09:24 - 11/07/2019
Siêu thị lựa hàng lên kệ cũng tính hiệu quả kinh doanh
Trên mạng xã hội đâu đó đã có những phản ứng tiêu cực đòi tẩy chay Big C và hàng hoá xuất xứ Thái Lan.
Ngay sau đó, làm việc với bộ Công Thương, đại diện Big C Việt Nam đã có cam kết sẽ mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp hàng may mặc Việt Nam. Sau đó khoảng trong hai tuần hoặc ít hơn 100 nhà cung cấp nữa sẽ tiếp tục được mở đơn.
Còn lại 50 nhà cung cấp của Việt Nam sẽ được trao đổi kỹ hơn về việc doanh nghiệp chưa đáp ứng được quy định, cam kết theo hợp đồng đã ký và Central khẳng định tuân thủ đúng nội dung tinh thần hợp đồng đã ký giữa Central và các nhà cung cấp. Có thể hiểu đây là hành động có tính chất “nhượng bộ” của nhà phân phối.
Sau khi hay thông tin mở đơn hàng cho 50 nhà cung cấp này, ông Dũng, chủ một doanh nghiệp may (tỉnh lộ 10, quận Bình Tân, TP.HCM), cho rằng đây là hành động “xoa dịu dư luận” của Big C, và thực chất chỉ để nhà cung cấp bán nốt lượng hàng họ đã cam kết thu mua và chỉ là phần nhỏ trong lượng hàng, nguyên vật liệu dự trữ.
“Đành rằng là kinh tế thị trường, siêu thị ngoại có quyền thu mua hàng hay không, nhưng chẳng lẽ 200 nhà cung ứng Việt không ai đạt được chất lượng theo yêu cầu của họ đưa ra hay sao, hay là phân biệt đối xử và coi thường hàng Việt Nam là hàng dỏm? Chúng tôi đấu tranh cũng chỉ mong muốn Big C Việt Nam có trách nhiệm với các đơn hàng đã cam kết, đã được làm trước đó 3 – 6 tháng, theo mẫu mã và tiêu chuẩn của Big C đưa ra, chứ không tham ký tiếp hợp đồng với đối tác sau những toan tính và hành động hại sau lưng doanh nghiệp Việt thế này”, ông Dũng bức xúc nói và cho rằng, đây là thời điểm tỷ phú Thái (chủ đầu tư tập đoàn Central Group) thu lại tiền sau khi bỏ thầu mua lại Big C Việt Nam từ chủ người Pháp.
“Họ làm tất cả để tận thu từ sản xuất đến phân phối ngay trên đất Việt. Sản xuất của Việt Nam sẽ ở đâu khi đó?”, ông Dũng hỏi, cũng đã là trả lời.
Tuy nhiên, một cách bình tĩnh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành – viện trưởng viện Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm, đây là thời điểm họ (nhà phân phối – NV) đã có suy nghĩ kỹ và sau thời gian mua lại chuỗi phân phối, nay là thời điểm cần thiết họ thấy cần phải tái cấu trúc.
“Họ là nhà đầu tư, có quyền chọn sản phẩm gì, chịu trách nhiệm vào lựa chọn của họ, và chắc chắn không thể thích gì làm nấy.Mục đích cuối cùng vẫn là hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận.Lợi nhuận đến từ đâu?Từ người tiêu dùng. Chính nhà bán lẻ am hiểu thị trường nhất và họ hiểu cái lợi cho chính bản thân họ và người tiêu dùng nhất”, ông Thành nêu quan điểm.
H.Hy (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này