
12:30 - 17/12/2019
Mỹ có thể siết chặt thương mại với Thái Lan vì lệnh cấm thuốc trừ cỏ
Thái Lan đã đình chỉ và tiến tới cấm sử dụng ba hóa chất nông nghiệp của Mỹ vì lo ngại an toàn.

Nông dân đang phun thuốc trừ cỏ trên một cánh đồng lúa ở tỉnh Nakhon Sawan, phía bắc Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters.
Các hóa chất bị nghi vấn gồm thuốc trừ sâu chlorpyrifos và hai loại thuốc diệt cỏ paraquat và glyphosate, còn được gọi là Roundup. Thái Lan không phải là quốc gia duy nhất quan tâm đến ba loại hóa chất này. Liên minh châu Âu đã cấm paraquat, vì việc tiếp xúc với nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe mãn tính. Việt Nam và Malaysia dự kiến sẽ cấm vào ngày 1/1/2020.
Trong khi Roundup phải đối mặt với hàng ngàn nguyên đơn tại chính nước Mỹ thì nhà sản xuất Bayer của Đức khẳng định nó an toàn, và Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đồng ý với khẳng định này. Tuy nhiên, cơ quan nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới đã phát hiện ra nó có khả năng gây ung thư vào năm 2015.
Dù thế nào, khi Ủy ban các chất độc hại quốc gia Thái Lan bỏ phiếu vào tháng 10/2019 để cấm ba loại hóa chất có hiệu lực từ ngày 1/12, nó đã đặt Bangkok vào một cuộc xung đột với Washington.
Vài ngày sau cuộc bỏ phiếu của Ủy ban các chất độc hại Thái Lan, Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã tuyên bố đình chỉ miễn thuế đối với hàng xuất khẩu của Thái Lan sang Mỹ theo Hệ thống Ưu tiên Tổng quát, hay GSP. Xe máy và các sản phẩm thủy sản là những mặt hàng nhạy cảm nằm trong số 573 mặt hàng bị áp thuế từ ngày 25/4/2020.
USTR đã quy kết Thái Lan vì điều kiện lao động khắc nghiệt và hạn chế quyền công đoàn ở một số ngành công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế không đồng ý với quy kết này của USTR.
“Tổng thống Trump không thực sự quá quan tâm về quyền của người lao động”, Somchai Phakhaphatwiwat, một nhà kinh tế chính trị từ Đại học Thammasat nói. “Mỹ đang sử dụng chính sách ‘Nước mỹ trên hết’ của ông Trump như một công cụ để giải quyết cán cân thương mại và cũng cho thấy rằng Washington không hài lòng về mối quan hệ chặt chẽ của Thái Lan với Trung Quốc.”
Theo ông này, việc Mỹ đình chỉ GSP chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Trong khoảng thời gian có quyết định của USTR, Bộ trưởng Nông nghiệp Ted McKinney đã gửi thư cho Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, kêu gọi ông hoãn việc cấm glyphosate.
“Nếu lệnh cấm được thực thi, nó sẽ tác động nghiêm trọng đến việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Thái Lan như đậu tương và thịt lợn”, McKinney, người trước đó có gần hai thập kỷ làm việc cho công ty hóa học Dow AgroScatics viết.
Mặc dù lệnh cấm không bao gồm nông sản thực tế, nông dân Thái Lan vẫn lo lắng về bất lợi cạnh tranh đang kêu gọi chính phủ của Prayuth cấm nhập khẩu cây trồng từ các quốc gia sử dụng các loại hóa chất này – bao gồm cả Mỹ.
Mỹ đã xuất khẩu 594 triệu đô la đậu nành và 180 triệu đô la lúa mì sang Thái Lan vào năm 2018.
Russ Nicely, cố vấn nông nghiệp tại Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok, trong một bức thư khác, nói rằng chính sách này sẽ khiến nông dân Thái Lan phải chịu phí tổn từ 75 tỷ đến 125 tỷ baht (2,4 tỷ đến 4,1 tỷ USD) khi sử dụng các hóa chất thay thế đắt tiền hơn.
Bangkok nhanh chóng đổi giọng. Bộ trưởng Công nghiệp Suriya Juangroongruangkit tuyên bố rằng lệnh cấm paraquat và chlorpyrifos sẽ được hoãn lại cho đến ngày 1/6/2020, và Roundup sẽ chỉ bị hạn chế vừa phải. Ngay cả lãnh đạo của đảng Bhumjaithai – đảng đứng sau lệnh cấm – cũng đã thay đổi giọng điệu.
Bhumjaithai là một thành viên quan trọng của chính phủ liên minh của ông Prayuth. Lãnh đạo đảng ông Anutin Charnvirakul, giữ chức phó thủ tướng và bộ trưởng Y tế công cộng, đã tuyên bố vào tháng 10 rằng ông sẽ từ chức nếu các hóa chất này không bị cấm.
Thế nhưng sau thông báo của Suriya, Anutin chỉ nói rằng ông thất vọng nhưng sẽ tôn trọng quyết định.
Trong bối cảnh chính quyền ông Trump tiếp tục muốn “sửa chữa” sự mất cân bằng thương mại, Trung Quốc là mục tiêu dễ thấy nhất, nhưng sức nóng với Thái Lan cũng đang tăng lên.
Dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy thặng dư thương mại của Thái Lan ở mức 19,4 tỷ đô la trong năm 2018. Con số này thấp hơn mức thặng dư 419,5 tỷ đô la của Trung Quốc, 67,1 tỷ đô la của Nhật Bản, thậm chí là 39,4 tỷ đô la của Việt Nam và 26,3 tỷ đô la của Malaysia. Nhưng con số thặng dư của Thái Lan được dự báo sẽ tăng trong năm nay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống.
Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Thái Lan sau Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, Thái Lan đã ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu đối với chỉ một trong số 15 đối tác thương mại hàng đầu của nước này – đối tác đó chính là Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng chính phủ Thái Lan nên cẩn thận hơn nếu muốn gây chuyện với Mỹ. “Cần phải có kế hoạch chu toàn cho việc loại bỏ dần việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học,” Pavida Pananond, phó giáo sư về kinh doanh quốc tế tại Thammasat Business School nói. “Gánh nặng thay đổi không nên chỉ đặt lên vai người nông dân, những người vốn đã có thu nhập thấp.”
Với những lỗ hổng rõ ràng, chính quyền ông Trump có lý do để thắt chặt hơn thương mại với Thái Lan. Hai bên dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán về việc chấm dứt các đặc quyền GSP cho đến khi quyết định có hiệu lực vào tháng 4/2020. “Vẫn còn thời gian để đàm phán lại vấn đề cơ bản về quyền của người lao động”, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross nói khi ông đến thăm Bangkok để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Tuy nhiên, Mỹ còn có một vũ khí khác trong tay áo: Đó là họ có thể gán nhãn cho Thái Lan là nước thao túng tiền tệ. Đồng baht đang giao dịch ở mức cao nhất so với đồng đô la kể từ năm 2013. Chính phủ của Prayuth và Ngân hàng Thái Lan hy vọng sẽ điều hướng tỷ giá đi xuống, một phần với các biện pháp thúc đẩy dòng vốn chảy ra và ngăn chặn dòng vốn vào. Ngân hàng trung ương Thái Lan cũng đã cắt giảm lãi suất chính sách của mình hai lần trong năm nay.
Duy Khiêm (theo TGHN/Nikkei)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này