10:28 - 31/08/2018
Đàn heo hơn 35 triệu con của VN đối mặt nguy cơ dịch tả heo châu Phi
Nếu không có biện pháp ngăn chặn, chắc chắn đàn heo hơn 35 triệu con của VN sẽ khó trụ vững trước dịch tả heo châu Phi.
Bộ NN và PTNT, ngày 30/8 có Công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ ngành về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả heo Châu Phi (African Swine Fever – ASF) vào Việt Nam.
Theo đánh giá của cơ quan thú y VN, việc Trung Quốc ghi nhận có ASF là nguy cơ tiềm ẩn dành cho VN. Từ đầu năm đến nay, do giá heo hơi từ Trung Quốc thấp hơn khá xa so với VN nên heo sống từ Trung Quốc vẫn rãi rác đưa vào VN qua các cửa khẩu phía Bắc.
Tuần cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2018, trung bình mỗi ngày cũng có một lượng lớn heo Thái Lan nhập vào Campuchia, sau đó vận chuyển về các tỉnh biên giới Tây Nam (Long An, An Giang, Đồng Tháp) đưa vào VN tiêu thụ. Đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm, nếu không có biện pháp ngăn chặn, chắc chắn đàn heo hơn 35 triệu con của VN sẽ khó trụ vững trước ASF châu Phi.
Tổ chức OIE đánh giá AFS châu Phi là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus có khả năng lây lan nhanh xảy ra trên heo, tuy nhiên, cơ quan thú y VN xác nhận bệnh chưa phát hiện ra ở Việt Nam. Heo mắc bệnh ASF, tỷ lệ chết 70%, còn 30% lây nhiễm cũng phải tiểu hủy. Loại bệnh này nguy hiểm hơn rất nhiều so với bệnh tai xanh, lở mồm long móng vì chưa có văcxin điều trị.
BS thú ý Anan Lertwilai (công ty chăn nuôi C.P Việt Nam) nói bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra ở mọi loài heo (cả heo nhà và heo rừng), ở mọi lứa tuổi và mọi giới tính. Bệnh thường gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao, có thể lên đến 100%. Heo bị nhiễm ASF châu Phi có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào độc lực của virus, như: sốt cao (40,5-42°C), lười ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm thành đám, đau vung lưng, vùng bụng, di chuyển khó khăn, một số vùng da màu trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh-tím. Heo mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn.
Ngoài ra, BS Anan Lertwilai còn cho hay ASF châu Phi được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết, phân, nước tiểu từ động vật nhiễm bệnh và xác heo mắc bệnh này. Bệnh lây lan trực tiếp hay gián tiếp qua phân, nước tiểu, nước bọt, các dịch tiết; qua các dụng cụ nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, quần áo, thịt heo sống, thức ăn thừa chứa thịt heo nhiễm virus, ruồi hoặc bị ve mềm cắn. Những heo sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang virus suốt đời, nên chúng là những vật chủ mang mầm bệnh ASF.
Do chưa có vắcxin và thuốc điều trị ASF, vì vậy giải pháp phòng ngừa và kiểm soát bệnh nên thực hiện như sau (FAO, 2009):
–Quy định chính sách kiểm dịch nhập khẩu: các nước không bị ASF châu Phi phải thận trọng trong việc nhập khẩu heo nuôi, heo rừng, heo thịt và các sản phẩm từ thịt heo, kể cả tinh heo, phôi, cũng như dược phẩm có chứa các mô heo. Phải cách ly thức ăn và các nguyên liệu có nguy cơ khác được nhập khẩu vào nội địa từ mọi con đường (hàng không, cảng biển, cửa khẩu). Hành lý và đồ dùng cá nhân phải được kiểm tra kỹ nếu đến từ nước có căn bệnh này.
–Kiểm soát việc chăn nuôi heo bằng thức ăn dư thừa: chăn nuôi heo bằng thức ăn dư thừa có nguy cơ cao đối với sự phát sinh và lây lan bệnh ASF châu Phi, vì thức ăn thừa này có thể chứa thịt heo nhiễm bệnh. Nên cấm sử dụng thức ăn dư thừa để nuôi heo ở các trang trại có độ an toàn sinh học cao. Trong trường hợp chăn nuôi nhỏ lẻ nếu không thể cấm được thì phải hướng dẫn cho họ đun nấu trong thời gian ít nhất 30 phút, sau đó để nguội trước khi cho heo ăn.
-Heo phải được nuôi nhốt không được thả rông: nên nuôi heo trong cũi/chuồng/khu vực chăn nuôi riêng, không nuôi thả kiếm ăn tự do nhằm giảm nguy cơ nhiễm virus ASF bởi sự đào bới tìm kiếm thức ăn thừa và tiếp xúc với heo rừng, đặc biệt là tại khu vực đang có bệnh.
–Nâng cao kiến thức về bệnh: khởi đầu từ các bác sĩ thú y địa phương được yêu cầu phải có kiến thức cơ bản về ASF châu Phi, để phổ biến cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của nông dân và thương lái buôn heo có các kiến thức về bệnh này, để có khi thông tin về heo ốm sẽ thông báo cho cán bộ thú y khi nghi ngờ heo bị bệnh này hoặc để thiết lập một mạng lưới báo cáo dịch bệnh sau này.
–Hệ thống an toàn sinh học: nông dân nên cải thiện hệ thống chăn nuôi của họ để đảm bảo sự an toàn sinh học, cụ thể như sau: Hạn chế người không liên quan vào khu vực chăn nuôi. Trang trại có hàng rào xung quanh để ngăn chặn heo rừng đào bới rác (tốt nhất là hàng rào có 2 lớp cách nhau 1 m) – có hệ thống xử lý chất thải thích hợp. Rửa, làm vệ sinh phương tiện vận chuyển và phun thuốc sát trùng. Thường xuyên làm vệ sinh thiết bị, dụng cụ, đồ dùng trong trại. Công nhân nên thay quần áo và đi ủng chuyên dụng trước khi làm công việc trong trại…
Bảo Ngọc tổng hợp (theo TTXVN/SGGP/MTG)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này