09:12 - 11/07/2019
Ngấm ‘thuốc thử’ Big C chưa?
Tai nạn từ Big C nên được xem là một liều thuốc thử, qua đó thấy rõ tổng trạng ngành may sẵn của mình. Xác định rõ phân khúc và các nguồn lực mình có để tiếp tục xây dựng kênh phân phối riêng.
Bức tranh mạng lưới bán lẻ của Việt Nam hiện nay không sáng sủa lắm: “85% các mặt hàng được bày bán trong siêu thị là của doanh nghiệp bên ngoài cung ứng. Nếu siêu thị ngoại chuyển sang nhập hàng nước họ hay một nước thứ ba, thì các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam sẽ chết bởi mất hệ thống phân phối trên thị trường”, ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch hiệp hội Siêu thị Việt Nam, cho biết.
Ông nói thêm rằng, hiện nay bán lẻ hiện đại, các kênh siêu thị do nhà bán lẻ nước ngoài chiếm 50% thị phần, là các hệ thống có mạng lưới châu Á hay toàn cầu khá mạnh và toàn diện. Còn bán hàng online họ chiếm 70%, tỷ lệ này tăng trưởng mạnh so với các năm trước, từ 30 lên 50%.Cuộc chiến trong hệ thống siêu thị của nước ngoài thật gian nan cho hàng Việt”.
Từ lâu chúng ta đều hiểu, sớm muộn thì các hệ thống siêu thị của Thái cũng sẽ “đẩy” hàng Việt ra và lấp đầy hàng Thái, đó là điều nằm trong sách lược của Chính phủ Thái Lan, đã được họ công khai tuyên bố từ năm 2016. Chuyện chiến lược đường dài là vậy nên phản ứng của doanh nghiệp may mặc Việt và sự nhân nhượng của Big C, cũng chỉ là những phản ứng nhất thời.
Còn nhớ, cách đây năm năm, tôi ngồi tranh luận thẳng thắn với ông Pascal Billaud, hiện là CPO (giám đốc sản xuất) của hệ thống Central Group, chủ chuỗi Big C Việt Nam về chuyện nhập hàng may mặc Việt, thì trong tình bạn, và vốn là một người có nhiều gắn bó với Việt Nam, ông Pascal cũng đành kết luận, “rồi người Thái sẽ nhập hàng may cao cấp của Thái là chính thôi”. Vì sao? Do có mạng lưới cửa hàng trên nhiều nước nếu không muốn nói là toàn cầu, áo sơ mi đàn ông của Thái có mặt khắp các thị trường, chi phí vận chuyển đến Việt Nam rẻ lắm và phí lưu kho, marketing… đều được chia nhỏ cho số lượng lớn hàng phân phối cho toàn hệ thống, nên giá mềm đi rất nhiều. Họ không thể cắt ngang dòng chảy đó để nhập hàng Việt, mẫu mã chẳng hơn, chất liệu cũng ngang bằng, có khi thấp hơn, mà giá lại cao hơn và thương hiệu không có sức mạnh ngay cả trong khu vực.
Ngành may mặc của Việt Nam xưa giờ chủ yếu làm xuất khẩu, nói cho đúng hơn, làm gia công xuất khẩu cho đủ thương hiệu lớn trên thế giới. Để cạnh tranh, nếu đủ sức thì hãy làm chuỗi cửa hàng của chính mình như An Phước, đi kèm thương hiệu quốc tế Pierre Cardin của Pháp. Hiện nay, Pierre Cardin còn mua lại một công ty may của Đức và sản xuất hàng, bán ngay tại Đức khá ổn. Nhưng làm được như An Phước thì cũng chẳng có mấy thương hiệu.
Chưa kể là các thương hiệu may Việt Nam còn bầm giập trong cạnh tranh vì hàng giả quá táo bạo. Cơ quan chức năng không ngăn chận nổi (hay không… thích ngăn chận?) khiến cho các thương hiệu lớn cũng tiến thoái lưỡng nan. Đăng báo về nạn hàng giả để giới thiệu thế nào là hàng thật, thì lại bị một tâm lý tiêu cực của người tiêu dùng: từ nay đừng mua hàng của “ông X, bà Y” nữa, vì thấy không, ổng còn phải thông báo là hàng ổng trên thị trường toàn… hàng giả.
