14:39 - 09/01/2018
Trung Quốc đang đẩy Mỹ ‘ra rìa’ ở châu Á
‘Trung Quốc hoá’ trong thương mại là nền tảng để Bắc Kinh chống lại ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ
Các nền kinh tế châu Á từng dựa vào Hoa Kỳ đang bước sang một bước ngoặt khi Trung Quốc chiếm ưu thế dẫn đầu, và có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Washington để thúc đẩy nền dân chủ và các thị trường tự do.
Hoa Kỳ, là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, và là thị trường nhập khẩu quan trọng nhất của các nước châu Á trong nhiều thập kỷ sau Thế chiến II. Nhưng điều này đã thay đổi trong những năm gần đây.
Trong vòng một thập kỷ qua, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các quốc gia Đông Nam Á đã xuất khẩu đến Trung Quốc nhiều hơn là sang Hoa Kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của khối này sang Trung Quốc đã đạt 143 tỷ USD trong năm 2016 – cao hơn 9% so với kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc cũng tăng lên ở Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong 11 tháng tính đến tháng 11/2017 đạt 13,38 nghìn tỷ yên (118 tỷ USD), vượt mức kỷ lục của năm 2014.
Nếu xu hướng này tiếp tục gia tăng, nó có thể làm thay đổi sự cân bằng quyền lực giữa Washington và Bắc Kinh trong khu vực.
Một sự bùng nổ lớn hơn
Kengo Tahara thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản đã nghiên cứu tác động kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với các nước châu Á. Sử dụng dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, ông tính toán việc tăng 1% của nhu cầu cuối cùng của Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội ở Nhật Bản và 5 nền kinh tế lớn nhất của ASEAN thông qua xuất khẩu và các kênh khác lên bao nhiêu.
Tahara nhận ra một Trung Quốc đã sẵn sàng đảm nhận vai trò dẫn đầu từ Hoa Kỳ trong những thập kỷ tới. “Năm 2030, tác động kinh tế của Trung Quốc đối với Đông Nam Á và Nhật Bản sẽ gấp 1,8 lần so với năm 2015 và cao hơn 40% so với Hoa Kỳ”, ông tiên đoán.
Sự gia tăng 1% nhu cầu ở Trung Quốc sẽ nâng tổng GDP cuả các nước ASEAN lên 3,3 tỷ USD vào năm 2030 theo số liệu của Tahara, gấp đôi con số năm 2015 và tương đương 0,074% GDP danh nghĩa. Trong khi đó, cùng với mức tăng 1% nhu cầu ở Mỹ thì sẽ chỉ tạo ra sự gia tăng 1,9 tỷ USD.
Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Nhật Bản đã vượt qua Mỹ vào năm 2015, ở mức 2,8 tỷ USD với 2,7 tỷ USD cho mức tăng 1% của nhu cầu cuối cùng. Chính sách kích cầu kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (616 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay) của Bắc Kinh được triển khai trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính đã hỗ trợ cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị, nâng mức xuất khẩu máy móc của Nhật Bản sang Trung Quốc. Tahara tiên đoán con số này của Trung Quốc sẽ đạt 4,6 tỷ USD vào năm 2030, tăng 0,096% GDP danh nghĩa Nhật Bản từ mức 0,064% của năm 2015.
Mỹ dự kiến vẫn duy trì được ảnh hưởng trong nền kinh tế thế giới nói chung trong năm 2030, nâng GDP toàn cầu lên 52,9 tỷ USD/mức tăng 1% nhu cầu – cao hơn 20% so với tác động của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc sẽ có một ưu thế vượt trội ở châu Á, một phần do thuận lợi về mặt địa lý. Thời đại của Hoa Kỳ như là siêu cường kinh tế duy nhất, nơi mà “Mỹ hắt hơi và châu Á sẽ bị viêm phổi”, dường như đang dần trở thành quá khứ.
Củ cà rốt và cây gậy
Chi phí nhân công ngày càng gia tăng trong ngành sản xuất của Trung Quốc đã tạo ra một nhu cầu tiềm năng cho các khoản đầu tư vào sản xuất chiếm ít lao động và đây chính là cơ hội cho các công ty Nhật Bản làm giàu. Vào cuối năm ngoái, Mitsubishi Electric đã công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất robot công nghiệp ở Trung Quốc.
Tác động vượt xa xuất khẩu. Các nhà sản xuất Nhật Bản hoạt động ở Trung Quốc có thể thành lập các công ty con và chuyển lợi nhuận về Nhật Bản để tái đầu tư hoặc để trả công cho nhân viên.
Tuy nhiên, làn sóng Trung Quốc hoá có thể lại là ‘phước lành hỗn độn’ cho các quốc gia trên con đường phát triển. Phát triển thương mại với Trung Quốc mang lại nhiều lợi ích, nhưng nếu có bất kỳ sự suy giảm nào trong nền kinh tế của quốc gia này cũng sẽ gây khó khăn hơn cho kinh tế khu vực.
Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng sức mạnh kinh tế mình như là một công cụ ngoại giao, giống như đã từng xảy ra với Hàn Quốc. Quyết định của Seoul về việc cho phép triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Hoa Kỳ đã thúc đẩy các cuộc tẩy chay của Trung Quốc để trả đũa. Ngân hàng Hàn Quốc ước tính rằng các hành động đó đã làm giảm 0,4% GDP của quốc gia này vào năm 2017.
Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đã thực hiện các biện pháp để xoa dịu Bắc Kinh, chẳng hạn như đồng ý không tham gia mạng lưới phòng thủ tên lửa khu vực do Hoa Kỳ chủ trì.
Các giá trị xung đột
Sức mạnh kinh tế của Mỹ đã trở thành động lực đằng sau việc dân chủ hoá ở các nước châu Á. Nhưng Washington có thể đánh mất đòn bẩy này vì ảnh hưởng của Bắc Kinh đang ngày càng gia tăng.
Ví dụ như chuyển đổi sang nền dân chủ của Myanmar, phần lớn là do lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Naypyitaw đang giữ vững lập trường trong việc xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya bất chấp sự lên án của quốc tế, kể cả từ Washington. Trung Quốc đã sẵn sàng chấp nhận quan điểm của Myanmar rằng đây là vấn đề nội bộ, và Naypyitaw lại nghiêng về phía Bắc Kinh.
Về khía cạnh kinh tế, Hiệp định TPP, một nỗ lực để tạo ra một khu vực mậu dịch tự do khổng lồ, đã thu hút các nước như Việt Nam và Malaysia. Tuy nhiên, sự rút lui của Hoa Kỳ đã tạo ra cơ hội lớn để Trung Quốc thay thế vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ. Các quốc gia châu Á sẽ cần phải xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các nền kinh tế khác để tránh việc phát triển quá phụ thuộc vào quốc gia hàng xóm này.
Ngân Giang (theo Nikkei)
Theo Thời Đại
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này