
09:41 - 06/12/2019
Sau Black Friday, sẽ dần quen với Cyber Monday
Lễ hội mua sắm giảm giá du nhập từ nước ngoài (Black Friday) được nhiều người biết đến nhất tại Việt Nam diễn ra hôm 29/11 tại các thành phố Việt Nam, với nhiều ghi nhận trái chiều khác nhau.
Sau Black Friday, ngày lễ mua hàng giảm giá Cyber Monday (2/12) diễn ra yên ả hơn, được đánh giá là sẽ trở thành một sự kiện lớn trên thị trường bán lẻ năm sau.
Kim cương cũng giảm
Hầu hết các trung tâm thương mại, các cửa hiệu lớn nhỏ tại TP.HCM và Hà Nội đều tung các đợt giảm giá 20 – 50% với các mặt hàng điện tử, đồ gia dụng, quần áo và giày dép. Một số các trung tâm còn tung ra chiến dịch truyền thông “hãy mua sắm sớm để tránh các cảnh chen chúc ở các cửa hàng vào Thứ sáu đen tối 29/11”.
Các hãng hàng không đưa ra mức giảm 50% trên giá vé. Riêng hãng Jetstart Pacific thì tung ra loạt vé 11.000 đồng, cộng thêm thuế và phụ phí. Hãng lữ hành TransViet mở cửa luôn ngày thứ bảy và chủ nhật để bán “tour giá sốc, giảm tới nóc” khởi hành vào dịp tết.
Lần đầu tiên, các hãng vàng bạc đá quý và nữ trang chịu “hạ mình”, dù không chạy kịp mức giảm khủng 50%, hoặc hơn của các mặt hàng tiêu dùng nhanh. Như SJC giảm giá 1% kim cương, 15% vàng nữ trang 18K, 14K hay 10K và đến 30% nữ trang gắn ngọc trai…
Chiêu trò làm giá
Giảm giá khủng vậy, nhưng sức mua như thế nào? Các chuyên gia tiếp thị và bán lẻ nhận xét các trung tâm thương mại rất đông khách, còn các cửa hàng tư nhân, đơn lẻ lại khá vắng lặng, dù rằng đều cố gắng tung các mức khuyến mãi lên đến 50%, thậm chí có nơi đến 95%.
Đường phố Sài Gòn và Hà Nội kẹt xe căng hơn vào thời điểm đại hạ giá ngày 29/11. Nhưng doanh số của các cửa hàng tại Việt Nam vào ngày này chưa bao giờ được công bố, dù rằng Black Friday đã gây sóng gió trên thị trường bán lẻ Việt vài năm nay. “Sự minh bạch của các cửa hàng và hệ thống thuế giúp đưa ra số liệu chính xác, đánh giá rõ sức mua của thị trường. Còn chúng ta chưa thật sự có con số khách quan”, cô Nguyễn Thị Minh Phương, CMO của Winway Travel, nhận xét.
Các trang mạng xã hội đã “chỉ điểm” các màn làm giá của các cửa hàng bán lẻ dịp Black Friday. Một số nơi nâng giá sản phẩm lên gấp nhiều lần rồi giảm tới mức không thể tin – 95%. “Họ chỉ ăn theo phong trào, không thật sự giảm giá như đúng hình mẫu Black Friday ở nước ngoài. Người tiêu dùng nếu không cảnh giác sẽ trở thành nạn nhân. Trong khi đó, các hội và tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam không đủ sức thực hiện trách nhiệm bảo vệ”, luật sư Nguyễn Đăng Tư, thuộc văn phòng luật Tri Law, đánh giá.
“Nhà buôn trên mạng”
Trào lưu mua sắm và lễ hội du nhập từ nước ngoài mang lại nét mới cho đời sống văn hoá và thị trường bán lẻ của Việt Nam, trong hơn hai thập niên qua. Valentine’s Day (Ngày tình yêu), rồi Ngày của mẹ (Mother’s Day), rồi Ngày của cha (Father’s Day), cũng tạo nên hiệu ứng tương tự.
Hiện Cyber Monday vẫn còn là khái niệm quá mới ở Việt Nam, bởi thói quen “cầm tận tay, thấy tận mắt” hàng hoá của người tiêu dùng. Các trung tâm thương mại ở Việt Nam chỉ quảng bá Black Friday, còn các trang thương mại điện tử thì gom Black Friday và Cyber Monday làm một.
Các chuyên gia bán lẻ dự báo Cyber Monday sẽ là hiện tượng kế tiếp bắt đầu từ năm 2020, bởi nó đã manh nha xuất hiện tại Việt Nam, thông qua những nhà buôn trung gian.
Q.Nguyễn – một bạn trẻ đang sống tại Đà Nẵng – là người luôn theo dõi các đợt hàng giảm giá tại nhiều nước trên thế giới. Giày Adidas giảm giá ở Nhật, thịt bò chất lượng cao và thực phẩm hữu cơ khuyến mãi ở Úc, đồng hồ giảm giá khủng nhân Cyber Monday ở Mỹ, thì Q. đều có hàng. “Có những mặt hàng chỉ cần đặt trên mạng, trả bằng thẻ thì sàn thương mại điện tử sẽ chuyển phát về Việt Nam. Có những món phải đến cửa hàng mới mua được, thì tôi nhờ người thân hay bạn bè mua giúp”, Q giải thích.
Mức giảm lớn, mặt hàng đa dạng và có mẫu mã bắt mắt theo đúng trào lưu, đã giúp trang facebook cá nhân của Q. giống như trang bán hàng thu nhỏ. Công việc này giúp Q. có thêm nguồn thu nhập tương đối.
Thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển với tốc độ 25% mỗi năm, và dự báo sẽ đạt 43 tỷ USD vào năm 2025. “Với số máy smartphone hiện vượt 64 triệu và hơn 40 ví điện tử đang hoạt động, người tiêu dùng Việt Nam sẽ sớm bắt nhịp với trào lưu thế giới”, ông Lê Xuân Thành, thuộc vụ Công nghiệp, ban Kinh tế Trung ương, phát biểu.
Cyber Monday ra đời năm 2005, và được xem là phiên bản trực tuyến của ngày mua sắm Black Friday. Khác với Black Friday giảm giá khủng các sản phẩm được trưng bày tại cửa hàng, thì Cyber Monday tạo không gian mua sắm trên mạng với mức giá rẻ hơn, bởi lợi ích của thương mại điện tử.
Hệ thống bán lẻ của Mỹ đạt doanh số hơn 7,4 tỷ USD dịp Black Friday 29/11, tăng 16% so với dịp năm ngoái. Rồi ngày hội mua sắm Cyber Monday 2/12 đạt con số 9,4 tỷ USD.
Ricky Hồ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này