09:31 - 06/11/2023
TikTok Shop ‘đánh chiếm’ vị trí thứ 2 trên sàn thương mại điện tử Việt Nam
TikTok Shop đang liên tục xô đổ các cột mốc kỷ lục về tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, họ vẫn có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước.
Chiếm thị phần nhanh chóng
Trên thực tế, TikTok Shop là một tính năng được tích hợp trên nền tảng TikTok, cho phép người dùng mua sắm trực tiếp trên chính nền tảng đó. Mặc dù mới ra mắt kể từ tháng 3/2022 tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên họ đã có những bước tiến vượt bậc khi qua mặt các đối thủ kỳ cựu chỉ sau một thời gian ngắn.
Theo báo cáo thương mại điện tử (eCommerce) vừa được công ty nghiên cứu thị trường Metric công bố, bảng xếp hạng thị phần doanh thu các sàn thương mại điện tử Việt Nam nửa đầu năm 2023 đã có sự thay đổi đáng chú ý, trong đó vị trí thứ 2 là một cuộc chiến căng thẳng và khốc liệt giữa hai nền tảng Lazada và TikTok Shop.
Quý 4 năm ngoái, khi mà thời điểm TikTok Shop ra mắt được 4 tháng, doanh thu của họ đã có những kết quả nổi bật, nhưng cũng mới chỉ bằng gần 80% doanh thu của Lazada. Đến quý 1 của năm 2023, nền tảng thương mại điện tử của gã khổng lồ Trung Quốc đã rút gọn khoảng cách hơn nữa, khi chỉ kém Lazada 3,5% doanh thu. Nhưng cho đến quý 2/2023, TikTok Shop đã chiếm trọn ngôi vị số hai trên sàn thương mại điện tử Việt Nam khi đạt doanh thu 16.300 tỷ đồng và 117 triệu sản phẩm bán ra, chỉ sau mỗi Shopee.
Ở thời điểm hiện tại, trong khi Shopee vẫn duy trì được vị trí số 1 với thị phần khoảng 63%, còn thị phần của TikTok Shop tăng lên mạnh mẽ khiến các sàn thương mại điện tử còn lại như Tiki và Sendo và một phần nào đó là Lazada đang trở nên “teo tóp” hơn bao giờ hết.
Sự thành công của TikTok Shop
Có thể nói, sự thành công của TikTok Shop đến từ việc họ rất thấu hiểu hành vi của khách hàng khi muốn tạo ra một trải nghiệm mua sắm kết hợp với giải trí một cách thực sự hoàn hảo và tiện lợi.
Mặc dù khái niệm Shoppertainment cũng đang được nhiều nền tảng hướng đến, tuy nhiên TikTok Shop mới thực sự là bên thành công nhất của xu hướng này. Việc mua sắm trên TikTok Shop đang trở thành một trải nghiệm giải trí đầy thú vị, bắt đầu từ việc xem video (để nhận biết sản phẩm), sau đó thích thú với tính năng (để tìm hiểu và cân nhắc mua sắm), cuối cùng, việc xem giá và đặt hàng (chốt đơn) chưa bao giờ trở nên dễ dàng và thú vị đến vậy đối với đa số người dùng.
Điểm mạnh của TikTok Shop so với các sàn thương mại điện tử khác được cho là ở nhiều khía cạnh trong vận hành bán hàng như: chi phí, sự thu hút, tốc độ phát triển người dùng thương xuyên và sự lan tỏa mạnh mẽ.
Thách thức còn ở phía trước
Mặc dù đang có sự thăng tiến vượt bậc tại Việt Nam khi đánh chiếm thành công thị phần ngôi vị số 2 trên sàn thương mại điện tử Việt Nam. Tuy nhiên, bước mở rộng và phát triển thương mại điện tử của TikTok Shop dự kiến sẽ gặp nhiều trở ngại hơn ở Đông Nam Á, vì lệnh cấm mua sắm trực tuyến qua mạng xã hội mới đây của Indonesia. Lệnh cấm này có thể sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng của nền tảng thương mại điện tử này khi các nhà phân tích cho rằng điều đó có thể khuyến khích các quốc gia khác trong khu vực áp dụng các chính sách tương tự.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã áp đặt lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử qua mạng xã hội từ cuối tháng 9 để bảo vệ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của nước này. TikTok, có trụ sở chính tại Singapore, đã tuân thủ chỉ thị của Jakarta vào ngày 4 tháng 10, khi ngừng bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.
Một giám đốc điều hành tập trung vào khu vực Đông Nam Á của TikTok Shop cho rằng: “Chúng tôi lo lắng về hiệu ứng lây lan ở các thị trường Đông Nam Á khác bao gồm Việt Nam và Malaysia. Nếu chúng tôi tách Shop khỏi ứng dụng TikTok chính ở Indonesia, thì chúng tôi có thể bị đẩy vào tình thế buộc phải làm điều đó ở Mỹ. Đó có thể sẽ là một thảm họa”.
Điều lo lắng này của vị Giám đốc điều hành có thể không thừa bởi mới đây tại Malaysia, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số Ahmad Fahmi bin Mohamed Fadzil cũng cho biết, Kuala Lumpur đang dự định xem xét lệnh cấm của Jakarta đối với các giao dịch thương mại điện tử qua mạng xã hội, theo báo cáo của tờ báo địa phương The Malay Mail.
Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho biết trong cuộc họp báo gần đây rằng hoạt động của TikTok tại Việt Nam đã vi phạm luật pháp địa phương về phát tán thông tin xuyên tạc kích động bạo lực. Theo Bộ, dịch vụ thương mại điện tử của TikTok cũng không cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán.
Theo ông Li Jianggan, người sáng lập công ty nghiên cứu Momentum Works, lệnh cấm mua sắm qua mạng xã hội đánh dấu một đòn giáng mạnh vào kế hoạch của TikTok nhằm biến số lần nhấp chuột thành lợi nhuận. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng số phận của các hoạt động thương mại xã hội của TikTok ở Đông Nam Á cuối cùng có thể phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa họ và các chính phủ.
Theo Nguyễn Chuẩn/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này