16:14 - 13/06/2016
Hàng Việt dần chiếm lĩnh siêu thị, tốt nhưng cần phải nghĩ dài hơi
Dù đã có một tỉ lệ khá cao tại hệ thống bán lẻ hiện đại, song với sự có mặt của các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài thì hàng Việt Nam cần phải có những giải pháp thiết thực cũng như chiến lược dài hơi.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), trong những năm qua, hàng Việt Nam đã đáp ứng được những tiêu chí trên với chất lượng đang ngày một nâng cao, tính đa dạng về mẫu mã, chủng loại và có nhiều sản phẩm hầu như đã chiếm lĩnh toàn bộ được hệ thống bán lẻ hiện đại.
Ở các siêu thị, hàng Việt chiếm từ 80-100%. Nhiều nhà bán lẻ lớn như Big C, Co.opmart, Maximark, Vinatex Mart… đã lựa chọn nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng gia dụng, may mặc tiêu dùng sản xuất trong nước làm nguồn cung chính cho hệ thống phân phối của mình.
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng của hệ thống Big C cho biết tại 33 siêu thị, 11 cửa hàng tiện lợi ở TPHCM và trang thương mại trực tuyến Cdiscount.vn của Big C với gần 45.000 mặt hàng được phân phối từ nhiều năm nay, hàng Việt chiếm từ 95-96%.
Tương tự, tại hệ thống của Saigon Co.op trong số 30.000 mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến, đông lạnh, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc và đặc sản địa phương thì hàng Việt chiếm tới 98-99%.
Hiện nay, với việc cung cấp hơn 4 triệu sản phẩm, trong đó cung cấp 200.000 bữa ăn và 250.000 tấn hàng bình ổn bán cho hơn 300.000 lượt khách mỗi ngày thì hàng Việt đang chiếm vai trò chủ đạo hoàn toàn tại hệ thống của Co.op mart.
Những nhà bán lẻ này đánh giá hàng Việt không chỉ đa dạng về mẫu mã, chất lượng cao mà rất nhiều mặt hàng đã khẳng định được vị thế cạnh tranh so với hàng ngoại về giá cả.
Không chỉ hàng thực phẩm, nông sản có lợi thế được sản xuất tại địa phương, ít chi phí vận chuyển so với hàng nhập ngoại mà những mặt hàng tiêu dùng, quần áo, hàng điện tử cũng đã có những chính sách giá rất phù hợp, được người tiêu dùng lựa chọn.
Đưa hàng Việt đến gần hơn nữa với người tiêu dùng
Với cam kết đồng hành với hàng Việt Nam, trong năm 2016, Big C đang triển khai hàng loạt hoạt động đồng hành và xúc tiến phát triển thương hiệu hàng Việt.
Cụ thể, trong tháng 5 và 6/2016, hệ thống siêu thị Big C tổ chức triển khai chương trình “Hàng Việt trong tim người Việt” trên toàn quốc với điểm nhấn là thương hiệu và hình ảnh hàng Việt được trưng bày, trang hoàng lộng lẫy, chiếm phần lớn không gian tại các siêu thị Big C.
Chương trình cũng áp dụng khuyến mãi, giảm giá sâu từ 5-49%, với gian hàng rộng, giúp người tiêu dùng thuận lợi mua sắm, tiêu thụ hàng Việt, tạo điều kiện để hàng Việt ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong người tiêu dùng.
Đặc biệt, để hỗ trợ nông dân trồng vải thiều, từ nhiều tháng nay, hệ thống siêu thị Big C đã chủ động kết nối và tăng số lượng nhà cung cấp tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang nhằm linh hoạt kế hoạch phân phối và hỗ trợ nông dân trồng vải khi cần thiết.
Dự kiến, số lượng vải tiêu thụ năm 2016 tại hệ thống siêu thị Big C sẽ tăng hơn 30% so với năm trước, ước đạt hơn 200 tấn.
Bên cạnh đó, Big C còn chú trọng việc liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất trong nước để phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường của các nhà sản xuất này.
Cụ thể, Công ty Rừng hoa Bạch Cúc (Đà Lạt) đã tìm được đầu ra ổn định ở siêu thị và phát triển thành công thương hiệu rau quả nổi tiếng xanh, sạch; Công ty TNHH Rượu mận Sáu Tia (Cần Thơ) đã nhanh chóng xây dựng được uy tín thương hiệu, từ đó mở rộng thị trường…
Bên cạnh đó, với hệ thống truy suất nguồn gốc sản phẩm chặt chẽ và những yêu cầu chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, Big C đã làm cầu nối để các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nhiều nước trên khắp thế giới.
Chia sẻ về kinh nghiệm thành công trong quá trình đưa hàng Việt chiếm ưu thế hoàn toàn tại hệ thống siêu thị Co.op, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết để nâng cao tỉ lệ hàng Việt, hạ giá thành sản phẩm cũng như tăng tính chuyên nghiệp, chủ động của nhà phân phối hiện đại, Saigon Co.op không chỉ triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết từ vốn, công nghệ với các nhà sản xuất trong nước mà để chủ động nguồn hàng, Saigon Co.op đã tự sản xuất được một số mặt hàng tiêu dùng mang nhãn hiệu Saigon Co.op.
Tuy nhiên, theo bà Vũ Kim Hạnh, mặc dù đã có một tỉ lệ khá cao tại hệ thống bán lẻ hiện đại, song với sự có mặt của các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài trong tương lai cùng với nhu cầu của người tiêu dùng đang ngày càng cao thì hàng Việt Nam cần phải có những giải pháp thiết thực cũng như chiến lược dài hơi để không chỉ giữ vững vị thế mà còn phát triển thị ở “sân chơi” nội địa.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này