15:35 - 20/05/2019
Xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm giảm cả về lượng, giá và kim ngạch
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2019 giảm cả về lượng, giá và kim ngạch, với mức giảm tương ứng 5,3%, 14,9% và 19,3%, đạt 2,09 triệu tấn, tương đương 893,31 triệu USD, giá trung bình 427,9 USD/tấn.
Riêng tháng 4/2019 đạt 693.432 tấn, tương đương 287,51 triệu USD, giảm nhẹ 0,04% về lượng và giảm 3,7% về kim ngạch so với tháng 3/2019; và cũng giảm 3,9% về lượng, giảm 21,1% về kim ngạch so với tháng 4/2018. Giá xuất khẩu gạo trong tháng 4/2019 đạt trung bình 414,6 USD/tấn, giảm 3,6% so với tháng liền kề trước đó nhưng giảm 17,9% so với tháng 4/2018.
Philippines đứng đầu về thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam chiếm 39% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 35,9% trong tổng kim ngạch, đạt 814.484 tấn, tương đương 320,5 triệu USD, tăng mạnh 343,2% về lượng và tăng 289,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018, giá xuất khẩu sang thị trường này giảm 12% so với cùng kỳ, đạt 393,5 USD/tấn; riêng tháng 4/2019 đạt 276,051 tấn, tương đương 108,77 triệu USD, tăng 17,7% về lượng và tăng 20,2% về kim ngạch so với tháng 3/2019, nhưng so với tháng 4/2018 thì tăng đột biến gấp 41,2 lần về lượng và tăng 36 lần về kim ngạch.
Malaysia đứng thứ 2 thị trường, với 209.457 tấn, tương đương 81,85 triệu USD, giá 390,8 USD/tấn, giảm tương ứng 12,2%, 22,3% và 11,4% so với cùng kỳ; riêng tháng 4/2019 tăng mạnh 65,3% về lượng và tăng 62% về kim ngạch so với tháng 3/2019, đạt 106.859 tấn, tương đương 39,72 triệu USD. Xuất khẩu gạo sang Malaysia chiếm 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.
Thị trường tiếp theo là Bờ biển Ngà, với 147.330 tấn, tương đương 65,53 triệu USD, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, tăng mạnh 133,4% về lượng và tăng 73,3% về kim ngạch so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá xuất khẩu sang thị trường này giảm 25%, đạt 444,8 USD/tấn.
Nhìn chung xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm nay sang đa số các thị trường tăng kim ngạch so với 4 tháng đầu năm 2018; trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở các thị trường sau: Brunei tăng 913,3% về lượng và tăng 858,8% về kim ngạch, đạt 3.273 tấn, tương đương 1,34 triệu USD; Senegal tăng gấp 12,6 lần về lượng và tăng gấp 9 lần về kim ngạch, đạt 591 tấn, tương đương 0,3 triệu USD; Ba Lan tăng 663% về lượng và tăng 574% về kim ngạch, đạt 1.259 tấn, tương đương 0,66 triệu USD; Angola tăng 563,5% về lượng và tăng 416,5% về kim ngạch, đạt 9.859 tấn, tương đương 3,53 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu gạo giảm mạnh ở một số thị trường như: Indonesia giảm 97% cả về lượng và kim ngạch, Bangladesh giảm 92,5% về lượng và giảm 89% về kim ngạch, Trung Quốc giảm 84% cả về lượng và kim ngạch, Thổ Nhĩ Kỳ giảm 90% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc mặc dù sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế nhận định xuất khẩu sang thị trường này sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan. Mới đây, chuyến đi xúc tiến thương mại gạo của gần 20 DN nhập khẩu gạo của Trung Quốc, từ Hạ Môn, Chiết Giang, Giang Tây, Quảng Đông, Trung Sơn, Đông Quảng, Quảng Châu, Hồ Nam, Giang Tô… tới Việt Nam, đã có một số DN trong nước ký được thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu gạo sang Trung Quốc; trong đó, 2 DN xuất khẩu gạo của tỉnh An Giang là Cty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và Cty TNHH Lương thực Tấn Vương đã ký kết được 5 Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo với các thương nhân nhập khẩu gạo của Trung Quốc với tổng lượng gạo là 84.000 tấn/năm.
Ngoài làm việc với tỉnh An Giang, 20 DN Trung Quốc chuyên nhập khẩu đã đến làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp đặt vấn đề hợp tác thương mại, đồng thời tổ chức kết nối giao thương với các DN xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lúa gạo lớn của Việt Nam, nên nhiều hoạt động xúc tiến thương mại gạo được Bộ Công Thương tổ chức liên tục trong thời gian qua. Hồi đầu năm, TCty Lương thực Miền Nam – CTCP (Vinafood 2) và Thung lũng Thực phẩm Nông nghiệp Công nghệ cao quốc gia Sơn Đông Trung Quốc (FVC) đã ký kết biên bản ghi nhớ xuất khẩu 100.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc. Năm 2018, theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch gạo nhập khẩu của Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, trong đó kim ngạch gạo nhập khẩu từ Việt Nam đạt 740 triệu USD, chiếm tỉ trọng 45% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc.
Theo Vinanet
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này