15:40 - 03/12/2018
Năm 2018, Trung Quốc có thể sản xuất 30.000 tấn cá tra giá cạnh tranh với VN
Sản lượng cá tra năm 2018 của Trung Quốc có thể đạt 30.000 tấn và được bán tại thị trường trong nước với mức giá cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, UnderCurrent News trích lời một số nguồn tin trong ngành.
Sản lượng cá tra của Trung Quốc sẽ ngày càng tăng
Tạp chí Seafood Guide của Trung Quốc, nhận định rằng ngành cá tra của nước này đã “cất cánh” trong năm 2018. Đã có hơn 20 nhà máy mọc lên khắp nơi ở Trung Quốc để chế biến nguồn cá tra được nuôi trồng miền nam nước này.
Gần đây, Guangdong Evergreen Group, một trong những công ty thủy sản và thức ăn chăn nuôi lớn nhất của Trung Quốc, cho biết có thể chế biến được 7.000 tấn cá tra trong năm nay, và nông dân đang nỗ lực hết sức để nuôi loại cá này.
Theo ước tính của Seafood Guide, sản lượng cá tra của Trung Quốc có thể đạt 25.000 – 30.000 tấn trong năm nay.
Thị trường Trung Quốc lâu nay vẫn tràn ngập cá tra Việt Nam, nhưng là một nước luôn bắt kịp xu hướng, nông dân và các doanh nghiệp chế biến của Trung Quốc đến nay đã tự sản xuất ra được sản phẩm cá tra.
Động lực chính khiến Trung Quốc chuyển qua nuôi cá tra ồ ạt là Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu, giá liên tục tăng và Mỹ áp thuế đối với sản phẩm cá rô phi của nước này, ông Hu, đồng sáng lập công ty chế biến Zhangjiang Shimei Aquatic, cho biết.
“Sau khi bị Mỹ áp thuế 25%, nông dân và các doanh nghiệp chế biến không thể kiếm lời bằng cá rô phi nữa. Vì thế, họ chuyển sang cá tra”, ông Hu nói. Ông dự kiến Zhangjiang Shimei Aquatic chế biến 3.000 tấn cá tra trong năm nay và 6.000 – 8.000 tấn cho năm 2019.
Tỉnh Quảng Tây được xem là tiên phong trong xu hướng nuôi cá tra tại Trung Quốc. Năm ngoái, nông dân ở đây sản xuất được khoảng 5.000 tấn cá tra, ông Hu ước tính. Làn sóng nuôi loại cá này sau đó lần lượt lan sang tỉnh Quảng Đông và Hải Nam.
“Cá tra rất đắt hàng. Ở Trung Quốc, đây là loại cá phổ biến đối với mọi thị trường, từ thấp cấp đến cao cấp, nhà hàng hay khách sạn. Thị trường cho cá tra rất lớn”, ông Hu nhận định.
“Trung Quốc chỉ mới bắt đầu nuôi cá tra, nhưng sản lượng sẽ tăng dần nhờ người dân ngày càng có kinh nghiệm, phương pháp nuôi trồng và công thức thức ăn được cải thiện. Năm 2019 sẽ có thêm nhiều hộ nông dân chuyển qua nuôi cá tra”, ông bổ sung.
Cạnh tranh lớn về giá
Ông Hu cho biết, cá tra philê rút xương do công ty ông cung cấp được bán với giá 16,1 – 16,2 nhân dân tệ/kg (2,32 – 2,38 USD/kg) đối với loại 340 – 680 g (trọng lượng thực), rẻ hơn 1 nhân dân tệ/kg so với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam sau khi đã tính thuế.
Ở Hải Nam, công ty chế biến Hainan Chuzongguan bán giá cá tra thậm chí thấp hơn, ở 15,5 nhân dân tệ/kg loại 300 – 600 g (trọng lượng thực).
Trong khi đó, một nguồn tin tại Việt Nam cho biết một nửa lượng cá tra xuất sang Trung Quốc là philê rút xương, số còn lại là philê bình thường. Người này cho biết giá philê rút xương là 2,10 – 2,15 USD/kg loại 500 – 600 g (giao lên tàu). Với mức thuế 14%, giá cá tra cập cảng Trung Quốc xấp xỉ 2,39 – 2,45 USD/kg, cao hơn giá của hai công ty trên.
Tuy nhiên, hiện tại, phần lớn cá tra Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua biên giới nên các nhà nhập khẩu tránh được thuế hải quan này. Hơn nữa, Việt Nam có thể cung cấp đa dạng sản phẩm cá tra chế biến, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc mới chỉ tập trung vào sản phẩm philê rút xương, Seafood Guide cho biết. Ngoài ra, người dân Trung Quốc thích cá thịt trắng hơn là cá thịt hồng, mà cá tra nuôi trong nước thường có màu hồng hoặc vàng, nguồn tin trên bổ sung.
Theo Seafood Guide, hải quan Trung Quốc đang dần thắt chặt công tác kiểm tra tại biên giới với Việt Nam, và Trung Quốc sẽ nhanh chóng cải thiện kỹ thuật canh tác để khắc phục tình trạng vàng thịt ở cá tra.
Theo Người Đồng Hành
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này