Hàng may nội địa Việt Nam, hiện có hai dòng: hàng của các công ty nhỏ thì mẫu mã khá đa dạng, nguyên liệu đa phần nhập từ Trung Quốc, sản lượng khiêm tốn, chỉ bỏ mối cho các chợ sỉ và bán trong chuỗi cửa hàng của mình như: Việt Thy, Hạnh, Đan Châu, Gia Hồi… Cao cấp hơn, có thương hiệu và đã được đầu tư tử tế như Việt Tiến, May 10, Việt Thắng, Khatoco, Hoà Thọ… thì ngoài chuỗi cửa hàng, còn phân phối vào siêu thị. Nhưng cũng như ở Big C, hàng may mặc Việt Nam ở các siêu thị thường là giá không mềm mà mẫu mã ít thay đổi, không quá hấp dẫn.
Để thay đổi trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp cần khẳng định, không chỉ có kênh siêu thị là nơi sống chết phải giữ. Ngay cả nếu Big C chưa từ chối thì các siêu thị Việt khác, vì cạnh tranh, cũng sẽ có lắm điều nhức đầu xảy ra. Doanh nghiệp may Việt Nam vừa cung cấp cho tôi một tài liệu: một hệ thống siêu thị lớn Việt Nam đã “bán” mặt bằng cho một công ty may Việt lớn (chuyên xuất khẩu), để ông này sẽ khoán lại cho các doanh nghiệp Việt nhỏ hơn và tất cả hàng nhập vào chuỗi này đều phải gắn thương hiệu ông ta. Luật sư cho biết, cầm chắc đó là vi phạm luật cạnh tranh và đang tìm hiểu.
Quả thực, cạnh tranh hàng may sẵn hiện là một lãnh vực quá gian khổ cho doanh nghiệp Việt.
Từ lâu, đã có lời kêu gọi, hãy đa dạng hoá nguồn nguyên liệu, hãy quay lại thị trường chín-chục-triệu-dân này, hãy thay đổi mẫu mã, chịu khó quảng bá thương hiệu hơn. Nhưng, tất cả những lời kêu gọi đó, những điều mà ai làm ăn cũng biết thừa, thực sự cần có một định hướng với nhiều nỗ lực từ bản thân doanh nghiệp, các tổ chức chung của ngành may, hiệp hội chẳng hạn. Hiệp hội dệt may thì cũng đang sống với xuất khẩu là chính, mỗi năm tổ chức có một hội chợ để cả ngành xúm vô quảng bá cho hàng may Việt còn không xong. Một doanh ghiệp may nhỏ nói với tôi: tuy bán ở Việt Nam thì khó, chúng tôi qua chợ sỉ của Thái, nhờ người bà con bán hàng lâu năm ở chợ này, đem hàng mình sản xuất ở Việt Nam mà mẫu mã “quậy” chút, hình thức bắt mắt rực rỡ hơn bày bán ở nhà, thế là có rất nhiều du khách Việt đến mua và hớn hở “đem quần áo Thái” về cho bạn bè họ quý lắm. Khách hàng đâu biết, cũng những bộ áo váy đó, ở Việt Nam chúng tôi chưng mãi họ không thèm để mắt. Đó cũng là tính sính ngoại của người Việt mình.
Tóm lại, chúng ta yếu thế trong ngành may mặc đã rõ: nguyên phụ liệu toàn phải nhập, giá công may cao, mẫu mã không linh hoạt… nên bây giờ phải tìm cách đa dạng hoá kênh phân phối, cả tính chuyện bán hàng online kiểu nhỏ lẻ. Chuyển sang xây dựng các điểm phân phối đáng tin cậy ở các chợ lớn. Quảng bá sinh động hơn. Đào tạo tay nghề thợ thiết kế và thợ may chu đáo hơn. Nên chăng những người làm nghề may mặc nhỏ liên kết thành câu lạc bộ để chia sẻ thông tin và các nguồn lực?
Tai nạn từ Big C nên được xem là một liều thuốc thử, qua đó thấy rõ tổng trạng ngành may sẵn của mình. Khó trông chờ Nhà nước hay các đoàn thể nặng màu quốc doanh. Xác định rõ phân khúc và các nguồn lực mình có để tiếp tục xây dựng kênh phân phối riêng. Lâu dần, việc xây dựng lại những khu vực hàng may thời trang ở các chợ truyền thống lớn, cũng là một phương án nên nghĩ tới.
Kim Hạnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này