
15:37 - 30/11/2016
TPHCM lãng phí giao thông thuỷ đến bao giờ?
Ở Bangkok tháng 10 mới đây, vừa thấy một loại vé mới, chỉ 40 baht cho du khách đi một chiều, có thể lên xuống bất kỳ bến nào theo chiều đi đó. Rẻ hơn và càng tiện hơn nhiều, trong khi 252 km đường thủy TPHCM “bỏ hoang”.

Ở Bangkok tháng 10 mới đây, vừa thấy một loại vé mới, chỉ 40 baht cho du khách đi một chiều, có thể lên xuống bất kỳ bến nào theo chiều đi đó. Rẻ hơn và càng tiện hơn nhiều, trong khi 252 km đường thủy TPHCM “bỏ hoang”.
Trong buổi hội thảo về du lịch đường sông ngày 22/11/2016 vừa qua tại TPHCM, các chuyên gia, đại biểu cho biết thành phố có đến 1.000km sông ngòi kênh rạch, với 16 tuyến đường thuỷ nội địa, tổng chiều dài 252km… cùng với khá nhiều điểm đến thú vị rất tiềm năng để phát triển loại hình du lịch đường sông.
Thế nhưng, hầu như tất cả các dự án du lịch hoặc vẫn nằm trên giấy, hoặc đã bị xếp lại dù đã có từ rất lâu đời hay chỉ mới vừa hào hứng khai trương gần đây… Ý kiến được tất cả hội thảo công nhận là du lịch đường thuỷ của thành phố đang “mắc cạn”.
Nhiều ý kiến thảo luận, kêu gọi sẻ chia trách nhiệm của nhiều ban ngành liên quan, sự can thiệp, đầu tư, của chính quyền… được đưa ra. Không chỉ đề cập đến du lịch mà còn về tiềm năng vận chuyển hành khách, nhất là khi tình trạng kẹt xe của thành phố đang diễn ra ngày càng trầm trọng hiện nay.
Các đại biểu cho biết trong 11 tháng vừa qua, hệ thống đường thuỷ toàn thành phố chỉ vận chuyển được 233.000 lượt hành khách, rất thấp so với vận tải hành khách công cộng bằng đường bộ là xe buýt, với khoảng 1.000.000 lượt khách/ngày.
Đọc mấy con số mà giật mình. Xem thật kỹ, tìm những trang, bài khác đọc thêm vì sợ nhầm, nhưng không. Vì mới trở về sau chuyến đi Thái, có dừng chân ở Bangkok, một thành phố dù phát triển hơn nhưng cũng khá tương đồng với Sài Gòn về kẹt xe, gần giống nhau hệ thống sông ngòi kênh rạch…
Cũng như vừa mới đọc được những con số thống kê của nước bạn, nhân dịp Bangkok khai trương một tuyến đường thuỷ miễn phí từ bến phà Thewet đến bến sông gần ga xe lửa, cũng là trạm xe điện ngầm Hua Lamphong hôm đầu tháng 9/2016 rồi.
Theo một báo cáo, những năm hoàng kim 1995 – 1997, hệ thống đường thuỷ Bangkok vận chuyển đến 360.000 lượt hành khách/ngày. Có giảm xuống chút ít nhưng vẫn duy trì ở mức 300.000 lượt vào năm 2003.
Đến hiện nay, Bangkok vẫn duy trì năm tuyến vận chuyển hành khách công cộng đường sông, rạch gồm Khlong Saen Saep, Khlong Phra Khanong, Khlong Phasi Charoen, Khlong Rangsit và tuyến Chao Phraya. Trong đó, chỉ hai tuyến Khlong Saen Saep và Chao Phraya đã chuyên chở đến 100.000 lượt khách trong ngày (60.000 và 40.000 theo thứ tự).
Ngoài năm tuyến trên, còn có nhiều chuyến phà ngang nối hai bờ Chao Phraya cũng thường xuyên đông đúc như Thủ Thiêm ngày cũ hay Cát Lái bây giờ, mỗi ngày vận chuyển gần 137.000 lượt khách qua lại (số liệu năm 2010).
