11:19 - 08/09/2016
Thương mại điện tử Việt Nam còn trầy trật lắm
Lingo.vn “đột tử” hồi đầu tháng 8/2016 nhưng cho đến giờ, dư luận vẫn chưa rõ nguồn cơn. Giới “giang hồ” có khá nhiều đồn đại về cái chết của trang thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất nhì Việt Nam.
Trong thế giới TMĐT, có những đại gia, có những tiểu thương, có những người bán hàng rong… mới tạo ra không khí mua sắm.
Yếu – đừng ra gió
Trước ngày “đột tử”, Lingo.vn vẫn tự hào là“nơi hội tụ những thương hiệu gia dụng nổi tiếng thế giới với trên 50.000 sản phẩm có chất lượng và giá tốt nhất”.
Lingo.vn tham gia thị trường TMĐT kể từ tháng 8/2011, hoạt động theo mô hình B2C (bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng) với số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng.
Lingo.vn đã đặt mục tiêu trở thành website TMĐT số một Việt Nam khi nhận vốn đầu tư từ tập đoàn quốc tế Yellow Star Investment.
Nhưng từ năm 2012 đến hết tháng 6/2016, từ các nguồn tin rò rỉ, Lingo.vn đã lỗ 150 tỷ đồng. “Cụt vốn” 100 tỷ đồng và nợ các nhà cung cấp hàng khoảng 50 tỷ đồng.
100 tỷ đồng với TMĐT, như “muối bỏ biển”. Thử nhìn lại Lazada.vn sẽ thấy.
Ngày 10/12/2013, Lazada.vn nhận thêm vốn từ các đối tác là 250 triệu USD, nâng tổng vốn lên tới 486 triệu USD.
Giữa tháng 4 năm nay, sàn giao dịch Alibaba (Trung Quốc) đã mua lại Lazada giá 1 tỷ USD. Và, Lazada.vn hiện là thế lực trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT tại Việt Nam.
Tiki.vn ngày càng được nhiều khách hàng biết đến khi thay đổi toàn diện, từ chất lượng, số lượng hàng hoá cho đến chất lượng dịch vụ.
Để có được sự thay đổi đó, vào đầu năm nay, Tiki.vn đã nhận khoảng 18 triệu USD từ công ty VNG.
Đây là thương vụ đầu tư lớn nhất của VNG vào đối tác bên ngoài, ở cùng lĩnh vực TMĐT vốn là thế mạnh của nhà đầu tư này với tên miền 123mua.vn đã được bán lại cho Sendo (thành viên của FRT) cách đây tròn hai năm.
Adayroi.com đang được nhiều đối thủ trong lĩnh vực TMĐT Việt Nam dè chừng vì đứng phía sau mô hình này là “đại gia lắm của nhiều tiền” Vingroup.
“Dù còn yếu về kinh nghiệm thương trường nhưng khi có nhiều tiền, họ (Adayroi.com) sẽ làm được những gì mình muốn”, một chuyên gia về TMĐT nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn đầu tư vào TMĐT phải cần ít nhất từ 5 – 7 năm mới đánh giá mô hình đó thành công hay thất bại.
Chọn lối nhỏ vào đời
Thống kê cho thấy ở Việt Nam hiện có khoảng 1,5 triệu người đang mua bán trên Facebook, 100.000 người đang gia tăng doanh thu trên Sendo.vn…
Ông L.H, một chuyên gia trong ngành TMĐT nói rằng, doanh thu của những “ông to” như Lazada (phần kinh doanh của Lazada), Tiki.vn, Adayroi.com… có vẻ “hầm hố” nhưng chỉ chiếm chừng 30 – 40% doanh thu TMĐT.
“Phần còn lại, 60 – 70%, nằm trong tay các “tiểu thương” trên các mạng xã hội Facebook, Sendo, Shopee… Họ không phô diễn, dù giá trị hàng hoá thấp nhưng do đông nên doanh thu của họ đang tăng từng ngày”, ông H. bình luận.
Dương Thuỷ (Côn Đảo) bắt đầu bán hải sản trên Facebook vào tháng 4.2015. Lúc mới buôn bán, mỗi tháng chỉ kiếm được 2 – 3 triệu đồng, sau đó tăng lên 6 – 7 triệu. Còn hiện nay, con số đã 20 – 25 triệu đồng/tháng.
“Lúc mới buôn bán phải tính toán đủ điều, từ việc tìm kiếm khách hàng, tìm hàng, tư vấn và chăm sóc khách hàng, liên hệ vận chuyển… Khi kinh doanh online mới thấy Facebook lợi hại như thế nào. Chỉ cần một khách hàng cho vài lời khen về sản phẩm là y như rằng sẽ có thêm vài khách hàng mới”, Thuỷ kể.
Câu chuyện của Thuỷ là một trong hàng triệu câu chuyện của các tiểu thương đang “sống tốt” trên các mạng xã hội hoặc sàn giao dịch TMĐT.
Nhiều người kinh doanh trên sàn Shopee xác nhận là họ đang bán được hàng. Ông Hồng Phong (Hưng Yên) nói rằng, mỗi tuần có khoảng 100 đơn hàng cho nhóm sản phẩm mẹ và bé mà ông đang kinh doanh.
Bà Hồng Hạnh (TPHCM), chủ cửa hàng quần áo có tên “Thoitrangnugiasi”, tiết lộ: 80% đơn hàng hiện nay của cửa hàng là đến từ khách hàng “đi chợ” trên Shopee.vn.
Bà Hoàng Liên (Hà Nội) chuyên kinh mỹ phẩm cho biết: đơn hàng đến từ Shopee.vn gấp 3 – 4 lần so với phương thức bán hàng trực tiếp tại cửa hàng.
Ông Tuấn Anh, giám đốc vận hành và tài chính Shopee Việt Nam, cho rằng, TMĐT tại Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ sơ khai (dưới 1% chi tiêu) nên còn nhiều vấn đề còn phải giải quyết từ khâu vận chuyển, chi trả và cả niềm tin giữa người mua và người bán.
“Để giải quyết những vướng mắc trên, chỉ có người trẻ với những giá trị của mình mới có đủ năng lực”, ông Tuấn Anh bình luận.
Hoàng Triều
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này