21:27 - 07/04/2019
Medan – ở vội nhưng nhớ lâu
Là thành phố cảng cửa ngõ chính ra vô đảo lớn Sumatra, Medan ít được nhắc trong các diễn đàn du lịch.
Trước kia thì vẫn thi thoảng, khi tuyến phà biển nối với Penang danh tiếng còn hoạt động. Giờ đã là chuyến phà dĩ vãng, không phải vì xây cầu mà dẹp phà như Mỹ Thuận, Cần Thơ mình nhưng do hàng không giá rẻ bùng nổ.
May sao, tôi từng sật sừ trên con phà đó trong chuyến lang bạt không bay chim sắt, chỉ đường bộ, thuỷ, từ Sài Gòn đến tận Bali, Indonesia. Hành trình giờ sẽ không ai làm được – đương nhiên, vì đâu thể đi phà từ Penang qua Medan. Sật sừ, suýt say sóng, do biển động và đêm chia tay Penang nồng nàn tràn trề. Nói nào ngay Medan không phải đích chính, mà đại ngàn Gunung Leuser với tinh tinh lông đỏ Oranutang nổi tiếng, hồ Toba lừng danh… Nên lướt nhanh.Dù vậy, vẫn mến thương phố yên, bạn mới thân thiện. Và vấn vương mãi thức ngon, món lạ mà tín đồ đi hoang may mắn được chạm đũa, nhờ sự giúp đỡ của các bạn trẻ nhiệt tình.
Phố cảng đa sắc nhưng bình yên lạ
Từ làng chài nhỏ, giờ là thành phố đông dân thứ ba Indonesia, dân số Medan chỉ đâu đó gấp ba Gò Vấp mình – khoảng 2 triệu. Thuộc về vương triều Aru hùng cứ miền đông bắc Sumatra từ TK 13 – TK 16, rất may mắn sự phát triển của làng chài thành đô thị được ghi chép kỹ, do liên quan tới sự du nhập Muslim giáo vào đây, ngày 1/7/1590. Tuy nhiên khác với miền Aceh cực bắc Sumatra nơi Muslim gia nhập vào Indonesia đầu tiên, tôn giáo ở đây không quá nghiêm ngặt. Ví dụ như trong đêm đầu tới Medan, có đến năm loại bia khác nhau được tôi “dùng thử”, mà bữa tới Banda Aceh, cố tìm mỏi mắt hổng thấy, mà cũng chẳng dám hỏi ai!
Nằm bên eo Malacca tàu bè ngược xuôi nhộn nhịp, nhiều dòng sông ngang phố trước khi ra đại dương, thuận tiện thuyền ghe đậu bến, xuống lên miền thượng… nên đất lành chim đậu, Medan đa dạng chủng tộc. Ngoài các thánh đường Muslim như Mesjid Raya Al Mashun… là đền Hindu của người Tamil ở Kampung Keling, giáo đường Thiên Chúa đậm chất bản địa, rực rỡ sắc Graha Maria Annai Velangkanni… Và ít ai biết, chùa Phật lớn nhất nhì quốc đảo Muslim giáo này nằm ở Medan, Vihara Maha Maitreya… Phố phường, bên cạnh vài dãy từ thời người Hà Lan đô hộ là các căn nhà, công trình đậm đà nét địa phương. Là con dân Việt lang thang qua đó, tôi không thể không nhắc đến các căn nhà mái sừng trâu thanh thoát của người Minangkabau. Nhóm dân mà nhiều chứng cớ, cũng như nhiều nhà khoa học cho rằng là hậu duệ của Hai Bà dong thuyền bỏ xứ ra đi từ sau chiến bại mùa xuân năm 43 bi tráng xưa, đã cập đến bến mới bên Nam Đảo.
Tuy nhiên, cái lạ của phố là rất bình yên và đi ngủ sớm. Ban ngày, không quá ồn ã xe cộ. Chiều chưa đi phố đã vắng tênh, chỉ đỏ đèn vui ở hàng quán lề đường và vài góc phố sực nức hương, vị. Thứ đã lôi xồng xộc tôi ra khỏi quán internet, cùng với các bạn trẻ nhiệt tình mới quen ở trỏng.
Lướt nhanh vẫn không thể sót hương ngọt vị ngon
Nhiều sách web dù chỉ nói sơ sài Medan là điểm trung chuyển nhưng luôn xiển dương ẩm thực.Mà tôi thấy đúng thiệt. Lạ là dù nhiều Hoa kiều, đồ ăn Tàu không chiếm ưu thế, mà là các món đậm sắc bản địa. Các món Âu Mỹ cũng có, nhưng ở đâu chẳng có, nên tôi chỉ chăm chắm món ngon địa phương.
Tỷ như món mang tên phố Soto Medan (soto hay coto là xúp, canh) ngon, hợp với tôi nhất trong danh sách dài ngoẵng Coto Makassar, Soto Bandung… từng nhúng lưỡi. Nhiều gia vị, thảo mộc, như riềng, nghệ, gừng, hành, ngò, tiêu, ớt… trong nước cốt dừa sóng sánh. Nhưng không nồng mùi cà ri mà rất thơm hương lá chúc (chanh sả), na ná cà ri vàng bên Thái – khác và thanh hơn cà ri xanh, cà ri đỏ xứ đó khi không dùng mắm tôm. Có lá vị lạ, hỏi mới biết là lá salam– sắn thuyền, như lá giang nhưng thêm vị chát. Chủ yếu nấu với gà, dù có biến tấu với bò.Tinh tế ở chỗ thịt thà vớt ra khi chín tới.Không nhừ, giữ được hương vị riêng.Xé nhỏ, có thể chiên hay không rồi mới cho vô khi ăn.Nhiều công đoạn, nhưng rất đáng đồng tiền bát gạo.
Ăn theo thời sự cà phê trứng ở cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều, nhưng thực tế là để tranh thủ ca món TST (Teh Susu Telur tiếng Indonesia, Tea Milk Egg trong tiếng Anh) phổ biến từ rất lâu ở Medan. Giông giống, thay cà phê là nước trà bỏng rẫy cho vô lòng đỏ trứng đã đánh bông với sữa đặc có đường. Béo, thơm, ấm sực ngọt ngon. Ít caffeine nên có thể uống từ sáng đến tối không sợ mất ngủ, rất được già trẻ lớn bé yêu thích. Còn nhiều món ngon thức lạ khác, mà nếu du khách “tốt bụng” thì chỉ cần níu áo các bạn trẻ cười nói hỏi han là được chỉ vẽ nhiệt tình, có khi còn được dẫn tới quán, dắt vô tận bàn. Nên làm sao có thể quên những vị, hương Medan.
Hôm sau, tôi rời Medan đi tìm rừng già Gunung Leuser.Vẫn còn tái ngộ Medan hai lần nữa, nhưng “gặp nhau lần nào cũng vội”. Bữa từ Lawang về vội vã lên xe đêm đi Banda Aceh. Hôm từ miền động đất, sóng thần quay lại thì tất bật ra bến kiếm chuyến đi Toba. Lần nào cũng lướt, nhưng khó có thể quên Medan yên ả vấn vương hương. Giờ không còn dập dềnh phà đến thăm nhưng nhiều hãng bay giá rẻ ghé đến, nên có lẽ sẽ không xa lắm một lần quay lại với Medan.
Thái Hoãn (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này