
14:47 - 25/11/2016
TPHCM tính làm chợ nổi để phát triển du lịch đường thủy
Ngành Du lịch TPHCM đang tập trung nghiên cứu phương án thành lập một chợ nổi trên sông để hút khách du lịch.
Thời gian tới, TPHCM sẽ có thêm chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng, mở các điểm thăm quan nhà vườn ven sông.
Đó là thông tin được Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết tại hội thảo chuyên ngành du lịch vừa diễn ra chiều 22/11. Hội thảo có chủ đề “Du lịch đường sông: Hướng phát triển du lịch đặc sắc TPHCM”.
Thông tin tổng quan về các tour, tuyến du lịch đường thủy của TPHCM, ông Vũ cho biết, tính đến hết năm 2015, TPHCM đã triển khai 07 tuyến du lịch đường thủy, gồm 02 tuyến tầm ngắn, 03 tuyến tầm trung và 02 tuyến tầm xa kết nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia.
Cũng theo ông Vũ, thời gian qua, để tạo điều kiện cho loại hình du lịch đường thủy phát triển, TPHCM đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cho loại hình du lịch này. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, Thành phố đã phê duyệt danh mục xây dựng 13 bến đỗ từ nguồn Ngân sách Nhà nước và 21 bến do tư nhân đầu tư.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã chú trọng kêu gọi, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia khai thác các tuyến du lịch đường thủy. Toàn Thành phố hiện có 19 doanh nghiệp khai thác du lịch đường thủy với hơn 100 phương tiện vận chuyển các loại…
Nhận định việc phát triển và khai thác các tour, tuyến du lịch đường sông tại TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi, tuy nhiên, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố cũng cho rằng thực tế công tác này đang gặp phải không ít khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu do các vấn đề liên quan đến quy hoạch, ô nhiễm môi trường. Trong đó, hầu hết các tuyến chưa có điểm dừng, đón khách phù hợp. Hai bên bờ sông, kênh không có thắng cảnh nổi bật, thiếu đèn chiếu sáng. Một số tuyến kênh thậm chí còn có nhiều rác thải gây phản cảm đối với du khách…
“Đây là những yếu tố làm giảm sức hấp dẫn của các tour, tuyến du lịch đường sông”, ông Vũ nhận định và cho biết số lượt khách tham quan trên sông trong 9 tháng đầu năm 2016 có tăng nhưng không đáng kể, “chỉ” đạt 68.000 lượt so với 63.670 lượt khách trong năm 2015.
Để “hồi sinh” các tour, tuyến du lịch đường sông trong thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp cấp bách, như: giữ lại bến đỗ tại Thành phố (không di dời ra Bà Rịa – Vũng Tàu); ưu tiên xây dựng các điểm dừng đón khách du lịch thuận tiện…
Đặc biệt, TPHCM sẽ có thêm chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng, mở thêm các điểm thăm quan nhà vườn ven sông. “Một mô hình chợ nổi trên sông đang được ngành Du lịch TPHCM nghiên cứu để triển khai thực hiện trong thời gian tới”, ông Vũ thông tin.
Đề xuất giữ một phần Cảng Sài Gòn làm khu du lịch
Trao đổi thêm về biện pháp hỗ trợ hoạt động của các tuyến du lịch đường thủy trong thời gian tới, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, để tạo điều kiện cho du lịch đường thủy phát triển, sắp tới, ngành giao thông vận tải TPHCM sẽ ưu tiên phát triển giao thông đường thủy nội đô.
Trước mắt là sẽ tập trung nâng cao độ tĩnh không một số cây cầu bắc qua các tour, tuyến du lịch đường thủy của Thành phố.
Cụ thể là trong tháng 10/2017, ngành giao thông Thành phố phấn đấu hoàn thành việc nâng độ tĩnh không cầu Bình Lợi lên 7m để đáp ứng cho các loại tàu du lịch cỡ lớn. Hiện nay, độ cao gầm cầu Bình Lợi chỉ đạt 1,8m và mới chỉ đáp ứng cho các loại ghe, cano nhỏ lưu thông.
Một tin vui khác đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy là năm 2016, Cảng Sài Gòn sẽ được di dời để Thành phố phát triển đô thị. Mới đây, Sở GTVT TPHCM đã có ý kiến, kiến nghị UBND Thành phố cho phép giữ lại 1.800m cầu cảng để phục vụ phát triển du lịch đường thủy.
Nếu được thông qua, khu vực này sẽ được quy hoạch và cải tạo một cách bài bản, hứa hẹn sẽ trở thành một khu trung tâm du lịch đường thủy, kết hợp kinh doanh sầm uất mới của TPHCM.
Bên cạnh những ý kiến nêu trên, tại hội thảo, các doanh nghiệp ngành du lịch cũng nêu nhiều ý kiến, đề xuất hàng loạt giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả khai thác các tuyến du lịch đường thủy tại TPHCM trong thời gian tới.
Trong đó, có doanh nghiệp đề xuất ý tưởng phát triển khai thác loại hình taxi cao cấp trên sông. Đó là những tàu không lật không chìm, giống như các tàu chấp pháp trên biển của Việt Nam hiện nay.
Có doanh nghiệp kiến nghị Thành phố nghiên cứu, ban hành thêm chế độ ưu đãi, hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh du lịch đường thủy bởi số doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này khá thấp, chỉ còn 19 doanh nghiệp so với 37 doanh nghiệp ban đầu.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, để “vực dậy” du lịch đường thủy, trước mắt, Thành phố cần chú trọng hơn đến công tác vệ sinh môi trường hệ thống kênh rạch nội đô, đảm bảo an toàn, sạch sẽ, tạo cảnh quan thông thoáng hấp dẫn du khách.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này