
09:30 - 08/10/2019
Du lịch Đông Nam Á ế ẩm vì thưa dần khách Trung Quốc
Ngành du lịch vốn chiếm đến hơn 20% tổng sản phẩm trong nước (GDP) tại nhiều nước Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi lượng khách từ Trung Quốc giảm.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung làm ảnh hưởng đến sức mua của thị trường Trung Quốc.
Các nước trong khu vực đưa ra đối sách gì khi xu hướng khách Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong ít nhất là hết năm 2020?
Các bãi biển ở Bali vắng bớt khách, nhiều khách sạn ở Hà Nội trống rỗng… Ngành du lịch Đông Nam Á đang chịu cảnh ảm đạm khi nền kinh tế Trung Quốc xuống sức và đồng nhân dân tệ của nước này phá giá.
Ế ẩm
Tình trạng bùng nổ du khách từ Trung Quốc trong vài năm qua tiếp sức sống cho nhiều nền kinh tế Đông Nam Á, nhưng nay, gió đã đổi chiều. Sự sụt giảm bất ngờ của nguồn khách Trung Quốc đang là bài học quý giá cho nhiều quốc gia như Thái Lan và Indonesia, vốn quá phụ thuộc vào gã khổng lồ châu Á này.
“Khu vực đang chịu áp lực từ sự sụt giảm con số du khách và cả sức mua của họ. Luôn có nguy cơ lớn khi quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, và nhiều quốc gia không thể tìm được nguồn lực mới cho tăng trưởng kịp lúc”, Bloomberg trích nhận định của ông Kampon Adireksombat, nhà nghiên cứu tài chính và kinh tế thuộc ngân hàng Siam Commercial Bank.
Sự sụt giảm dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2020, nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục “đè bẹp” khả năng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.
Thu nhập cư dân gia tăng, tạo nên làn sóng du lịch của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, giúp nước này trở thành nguồn cung cấp du khách lớn nhất cho thế giới. Theo báo cáo của hãng tư vấn McKinsey, số chuyến du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc đã tăng hơn hai lần, từ con số 57 triệu chuyến du lịch trong năm 2010, tăng lên con số 131 triệu trong năm 2017.
“Đông Nam Á luôn là điểm đến hàng đầu của du khách Trung Quốc khi họ chọn đi du lịch nước ngoài”, báo cáo viết. Khảo sát du lịch nước ngoài ở Trung Quốc của McKinsey năm 2017 cho thấy số chuyến đi Đông Nam Á chiếm tỷ lệ cao nhất. Các tour có hướng dẫn viên nói tiếng Quan Thoại, các ứng dụng thanh toán của Trung Quốc và các nhà hàng Trung Hoa mọc lên như nấm từ Đà Nẵng đến Yogyakarta… giúp du khách Trung Quốc đổ xô đến các điểm nóng du lịch ở Đông Nam Á. Sự chững lại này đang đe doạ ngành công nghiệp du lịch khu vực, khi cung vượt quá cầu sau khi các doanh nghiệp và chính quyền đã “xuống tiền” quá nhiều để xây thêm khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các tiện nghi du lịch khác.
Tình trạng sụt giảm có thể thấy trong kết quả kinh doanh của một số chuỗi khách sạn. Phó chủ tịch cao cấp Ronnachit Mahattanapruet của chuỗi Central Plaza Hotel Pcl tại Thái Lan, thông báo tại cuộc họp các nhà đầu tư của chuỗi vào cuối tháng 8.2019: tỷ lệ bán phòng của chuỗi giảm 7% trong quý 2, và hiện chuỗi chuẩn bị có thêm 2.040 phòng bổ sung vào số phòng sẵn có là 6.678!
Kỳ vọng không thực tế
Thủ đô Bangkok sẽ có thêm khách sạn hạng sang Ritz Carlton mới vào năm 2023 trong kế hoạch đầu tư 3,9 tỷ USD của tập đoàn này. Trong khi đó, chuỗi Hilton sẽ có thêm hai khách sạn mới dự kiến khai trương năm 2022. Tại Phuket, hòn đảo được nhiều cặp đôi chọn làm nơi tổ chức lễ cưới và nổi tiếng về lặn biển, số phòng khách sạn sẽ tăng thêm 18% vào năm 2024 – theo số liệu của hãng tư vấn C9 Hotelworks. Bộ Du lịch Thái Lan dự báo số du khách quốc tếđến Thái Lan chỉ tăng 2% trong năm nay.
“Nguồn cung ứng phòng khách sạn trong tương lai dựa trên sự kỳ vọng phi thực tế của những người làm kế hoạch”, giám đốc điều hành C9 Bill Barnett. Tại Singapore, Las Vegas Sands Corp và Genting Singapore Ltd đã công bố kế hoạch mở rộng khu resort trị giá 9 tỷ USD vào đầu năm nay, sau khi hình ảnh về đảo quốc nhỏ bé – thông qua bộ phim Crazy Rich Asians – tràn ngập các rạp chiếu phim trên thế giới.
