09:35 - 22/08/2023
Nghịch lý gạo xuất khẩu
Giá gạo Việt Nam hiện đã vượt Thái Lan, dẫn đầu thế giới, cao hơn 1 tháng trước hơn 100 USD/tấn nhưng lượng hàng xuất khẩu giá cao chưa nhiều.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/8, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 5,351 triệu tấn gạo, giá trị 2,883 tỷ USD. Riêng nửa đầu tháng 8/2023, tức sau thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo (ngày 20/7), tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 456.768 tấn, với trị giá hơn 266 triệu USD. Tính ra, đơn giá xuất khẩu gạo bình quân giai đoạn này là hơn 582 USD/tấn, tăng 48 USD/tấn so với bình quân giá xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm là 534 USD/tấn.
Chủ yếu xuất khẩu giá cũ
Trong khi đó, chào giá gạo 5% tấm của Việt Nam giai đoạn nửa đầu tháng 8 từ 588 – 638 USD/tấn. Thông thường, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam sẽ cao hơn gạo tiêu chuẩn 5% tấm vì có nhiều chủng loại giá cao như gạo thơm, gạo đặc sản ST24, ST25…
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), cho hay xuất khẩu gạo đầu tháng 8 chủ yếu là doanh nghiệp (DN) trả nợ đơn hàng cũ, giá cũ. “Thông thường, vụ hè thu lúa gạo giá thấp nên các DN ký giá bán thấp, bất ngờ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nên giá lên chóng mặt khiến nhiều DN phải hoãn, thậm chí hủy giao hàng vì không mua được hàng giá cũ. Trong đợt tăng giá gạo này, chỉ một số ít DN có tiềm lực, có gạo trong kho hưởng lợi, còn lại phải chịu lỗ vì mua gạo giá cao để thực hiện những đơn hàng giá thấp đã ký trước đó” – ông Đôn phân tích.
Ông Đôn thông tin DN đang xuất khẩu một số loại gạo thơm nhẹ với đơn giá 690 – 700 USD/tấn, cao hơn 1 tháng trước 120 USD/tấn. Còn lại, DN rất thận trọng trong từng đơn hàng, không dám ký hợp đồng lớn, giao xa vì lo ngại rủi ro.
Trong khi đó, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore) – chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới, nhìn nhận cơn sốt giá gạo trong 1 tháng qua chủ yếu do các khâu trung gian. “Đa số các DN xuất khẩu, không chỉ tại Việt Nam mà Thái Lan, Ấn Độ đều gặp nhiều khó khăn bởi giá cả biến động quá lớn, nhiều DN thua lỗ vì mua vào giá cao để thực hiện hợp đồng giá thấp” – bà Hương bày tỏ.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá gạo đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau thời gian tăng nóng. Trong đó, gạo Thái Lan tăng cao hơn nên giảm mạnh hơn, ở mức 30 USD/tấn, giá chốt cuối tuần qua khoảng 620 USD/tấn; gạo Việt Nam khoảng 630 USD/tấn (đối với gạo 5% tấm) nhưng giao dịch rất ít, chủ yếu là các đơn hàng có số lượng nhỏ.
Bà Hương lý giải nguyên nhân giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan là do nguồn cung vẫn hạn chế trong khi Thái Lan đang vào vụ thu hoạch mới. Những năm gần đây, trong nhiều thời điểm, giá gạo Việt Nam đã vượt Thái Lan, dẫn đầu thế giới.
Cuối năm giá gạo ra sao?
Theo bà Phan Mai Hương, cơn sốt giá gạo năm nay không phải do thiếu gạo mà do lưu thông bị nghẽn. Ấn Độ dù cấm xuất khẩu gạo nhưng vẫn mở kênh đàm phán chính phủ để tiêu thụ lúa gạo nên gạo không thiếu nhiều. Thậm chí có một nhóm trung gian kỳ vọng giá gạo còn tăng cao nên găm hàng nhưng chờ lâu không bán được, áp lực thanh khoản bắt buộc họ phải giảm giá.
Bà Hương cho rằng bối cảnh hiện nay khó dự báo giá gạo bởi phụ thuộc nhiều yếu tố như: diễn biến thời tiết tại Ấn Độ để biết nước này có mất mùa hay không và thời điểm nào quay lại thị trường xuất khẩu gạo. Dù vậy, thị trường gạo đã thiết lập mức giá mới, không dưới 600 USD/tấn – mức giá tốt hơn 10 năm qua và có thể duy trì trong năm nay.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhìn nhận giá gạo xác lập mặt bằng giá mới, ở mức 630 USD/tấn là tin vui cho ngành lúa gạo Việt Nam. “Mừng nhất là nông dân tiêu thụ hết được lúa gạo với giá cao, có lãi. Đối với DN, tùy tình hình, nếu có lãi thì xuất khẩu, còn không thì ngưng” – ông Bình nêu quan điểm.
Theo ông Phạm Thái Bình, hiện giá lúa trong nước nhiều nơi vẫn giữ 7.800 – 7.900 đồng/kg (loại thông dụng), tương ứng với giá xuất khẩu khoảng 700 USD/tấn. Do đó, sắp tới thị trường phải có sự điều chỉnh nhưng không đáng ngại vì từ nay đến cuối năm sản lượng lúa của Việt Nam không có nhiều.
Tuy vậy, đại diện một DN xuất khẩu gạo lớn tại ĐBSCL cho hay chuỗi ngành hàng lúa gạo hiện nay không bền vững dù vẫn tăng trưởng cao. “Qua năm nay, sẽ có nhiều DN xuất khẩu gạo phải rời thị trường vì quá khốc liệt. Nhiều DN chịu lỗ đến cả 100 USD/tấn, bị phạt hợp đồng các kiểu nhưng không được ai hỗ trợ” – đại diện DN này nói.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này