10:14 - 08/11/2023
Rục rịch đưa hàng Tết ra thị trường, doanh nghiệp vẫn lo sức mua yếu
Mới đầu tháng 11/2023, tức còn khoảng 3 tháng nữa đến Tết Nguyên đán 2024, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đưa hàng hóa mẫu mã Tết ra thị trường.
Trước đó, mọi kế hoạch sản xuất – kinh doanh, phân phối hàng Tết đã được các DN hoàn tất từ tháng 10, sớm hơn rất nhiều so với những năm trước.
Lo sức mua tăng yếu
Tham gia giới thiệu sản phẩm tại một hội nghị kết nối thị trường ở TP.HCM mới đây, Công ty CP Thực phẩm Econuti (KCN Tân Đức, tỉnh Long An) hy vọng sẽ tìm được cơ hội mở rộng đầu ra cho sản phẩm trong những tháng cuối năm.
Anh Trịnh Trung Tính, đại diện DN này, cho biết công ty chuyên sản xuất các loại nước ép trái cây, nước tăng lực thương hiệu YOOH cho thị trường nội địa và gia công trọn gói sản phẩm cho một số thương hiệu trong nước lẫn xuất khẩu. Trung bình, mỗi tháng công ty bán ra thị trường khoảng 5.000 thùng (72.000 lon) và xuất khẩu 20 – 25 container sang Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Năm 2023, công ty bị ảnh hưởng khá nhiều, tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu đều giảm mạnh, mất đến 40% doanh thu so với trước. Riêng thị trường Tết, đến thời điểm này, DN giảm đến 50% bao bì Tết thương hiệu YOOH do các nhà phân phối giảm đặt hàng. Đối tác gia công trong nước cũng gặp khó, chỉ 1/10 yêu cầu sản xuất theo mẫu mã Tết, còn lại không thay đổi mẫu mã” – anh Tính cho biết.
Khảo sát mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam cho thấy bức tranh tiêu dùng kém khả quan: rất nhiều người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập và có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính, tăng khoảng 7% so với giai đoạn bình thường mới sau dịch COVID-19.
Gần một nửa số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí. Theo dự báo của Kantar, thị trường Tết 2024, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu ào ạt mà sẽ mua sắm cầm chừng, kể cả trong thời gian cao điểm Tết.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cũng dự báo thị trường năm nay rất khó khăn. Hiện sức mua đang yếu, DN chỉ dự trữ lượng hàng Tết tăng khoảng 15%-20% so với bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong trường hợp sức mua tăng đột biến.
“44 DN trong ngành sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm cũng đã đăng ký với Sở Công Thương TP.HCM sẽ bán bình ổn giá 11 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu” – bà Chi thông tin.
Theo bà Chi, tỷ giá tăng khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của DN lương thực, thực phẩm bị đội lên nhưng trong bối cảnh hiện tại, DN chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí huề vốn để bán được hàng, tham gia bình ổn thị trường.
“Nhiều DN đã đầu tư để số hóa khâu sản xuất, cải tiến logistics để giảm chi phí. Từ giờ đến cuối năm, DN đẩy mạnh kích cầu, tham gia tất cả chương trình khuyến mãi của TP.HCM phát động với hy vọng cầu thị trường tăng tốt. Dù vậy, DN đang rất lo xung đột ở Dải Gaza leo thang càng khiến kinh tế toàn cầu không thể phục hồi, sức mua sẽ rớt thê thảm” – bà Chi bày tỏ.
Lên kế hoạch kỹ lưỡng
Với dự báo người tiêu dùng sẽ không thoải mái mua sắm trong Tết này, nhiều DN lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết nhưng vẫn tỏ ra khá dè dặt. Đơn cử, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) dành ngân sách hơn 540 tỷ đồng để dự trữ lượng hàng Tết tương đương sản lượng thực hiện cùng kỳ Tết Quý Mão 2023, bao gồm: gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Công ty cũng dự trữ thêm từ 10% – 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp thiếu hụt.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc VISSAN, cho biết từ tháng 6/2023, công ty đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau Tết.
“Công ty cam kết giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau Tết. Từ bây giờ cho đến các ngày cận Tết, VISSAN sẽ thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 10% – 20% vào các ngày cuối tuần và sẽ nâng mức giảm giá lên đến 30% trong những ngày sát Tết” – ông An nói.
Về phía DN bán lẻ, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cũng đã có kế hoạch Tết cách đây hơn 6 tháng để cùng đồng hành, chia sẻ với nhà sản xuất và bảo đảm nguồn hàng đồng thời tham gia bình ổn thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart kiêm Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết Saigon Co.op linh động phối hợp với nhà cung cấp, đối tác nhằm tiết giảm chi phí tối đa và giảm lợi nhuận để mang lại giá cả hợp lý trong dịp Tết sắp tới.
MM Mega Market (MM) cũng đã làm việc xong với các nhà cung cấp lớn về nguồn hàng, sản lượng, chương trình khuyến mãi… các tháng Tết. Bà Huỳnh Thị Phương Vân, Trưởng Phòng Marketing MM, cho hay khác với những năm trước, DN bán lẻ dựa trên nhu cầu mua sắm của khách hàng để lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết, năm nay MM chủ động làm việc với khách hàng, đặc biệt là những khách hàng lớn để nắm bắt nhu cầu mua hàng trước khi làm việc với nhà sản xuất để phối hợp chuẩn bị nguồn hàng. Nhà bán lẻ này cũng chủ động nhập khẩu trực tiếp nhiều loại trái cây, bánh kẹo… phân khúc giá bình dân để đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng.
“Đặc biệt, lần đầu tiên MM sẽ mời khách hàng đến các trung tâm phân phối trong hệ thống để giới thiệu hàng hóa, các chương trình khuyến mãi Tết nhằm giúp khách hàng chủ động kế hoạch mua sắm mùa Tết hợp lý với giá cả tốt hơn” – bà Phương Vân nói về những giải pháp kích cầu MM sẽ triển khai trong Tết này.
Có thể bạn quan tâm
Bắt ‘trend’, doanh nghiệp livestream bán hàng Tết
Phiên chợ Xanh – Tử tế tham gia Hội chợ Nông sản sạch và an toàn Cần Thơ
Giá heo hơi, gà sống giảm mạnh nhưng giá thịt heo vẫn cao
Chiếc Thìa Vàng: Bếp Sài Gòn chọn món ‘nhà quê’
Xăng tăng giá gần 1.000 đồng, lên gần 23.000 đồng/lít
Tags:hàng tếtsức mua yếu
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này