người có bệnh vái tứ phương – bọn buôn thực phẩm chức năng.Người ta bắt đầu xưng tụng đủ thứ ích lợi y khoa của thứ trái vốn lâu nay chỉ trồng để lấy màu làm cho bắt mắt và bắt lưỡi món xôi.Tuy màu đỏ của gấc chứng tỏ nó giàu vitamin A, nhưng tác dụng cụ thể và kinh tế chưa có nghiên cứu nào đáng nói. Mới đây có tờ báo còn cả gan nói: “Trong quả gấc còn chứa chất có thể tiêu diệt 85 – 90% tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư da”. Chúa ơi! Tây bị chết vì ung thư da nhiều lắm mà không biết đến thứ trái cứu tinh mà bên xứ họ không có, nên gọi tên chúng là “mít hài nhi” vì thấy giống trái mít bé. Thực ra, món xôi gấc nấu với hạt “chia” ngon, ăn với vịt xiêm đút lò càng ngon hơn, biết rằng “em xinh em đứng một mình cũng xinh”.
bài, ảnh Ngữ Yên (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này