08:32 - 05/12/2018
Thị trường cá tra còn trầy trật lắm!
Hơn một tuần nay người nuôi cá tra ở các tỉnh miền Tây Nam bộ bắt đầu nhấp nhổm trước tình trạng giá cá liên tục sụt giảm.
Nguyên nhân giảm là nhiều doanh nghiệp bỗng dưng công bố ngưng hoặc hạn chế mua để tập trung bắt cá của họ tự nuôi. Thị trường cá tra vừa lên chút đỉnh, người nuôi cá có lời, nay lại rơi vào hỗn loạn…
Tính đến ngày đầu tháng 12/2018, cá tra rớt giá từ 5.000 – 6.000 đồng/kg so với mức đỉnh là 36.000 đồng vào tuần cuối tháng 11. Dù đã giảm về dưới 30.000 đồng/kg, nhưng dự báo ngay trong tháng 12 và các tháng đầu năm sau, giá cá còn tiếp tục giảm do lượng nuôi trong dân thời điểm này có nhiều hơn, còn doanh nghiệp hạn chế mua, vì họ đã chuẩn bị xong đơn hàng xuất khẩu đến hết năm nay.
Ông Minh, phụ trách nuôi trồng của một công ty xuất khẩu cá tra ở Tiền Giang cho biết, giá cá tra ở mức cao trong suốt năm 2017, kéo dài đến cuối 2018 là động lực cho nhiều người đổ tiền vào nuôi. Nếu như cùng thời điểm này năm trước, cá tra nguyên liệu không đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, còn nay lại đang có xu hướng dư thừa.
“Thời điểm quý 2 năm nay người nuôi đổ giống ồ ạt, bây giờ là lúc cá đến lứa, dân cần bán mà doanh nghiệp lại công bố giảm mua thì giá giảm sâu là phải”, ông Minh nói.
Giá thành nuôi cá năm nay cao hơn năm ngoái 15 – 20%, do chi phí con giống bị đẩy lên quá cao và dự báo ngưỡng hoà vốn 25.000 đồng/kg khó trụ vững ở ngay trong tháng cuối năm này. Vài ngày nay, ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp…, những doanh nghiệp S.M, V.H, B.D… lấy lý do đủ hàng xuất khẩu đã tuyên bố giảm mua cá của dân.
Họ nói ưu tiên bắt cá nhà! Cũng có thông tin doanh nghiệp C.M còn đi nước cờ “nhanh tay hạ giá xuất khẩu để giành khách hàng”.Từ đầu quý 4/2018 cũng có hai doanh nghiệp đưa vào thị trường Mỹ mỗi tháng khoảng 700 container cá tra.Số này dự báo đủ bán đến tận tháng 4/2019, nên từ nay tới đó xem như thị trường có doanh số nhập cá tra thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) hết… chỗ cho các doanh nghiệp khác.
Nhiều người đang lo lắng tình hình thị trường cá sắp tới lại quay về giai đoạn khó khăn như những năm 2015 – 2016. Lúc đó, sản lượng cá tra nguyên liệu cũng tăng nóng, đạt tới 1,8 – 1,9 triệu tấn. Cung vượt cầu, giá trong nước lẫn xuất khẩu giảm tới đáy, nên cả ngành cá lỗ nặng.
Qua năm 2017, vì thua lỗ nên nghề nuôi cá tra chỉ dành cho những người có lực và đủ quyết tâm, diện tích nuôi giảm và sản lượng còn khoảng 1 triệu tấn, vừa đủ, thậm chí có thời điểm còn thiếu, do đó giá cá nguyên liệu và xuất khẩu liên tục lập đỉnh.
“Hai năm trước nuôi tới 1,8 triệu tấn nguyên liệu, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ có 1,6 – 1,7 tỷ USD. Năm 2017 và 2018, chúng ta nuôi khoảng trên dưới 1 triệu tấn, nhưng lại thu về trên dưới 2 tỷ USD, cho thấy cứ nuôi ít sẽ bán được giá cao”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở An Giang, phân tích. Tuy nhiên, vị giám đốc này cho rằng, Việt Nam không duy trì được sự ổn định, không có cơ quan nhà nước nào kiểm soát diện tích nuôi cá mà để cho người dân, doanh nghiệp thấy giá cao là đổ xô nuôi “vô tổ chức”.
Mới đây, bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch uỷ ban Cá nước ngọt của VASEP đã phân tích, cá tra ít bị cạnh tranh với các loài cá thịt trắng cùng loại trên thế giới, như Alaska Pollock (sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn/năm), cod (sản lượng 1,8 triệu tấn/năm), rô phi (sản lượng 4,3 triệu tấn/năm).
Thế giới có Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc (mới phát triển gần đây, sản lượng còn ít) nuôi được cá tra, sản lượng khoảng 2,3 triệu tấn/năm. Nhưng Việt Nam nuôi nhiều nhất và có lợi thế dòng sông Mekong nuôi được cá tra không có mùi tanh, thịt màu trắng rất đẹp, trong khi cá tra của các nước khác cá có thịt vàng và mùi tanh.
Giá thành và năng suất cá tra nuôi ở Việt Nam tốt hơn, nên nắm quyền quyết định. “Lẽ ra, trong hai năm liền (2017 và 2018), khi ngành cá tra đã sắp xếp lại diện tích, sản lượng vừa đủ cho nhu cầu xuất khẩu (xấp xỉ 1 triệu tấn), thị trường chấp nhận mua giá cao (trung bình trên 4 USD/kg), ngành cá phải nắm bắt cơ hội, tận dụng tốt lợi thế tài nguyên bản địa có một không hai để định vị lại sản phẩm, sau nhiều năm bị mất hình ảnh vì cạnh tranh phá giá. Đằng này, giá vừa ngoi lên chút đỉnh, dân và doanh nghiệp lại tự tay phá đi”, như lời một doanh nghiệp trong ngành cá tra, đã chia sẻ.
bài, ảnh Bảo Anh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này