
09:58 - 15/05/2019
Từ tham vọng tỷ đô của trái cây Việt
3 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả, trong đó trái cây là mặt hàng chủ lực, trở thành hiện tượng khi liên tục tăng trưởng ấn tượng.
Nếu như năm 2016, nhóm hàng này mang về trên 2,4 tỷ USD, tăng trên 30% so với năm 2015, thì qua 2017 doanh thu tăng thêm hơn 1 tỷ USD và tới 2018, lần đầu vượt dầu thô, lên 3,8 tỷ USD, trong đó ước tính các sản phẩm từ quả chiếm trên 80% tổng giá trị… Đến năm 2020, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kỳ vọng trái cây có thể mang về 3,6 tỷ USD, với các loại trái chủ lực là thanh long (chiếm 1,1 tỷ USD năm 2018), chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, măng cụt, sầu riêng và dừa.
Vài năm gần đây, Việt Nam có nhiều nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường khó tính cho trái cây vào Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan, Úc… Vừa qua, sự kiện quả xoài có tiếng vang tại Mỹ, nhưng cũng như sáu loại trái cây khác gồm thanh long, nhãn, chôm chôm, vú sữa, dừa, vải, khi qua Mỹ cũng mới chỉ phân phối ở hệ thống cửa hàng mua sắm của người Á Đông. Ngoài các tiêu chuẩn mã vùng trồng, nhà máy đóng gói, chiếu xạ, không vướng hàm lượng hoạt chất mà Mỹ cấm, nơi tiêu thụ này không đòi hỏi quá cao, khắt khe về chất lượng. Còn lại, trái cây Việt chưa vào được hệ thống phân phối của người Mỹ da trắng, nơi mua sắm phổ biến ở các hệ thống siêu thị như Cosco, Walmart, do chưa có vùng trồng lớn, có thể cung cấp sản lượng lớn, ổn định cho họ. Không chỉ đòi hỏi sản lượng, chất lượng, kênh tiêu thụ này còn đòi hỏi có nhà máy đóng gói, sơ chế, chế biến đủ lớn, đáp ứng đầy đủcác tiêu chuẩn, giấy chứng nhận quốc tế.
Và như vậy, nếu nhìn kỹ, Trung Quốc vẫn là nơi nhập khẩu nhiều nhất trái cây Việt Nam, chiếm 73,1% thị phần. Từ tháng 9 tới đây, Trung Quốc bắt đầu siết chặt quy trình giám sát trái cây nhập từ Việt Nam, họ yêu cầu trái cây phải có đăng ký, có mã vùng trồng (mã code), nhãn mác và bao bì, kể cả quy định chủng loại bao bì đóng gói.
Như nhiều loại nông sản khác, ít có doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào máy móc thiết bị và vùng trồng trái cây; nên sản xuất vẫn manh mún, mất an toàn, dù là ngành được đánh giá đang đứng trước thách thức khá lớn. Tới đây, chúng ta phải thay đổi tư duy, sản xuất ra thứ trái cây mà thị trường cần. Trước hết phải sửa lại tất cả các khâu, từ cải tạo đất, quy trình chăm sóc, bón phân, xịt thuốc, tập huấn cho nông dân thói quen sản xuất theo tiêu chuẩn, lấy giấy chứng nhận, xây nhà máy chế biến, đóng gói… Nông dân, doanh nghiệp nếu cứ sản xuất hàng kém chất lượng sẽ bị đào thải nên rất cần sự liên kết, trong đó doanh nghiệp đưa ra tín hiệu thị trường, bộ Nông nghiệp – cơ quan quản lý trực tiếp đưa ra chủ trương cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất, bằng cách đi đàm phán với các nước, xem họ cần trái cây gì, tiêu chuẩn ra sao. Bộ đánh giá được khả năng cạnh tranh của từng loại trái cây nơi thị trường đàm phán.Đàm phán để xuất loại trái cây có thế mạnh nhất, chứ không phải có gì xuất đó. Phải đánh giá xem cùng loại trái cây đó, Mỹ đang mua của Thái Lan, Mexico, Ecuador, liệu Việt Nam nhảy vào có khả năng bán được không?
Bảo Anh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này