Hiện có 140 khách sạn tại Đông Nam Á, chuỗi Mariott International dự trù tăng gấp ba số lượng phòng vào năm 2023 tại Philippines. Cũng cần nhắc lại rằng, Chính phủ Philippines đã từng “cấm cửa” du khách đến đảo Boracay vào cuối năm 2018, nhằm cải thiện tình hình vệ sinh và xử lý nước thải của các hệ thống khách sạn trên hòn đảo. Lệnh cấm chỉ sáu tháng, nhưng gây trở ngại không ít cho các chủ đầu tư khách sạn lớn nhỏ ở Boracay.

Du khách Ấn Độ đang được nhiều nước ASEAN nhắm đến, trong một bức ảnh chụp ở đảo Koh Larn gần Pattaya, Thái Lan.
“Bong bóng xẹp”
Các cơn bùng nổ du khách biến mất trong sáu tháng đầu năm nay khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, đồng tệ trượt giá và chạm điểm thấp nhất trong lịch sử cùng cuộc giằng co thương mại Mỹ – Trung, đã làm niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc lung lay. Các món đồ đắt tiền, xe hơi và cả các chuyến du lịch nước ngoài được xếp là xa xỉ so với trước đây.
Trong khi các vấn đề nội tại của nền kinh tế Trung Quốc có vai trò chính, tình hình ở mỗi nước Đông Nam Á cũng góp phần vào sự sụt giảm của nguồn khách Trung Quốc.
So với tiền tệ của các nước trong khu vực, đồng baht Thái tăng giá mạnh nhất so với đồng nhân dân tệ trong năm nay. Điều này khiến các chuyến du lịch Thái Lan của người Trung Quốc trở nên đắt hơn trước đây. Vụ chìm tàu năm ngoái ở ngoài khơi vịnh Phuket làm 47 du khách quốc tịch Trung Quốc thiệt mạng, cũng làm người dân đại lục giảm niềm tin vào ngành du lịch Thái Lan.
Riêng phó chủ tịch cơ quan Xúc tiến du lịch Bali Ngurah Wijaya lại cho rằng, hòn đảo là nạn nhân của chính thành tựu mà ngành du lịch đạt được.“Tình trạng tắc nghẽn giao thông là một trong những nguyên chính khiến khách Trung giảm”, Wijaya phát biểu.Ông cũng cho rằng khách đến Bali ngày càng ít hơn và chi tiêu dè sẻn hơn.“Dường như họ bắt đầu chán Bali”.
Trong khi đó, các căng thẳng trên biển Đông khi tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc tiến hành vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng góp phần vào yếu tố giảm du khách Trung Quốc đến Việt Nam, theo ý kiến của phó tổng giám đốc Vitours Lê Tấn Thanh Tùng.

Món xôi xoài Khao Neeo Mamuang của Thái Lan, trở nên quen thuộc với du khách Trung Quốc, tại sự kiện du lịch gần Bangkok tháng 1/2019.
Xoay xở
Malaysia và Philippines dường như là ngoại lệ của cuộc thoái trào. Số du khách Trung Quốc đến Malaysia đạt 1,55 triệu lượt, tăng 6,2% trong sáu tháng đầu năm 2019. Cơ sở hạ tầng và tiện nghi du lịch ở Philippines đang ở trạng thái “kém phát triển”. Vì thế, ông Richard Laneda, nhà phân tích bất động sản và giải trí của COL Financial Group, nói rằng vẫn chưa thấy các chủ đầu tư giảm bớt hay huỷ các dự án đầu tư vào ngành khách sạn.
Nhưng ngành công nghiệp không khói – cột trụ phát triển chiếm đến hơn 20% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nhiều nước Đông Nam Á – đang suy yếu, trong lúc ngành xuất khẩu khu vực gặp khó do chiến tranh thương mại. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong bản báo cáo tháng 7 đã dự báo tỷ lệ tăng trưởng của năm nền kinh tế hàng đầu của ASEAN sẽ chỉ còn 5% trong năm nay, so với dự báo 5,1% mà tổ chức này đưa ra ba tháng trước đó. Các nước ASEAN đang nỗ lực đa dạng hoá thị trường khách quốc tế. Thái Lan đã miễn phí visa cho du khách Ấn Độ vào đầu năm nay. Các hãng hàng không và chủ các khách sạn đang cố gắng tăng mối liên kết với thị trường Ấn Độ… Việt Nam cũng nhắm đến Ấn Độ, bên cạnh thị trường Anh và Australia.Nhưng ít nhất là trong ngắn hạn đến trung hạn, khoảng trống thị trường khi du khách Trung Quốc rút đi không dễ gì lấp đầy.
“Du khách Trung Quốc là nhóm du khách lớn nhất của ngành du lịch nhiều nước. Ngay cả khi nguồn khách đến từ các nước khác tăng, cũng không bù đắp được thiệt hại do sự vắng mặt của các du khách đại lục”, ông Wijaya của cơ quan Xúc tiến du lịch Bali, kết luận.
Hồ Nguyên Thảo (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này