Nhưng chưa hết, để vận chuyển 1 triệu lượt khách/ngày, Sài Gòn hiện cần đến 2.599 chiếc xe buýt (theo cổng thông tin bộ Giao thông vận tải, số liệu 2016). Còn tuyến đường thuỷ Khlong Saen Saep chỉ có 100 chiếc ghe/40 – 60 khách/lượt, còn tuyến Chao Phraya cũng chỉ có 65 chiếc tàu/120 – 180 khách/lượt.
Chỉ 165 ghe tàu đó đã chuyên chở lượt khách bằng 1/10 so với 2.599 chiếc xe buýt của Sài Gòn – chưa kể mấy tuyến còn lại. Điều quan trọng hơn nữa là không có sự kẹt ghe, ùn tắc, ùn ứ tàu thuyền nào trên các tuyến sông rạch này so với ở các con đường nổi tiếng đông đúc của Bangkok cũng như Sài Gòn.
Ở đây, chỉ mới nói về vận chuyển hành khách công cộng, chưa đề cập đến vấn đề chính của buổi hội thảo: du lịch đường thuỷ, dù ai từng ghé Bangkok cũng đều biết loại hình du lịch đó phát triển cỡ nào, từ chợ nổi đến du thuyền ngắm hoàng hôn, thưởng nguyệt sông đêm…
Thế nhưng, những tuyến đường thuỷ công cộng này hiện cũng đang là “mối đe doạ cạnh tranh” với những loại hình du lịch sông nước kia – vì sự nhạy bén rất thời sự của những nhà tổ chức quản lý.
Cách đây vài năm, khi biết được khá nhiều khách du lịch không mua tour mà thích tự đi bằng ghe tàu công cộng để tìm hiểu, hoà cùng cuộc sống người bản địa, cũng như giá vé mềm hơn rất nhiều, họ đã tung ra loại vé bao nguyên ngày.
Chỉ với 150 baht (1 baht khoảng 650 đồng) có thể ngược xuôi lên xuống bất kỳ bến tàu nào trong ngày, bất kỳ các loại tàu nào trên tuyến đường sông Chao Phraya, vốn ngang qua nhiều điểm du lịch như hoàng cung, chùa Arun…
So với giá vé dao động từ 12 – 30 baht tuỳ ghe tàu cung đường, loại vé một ngày trên đã được du khách nồng nhiệt đón chào. Nhưng, lần ghé Bangkok tháng 10 mới đây, vừa thấy một loại vé mới, chỉ 40 baht cho du khách đi một chiều, có thể lên xuống bất kỳ bến nào theo chiều đi đó. Rẻ hơn và càng tiện hơn nhiều!
Đây chỉ là các ví dụ tiêu biểu về sự nhanh nhạy để phục vụ hành khách cũng như du khách của bạn, chưa kể nhiều hoạt động đa dạng linh hoạt khác.
Như khi khu thương mại, du lịch mới Asiatique ra đời, nằm hơi xa bến cuối của cung đường sông Chao Phraya, họ không chỉ nối dài tuyến, mà còn mở cả những chuyến tàu miễn phí nối khu này với các bến đông khách nằm gần trạm tàu điện ngầm, xe điện trên không… cũng như tăng thêm giờ hoạt động để phục vụ khách đi chơi khuya…
Quay lại chuyện mình. Đến giờ hình như đường ra cho du lịch đường thuỷ vẫn thấy xa xôi lắm, chứ nói gì đến vận chuyển hành khách.
Dù tiềm năng dưới nước thì mênh mang, còn các vấn đề trên bờ càng ngày càng bức bối. Chuyện đương nhiên không dễ, vì dễ thì đã xong lâu rồi. Nhưng không phải không làm được vì không cần ở đâu Âu Mỹ xa xôi phát triển, tiến bộ, nước láng giềng cũng xêm xêm mình đã làm được rồi.
Qua hội thảo bàn luận, vấn đề du lịch đường thuỷ ở TPHCM “mắc cạn” ở đâu dường như đã thấy. Còn giải quyết chuyện “mắc cạn” như thế nào lại là một vấn đề khác.
Làm được hay không, có lẽ không chỉ mỗi chuyện đầu tư, tiền bạc mà có lẽ còn nhiều vấn đề khác, vì đây không phải lần đầu vấn đề này được đặt ra.
bài, ảnh Thái Trần
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này